Người nước ngoài đổ sang Việt Nam chữa bệnh

Mỗi năm có khoảng 100 nghìn người nước ngoài sang Việt Nam chữa bệnh và doanh thu mang lại từ nguồn lợi này cho bệnh viện trong nước ước hơn 1 tỷ USD.

Từ khắp 5 châu

Khi hay tin Việt Nam đã ứng dụng kỹ thuật femtosecond laser hiện đại trên thế giới trong phẫu thuật khúc xạ, thông qua một người bạn ở TPHCM, anh Carthay ở Áo đã khăn gói sang Việt Nam. Điểm đến là Bệnh viện Mắt TPHCM. “Hơi bất ngờ vì lần đầu tiên có một bệnh nhân đến từ Áo đăng ký khám và phẫu thuật, bởi lâu nay nếu có người nước ngoài tới đây chữa trị, thường họ đến từ Đông Nam Á”- TS.BS Trần Hải Yến- Phó Giám đốc BV Mắt TPHCM kể. 

Carthay, 41 tuổi bị khúc xạ ở hai mắt 4 năm nay, anh đã trải qua 2 cuộc mổ ở một bệnh viện tại thủ đô Vienne nhưng không mang lại kết quả. Ca mổ bằng công nghệ mới ở BV Mắt TPHCM được thực hiện cho Carthay mất 2 giờ, sau đó bệnh nhân được xuất viện. Bệnh nhân mãn nguyện vì không chỉ mắt sáng hẳn mà số tiền Carthay bỏ ra cho đợt phẫu thuật này chỉ hơn 1 nghìn USD, bằng 1/3 so với các bệnh viện bên Áo. “Tôi cũng không ngờ nền y tế của Việt Nam đã tiến bộ vượt bậc như vậy”- bệnh nhân đặc biệt này tâm sự với bác sĩ và nói sẽ giới thiệu cho nhiều người ở Áo sang đây nếu họ bị bệnh. 

“Người nước ngoài sang đây khám bệnh như cơm bữa”- bà Nguyễn Thị Lệ Thu- Giám đốc đối ngoại và tiếp thị, Bệnh viện FV ở TPHCM tự hào. 10 năm trước bệnh nhân nước ngoài chủ yếu là dân các nước ở Đông Nam Á nhưng nay theo bà Thu mấy năm nay có cả người châu Âu, một số khác đến từ châu Mỹ, châu Phi. Chỉ riêng người dân Campuchia, Lào hay Myanmar mỗi năm nơi đây tiếp nhận gần 20 nghìn lượt đến thăm khám và điều trị. 

Shumells, 51 tuổi đến từ vùng ngoại ô TP Frankfurt của Đức bị căn bệnh u ở trực tràng. Ở Đức phẫu thuật u đại trực tràng vẫn tốt nhưng sau khi xem trên một tạp chí y khoa về kỹ thuật mổ nội soi ở Việt Nam, Shumells đã quyết định sang đây. “Tôi thấy nhiều ca thành công bằng phương pháp phẫu thuật này được báo cáo nên tôi hy vọng bệnh các bác sĩ ở đây làm được cho tôi”- Shumells nói. Giá cả của ca phẫu thuật này cũng quan trọng đối với Shumells. “Nó chưa bằng một nửa ở bên Đức và dịch vụ hậu phẫu nơi đây cũng tốt không thua kém ở quê tôi”- bệnh nhân này so sánh. 

Ở BV Đại học Y dược TPHCM luôn thường trực 15-20 người phiên dịch tiếng Campuchia và tiếng Anh. Đây được xem là nơi có số lượng người Campuchia sang điều trị bệnh lớn nhất ở nước ta với khoảng 18 nghìn người mỗi năm. 

Trong đó, có khoảng 1.000 bệnh nhân đến từ các nước châu Âu, Úc, Á và Mỹ. PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc- Phó Giám đốc BV ĐH Y Dược TPHCM cho biết, từ năm 2008 đến nay bệnh viện điều trị nội trú cho gần 6 nghìn bệnh nhân người nước ngoài, trong đó khá nhiều bệnh nhân đến từ Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Thụy sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha… 

“Bệnh viện ngày càng ứng dụng nhiều kỹ thuật cao vào điều trị các bệnh lý khó nên thu hút được bệnh nhân nước ngoài. Họ đến khám và điều trị chủ yếu các bệnh tiêu hóa- gan mật bằng thủ thuật nội soi, số còn lại là điều trị các bệnh lý về thần kinh và xương khớp”- bác sĩ Bắc cho biết. 

Còn tại BV Chợ Rẫy, nhiều bệnh nhân nước ngoài cũng được đội ngũ bác sĩ ở đây cứu sống ngoạn mục mà nhiều nước có nền y khoa tiên tiến có khi phải bó tay. “Nhiều bệnh nhân ở châu Âu hay châu Mỹ đến đây để điều trị các bệnh lý lồng ngực mạch máu hay thẩm mỹ”- TS Nguyễn Văn Khôi- Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy nói. 

Tại hai Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương và Răng Hàm Mặt TPHCM mỗi năm cũng đón trên 2 nghìn bệnh nhân nước ngoài và Việt kiều sang chữa trị nha khoa hoặc thẩm mỹ răng. Các bác sĩ ở hai bệnh viện này cho biết, chất lượng và giá rẻ là lý do khiến bệnh nhân nước ngoài đến điều trị.

Sang Việt Nam “tìm con” 

Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được xem là dẫn đầu trong các lĩnh vực y khoa thu hút người nước ngoài sang Việt Nam. GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người đặt nền móng cho kỹ thuật này ở Việt Nam và hiện là Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM cho rằng mỗi năm phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã giúp cho hơn 10 nghìn trẻ ra đời. “Việt Nam đang thực hiện kỹ thuật này nhiều nhất khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ thành công cao và thực hiện được hầu hết các kỹ thuật điều trị vô sinh trên thế giới đứng đầu”- GS Phượng tự tin. 

Người nước ngoài đổ sang Việt Nam chữa bệnh - 1

Thụ tinh trong ống nghiệm đang là lĩnh vực “hot” thu hút bệnh nhân nước ngoài điều trị tại Việt Nam

4 năm trước, bác sĩ Phượng và cộng sự ở Việt Nam bất ngờ khi đón tiếp vợ chồng Tiến sĩ S.H, một trong những chuyên gia nổi tiếng về thụ tinh trong ống nghiệm của thế giới đến TPHCM thực hiện kỹ thuật này cho chính vợ chồng ông. “Ông ấy là đồng tác giả quyển sách giáo khoa về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nổi tiếng nhất thế giới”- GS Phượng nhớ lại. 

Sau lời đề nghị của Tiến sĩ S.H, các chuyên gia lĩnh vực vô sinh ở TPHCM đã thực hiện kỹ thuật này cho vợ chồng ông. “Bây giờ cậu con trai của ông đã được 4 tuổi”- GS Phượng khoe, và cho biết mới đây cậu con trai ra đời từ thụ tinh ống nghiệm đã được ông đưa ảnh in lên quyển sách giáo khoa về thụ tinh trong ống nghiệm. 

Theo bác sĩ Phượng, từ năm 2000 trở đi, Việt Nam bắt đầu nhận điều trị thụ tinh trong ống nghiệm cho người nước ngoài và 3 trung tâm thụ tinh ống nghiệm là Bệnh viện An Sinh, Bệnh viện Vạn Hạnh và Bệnh viện Từ Dũ. Riêng Bệnh viện Từ Dũ, mỗi năm có trên 200 trường hợp người nước ngoài đến điều trị.

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường- Phụ trách trung tâm điều trị hiếm muộn tại Bệnh viện An Sinh cho biết: “Mỗi năm có khoảng 100 người nước ngoài sang thực hiện thủ thuật điều trị hiếm muộn con. Không chỉ châu Á mà kể cả các nước châu Âu cũng có bệnh nhân sang đây”. 

Theo bác sĩ Tường, các kỹ thuật trong điều trị vô sinh hiếm muộn thế giới làm được gì thì mình cũng đều làm được. Lý giải vì sao người nước ngoài sang thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ Tường cho rằng do hiệu quả điều trị thành công cao trong khi giá cả chỉ bằng một nửa so với nước ngoài. “Thậm chí có trường hợp thất bại khi thực hiện phương pháp này ở nước ngoài nhưng lại thành công ở Việt Nam”- bác sĩ Tường cho hay. 

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Tiến- Thứ trưởng Bộ Y tế, thụ tinh trong ống nghiệm cũng là lĩnh vực thu hút nhiều người nước ngoài, đặc biệt là các cặp vợ chồng đến từ Mỹ, Pháp, Đức hay Nga. Tại BV Phụ sản Trung ương tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm thành công từ 50-60%, BV Từ Dũ và An sinh khoảng 65% trong khi ở Thái Lan hay Singapore chỉ khoảng 40-45%. Bác sĩ Hồ Mạnh Tường cho biết thụ tinh trong ống nghiệm ở nước ngoài có giá từ 15 nghìn- 30 nghìn USD nhưng ở Việt Nam chỉ hơn 100 triệu đồng. 

Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng cho rằng chất lượng khám chữa bệnh ngày càng tăng cả về hiệu quả điều trị, ứng dụng kỹ thuật cao và thái độ phục vụ, cũng như công tác quảng bá làm cho người nước ngoài biết đến nền y tế của Việt Nam nhiều hơn. 

TS.BS Nguyễn Đình Phú- Phó Giám đốc BV Nhân dân 115 cho biết, sau hơn 10 năm nơi đây đã thực hiện thành công cho 10 ca ghép thận cho bệnh nhân nước ngoài. “Giá cho một ghép thận ở Việt Nam từ khoảng 50-100 triệu đồng trong khi ở châu Âu có thể lên đến 30 nghìn Euro”- bác sĩ Phú nói. Tại Singapore chi phí cho một ca ghép tủy cũng lên đến 2 tỷ đồng nhưng ở Việt Nam con số này là 500-700 triệu đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Nguyễn (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN