Nghề nguy hiểm: Ở nơi nguy cơ lây nhiễm cao

Nếu ví y học như một cái cây thì y học lâm sàng là hoa quả, còn y học cận lâm sàng là gốc, rễ, thân cành.

Thế nhưng người ta chỉ nhớ đến người hái quả, còn những nhân viên y tế, kỹ thuật viên làm ở phòng xét nghiệm, phân tích mẫu bệnh phẩm thường rất “âm thầm”…

Mỗi ngày tiếp xúc hàng trăm mẫu đờm

Khoa Vi sinh là một dãy nhà cũ kỹ với những máy móc kêu tít tít nằm trong không gian yên ắng của Bệnh viện Phổi Trung ương. Công việc của các nhân viên ở Khoa là phân tích các mẫu bệnh phẩm, được lấy từ phòng khám và các phòng bệnh. Bệnh nhân phải khạc nhổ đờm cho vào lọ đựng mẫu. Sau đó, y tá các khoa mang đến Khoa Vi sinh và giao cho bộ phận nhận mẫu. Các mẫu bệnh này sẽ được đưa vào máy để phân tích và ra các chỉ số cho bệnh nhân…

TS Nguyễn Văn Hưng, Trưởng khoa Vi sinh chia sẻ: “Thầy thuốc tiếp xúc với bệnh nhân dù sao cũng thú vị hơn chúng tôi tiếp xúc với đờm. Bác sĩ điều trị phải tiếp xúc với một số bệnh nhân trong một ngày, còn các nhân viên xét nghiệm thì tiếp xúc với hàng trăm mẫu bệnh phẩm một ngày. Mặc dù đã có các phương tiện bảo hộ rồi nhưng ai dám chắc có thể đảm bảo an toàn được 100%. Bởi vậy, công việc của chúng tôi đòi hỏi phải có sự tập trung cao độ. Những người làm việc ở Khoa này phải yêu nghề, còn nếu không thì không thể trụ nổi. Có người vào làm một tháng là xin chuyển đi, có người làm tới một vài năm rồi cũng tự xin thôi việc vì không thể chịu nổi sự vất vả”.

Nghề nguy hiểm: Ở nơi nguy cơ lây nhiễm cao - 1

Phòng xét nghiệm của Khoa Vi sinh, Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: H.Nam.

Theo TS Nguyễn Văn Hưng: “Nhân viên làm việc tại Khoa phải chịu tác động của một môi trường làm việc chật hẹp bởi những căn phòng chỉ rộng mấy mét vuông mà rất nhiều máy móc, tiếng ồn quá mức, nhiệt độ yêu cầu phải 24 độ C, nhà lại hướng Tây nên nhiều khi con người chịu được nhưng máy móc lại “bó tay” với thời tiết. Trong phòng xét nghiệm, các chất hóa học có tính chất bay hơi thì các nhân viên có thể hít vào, rất độc hại…”.

Ngoài yếu tố môi trường, yếu tố sinh học cũng là một nguy cơ tiềm ẩn đối với các nhân viên xét nghiệm. Vi khuẩn lao có nguy cơ lây lan rất cao, thêm nữa là các vi khuẩn lao kháng đa thuốc, thậm chí siêu kháng, bên cạnh đó còn có mầm bệnh khác như HIV… Làm việc trong môi trường như vậy nên tâm lý của các nhân viên thường rất e ngại.

Các nhân viên xét nghiệm lâu năm cũng giống như những bác sĩ lành nghề, chỉ cần nhìn mẫu đờm là có thể đoán được các loại vi khuẩn chứa trong mẫu đờm: Mẫu đờm giống bã đậu thì chứa vi khuẩn gì, mẫu đờm chứa máu thì chứa vi khuẩn gì… Mãi cũng thành quen. Công việc của Khoa Vi sinh vất vả, khó khăn và yêu cầu cao bởi một người làm việc không cẩn thận sẽ rất nguy hiểm, lây cả cho những người khác nên việc tuyển người đòi hỏi phải có chuyên môn và được đào tạo bài bản.

Tự hào với công việc của mình

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng chia sẻ: “Tâm lý xã hội cũng là một vấn đề. Nhiều người chỉ biết đến những khó khăn, mặc cảm… nhưng ít ai biết tới những thành công mà chúng tôi đã làm. Đó là những thành công khi nghiên cứu những con virus, chẩn đoán ra lao kháng đa thuốc thì mới tìm ra được thuốc để điều trị… Đây là công việc cầm cân nảy mực, là xương sống… vì chẩn đoán phải dựa vào xét nghiệm, điều trị phải dựa vào xét nghiệm. Thế nhưng công việc này ít được nhìn nhận, dễ lãng quên. Đó là một đặc thù của những nhân viên xét nghiệm vi sinh”.

Tại Khoa Vi sinh, do phần lớn là phụ nữ nên càng khó khăn khi chị em thai sản. “Cùng một lúc có vài ba chị em mang thai ở bộ phận nguy cơ lây nhiễm cao nhất thì phải chuyển cho họ tới những chỗ ít nguy hiểm hơn thôi chứ ở đây chỗ nào chẳng có nguy cơ. Đây cũng là một yếu tố khó khăn vì họ đã làm quen, làm tốt ở chỗ này rồi nhưng lại phải chuyển tới một chỗ khác. Ở đây, ngoài việc làm xét nghiệm cho bệnh viện, chúng tôi còn làm xét nghiệm phục vụ cho các bệnh viện khác, kể cả bệnh viện tuyến tỉnh chuyển về. Ngoài ra, chị em còn phải đi công tác, chỉ đạo tuyến kiểm tra giám sát tại các bệnh viện tỉnh… nên công việc vô cùng nhiều”, TS Hưng cho biết.

Chia sẻ về nghề, TS Nguyễn Văn Hưng thẳng thắn: “Ở đây thu nhập không cao, tuy nhiên chúng tôi thỏa mãn với công việc của mình. Chúng tôi thấy tôn trọng, tự hào với công việc này. Nếu làm vì một công việc có ích thì tại sao lại phải mặc cảm với công việc của mình?”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Nam (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN