Nghe điện thoại khi đang sạc pin dễ chết người

Sự kiện: Sống khỏe

Gần đây liên tiếp xảy ra những tai nạn do cháy, nổ khi vừa sạc vừa nghe điện thoại, dẫn đến chết người.

Theo các chuyên gia, vừa sạc vừa sử dụng điện thoại di động sẽ khiến bạn dễ bị điện giật, nhất là với các máy có chất lượng kém, linh kiện của bộ sạc không đảm bảo.

Tử vong vì vừa nghe điện thoại vừa sạc

Gần đây liên tiếp xảy ra những tai nạn do cháy, nổ khi vừa sạc vừa nghe điện thoại, dẫn đến chết người. Mới đây nhất, một thiếu nữ Trung Quốc đã tử vong khi sử dụng iPhone 5 đang sạc pin.

Tại Việt Nam, năm 2012, anh Kiều Thế Bắc ở Lâm Đồng cũng bị điện giật chết khi vừa dùng điện thoại di động vừa sạc pin. Nguyên nhân được xác định do dây sạc pin hở mạch, quấn vào cổ tay nạn nhân.

Nghe điện thoại khi đang sạc pin dễ chết người - 1

Sử dụng bộ sạc pin điện thoại di động không đúng tiêu chuẩn có thể bị điện giật. Ảnh minh họa.

Để tránh nguy hiểm khi sử dụng điện thoại, các chuyên gia khuyến cáo, hãy sử dụng các thiết bị điện thoại của những hãng có thương hiệu, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng phụ kiện (pin, bộ sạc…) kèm theo điện thoại có nguồn gốc rõ ràng, được chính hãng ủy quyền và đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất khi sử dụng. Hạn chế sử dụng điện thoại, các thiết bị điện tử cầm tay (hand-held) khi đang sạc pin. Tốt nhất, người sử dụng nên tắt nguồn điện khi đang sạc pin. Không để các loại máy có nhiều từ trường như: Máy tính, máy nghe nhạc và điện thoại ở gần nhau.

Trước đó, một người làm trong ngành Kiểm toán ở Đà Nẵng cũng bị nổ điện thoại. Sau khi nổ, phần vỏ màn hình của điện thoại đã thủng một góc to bằng ngón tay út, màn hình tinh thể lỏng bị các tia lửa điện phóng làm cháy đen thành 2 vạch lớn. Điều này gây lo ngại cho những người sử dụng điện thoại di động khi đang sạc pin vì có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Trường Luyện – Viện Vật lý kỹ thuật (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, nguy cơ gây tử vong cho người sử dụng khi vừa nghe điện thoại vừa sạc pin có thể xảy ra nhưng rất hiếm. Với vụ việc xảy ra ở Trung Quốc, TS Luyện phân tích, bình thường bộ chuyển đổi từ nguồn điện ngoài (220V) thành nguồn điện nuôi iPhone (3-5V) nằm sâu trong vỏ và với dòng nuôi nhỏ thì không gây ra hiện tượng điện giật chết người. Trường hợp tử vong này có thể là do khi sạc pin người nghe đã không chú ý cắm phích điện vào iPhone cẩn thận để phích cắm tiếp xúc với khung thép bao quanh iPhone và khi đó, tay  tiếp xúc với nguồn điện ngoài (220V). Chính nguồn điện ngoài này gây ra hiện tượng điện giật. Bởi vậy không nên vừa nghe điện thoại vừa sạc điện.

Theo TS Đặng Hoài Bắc – Trưởng khoa Kỹ thuật điện tử (Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông), không chỉ iPhone mà bất kỳ dòng điện thoại nào cũng có thể gây nguy hiểm nếu sử dụng không đúng cách hoặc linh kiện của bộ sạc không đảm bảo, không rõ nguồn gốc. Trong quá trình sạc, nếu các linh kiện điện tử không đảm bảo chất lượng, bị hỏng, mạch nguồn có thể bị đánh thủng dẫn tới việc điện áp cao phóng thẳng tới điện thoại liên tục hoặc tức thì gây hỏng điện thoại và gây giật nguy hiểm cho người sử dụng, nhất là những điện thoại vỏ kim loại.

Thông thường thì đầu vào của sạc được nối thẳng tới điện lưới (~220VAC). Do vậy, khi chất lượng của sạc không tốt, linh kiện bộ sạc bị hỏng thì mức điện áp đầu ra của sạc tới điện thoại không chỉ là 3 - 5V nữa và người sử dụng có nguy cơ điện giật do tiếp xúc với điện lưới. Việc người sử dụng máy iPhone 5 ở Trung Quốc bị điện giật có thể do hai nguyên nhân chính: Sử dụng khi tay bị ướt, vô tình tiếp xúc với điện lưới hoặc sử dụng bộ sạc không an toàn.

Nên tắt nguồn điện khi đang sạc pin

Theo hướng dẫn an toàn của hãng điện thoại Nokia, cần tuân thủ một số nguyên tắc khi sử dụng điện thoại để đảm bảo an toàn: Không nên để vật kim loại tiếp xúc với các cực âm, dương của pin. Tránh để pin trong túi lẫn lộn với chìa khoá xe, kẹp giấy, bút có vỏ kim loại... vì pin dễ chập mạch, gây cháy nổ. Để máy ở tình trạng khô ráo, không thấm nước khi khởi động máy để tránh tình trạng chập mạch điện. Không nên bỏ điện thoại trong túi quần, túi áo. Tắt điện thoại ngay khi ở trong khu vực dễ xảy ra cháy nổ như trạm tiếp nhiên liệu, trạm nạp khí hoá lỏng, nhà máy hoá chất...

PGS.TS Nguyễn Trường Luyện cho biết, việc vừa sạc pin vừa nghe điện thoại không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi nghe điện thoại trong trạng thái sạc sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu hơn so với nghe điện thoại ở trạng thái thông thường. Ngoài ra, do tác dụng của sóng cao tần (cỡ 1.8 GHz) phát ra từ điện thoại di động khi thời gian sử dụng kéo dài (vì việc sạc pin thường lâu) đã ảnh hưởng tới não người sử dụng. Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã nghiên cứu khá nhiều về ảnh hưởng của sóng cao tần phát ra khi điện thoại di động làm việc (nói hoặc nghe) lên cơ thể sống và đã thấy rõ hiện tượng này. Bởi vậy, khi sử dụng điện thoại di động (kể cả iPhone), bạn không nên sử dụng kéo dài, không nên để điện thoại gần những bộ phận nhạy cảm như não, tim… Đặc biệt trong thời gian đầu (khoảng 10 giây từ khi bật điện thoại) vì trong khoảng thời gian này công suất điện thoại di động lớn hơn nhiều ngưỡng an toàn cho phép.

Theo TS Đặng Hoài Bắc, các hãng sản xuất điện thoại cũng đã tính toán đến trường hợp người sử dụng vừa sử dụng vừa sạc điện thoại đã lường trước những mối nguy hiểm có thể xảy ra. Tuy nhiên, các hãng vẫn đặc biệt lưu ý khách hàng cách sử dụng như: Không tiếp xúc với điện thoại đang sạc khi tay ướt, không sử dụng ở môi trường có nguy cơ cháy nổ cao, đảm bảo đấu nối vào nguồn điện đúng quy cách…Trong quá trình sạc nếu pin kém chất lượng có thể gây nổ.

Ngoài ra, các bức xạ của việc sử dụng điện thoại di động sẽ tăng khi pin yếu, hoạt động trong vùng phủ sóng kém. Trong quá trình sạc pin nếu sử dụng điện thoại, các linh kiện bị nóng cũng có thể tăng các bức xạ không tốt cho sức khỏe. Trên thực tế, các hãng sản xuất cũng tuân thủ các quy định về mức độ phơi nhiễm của người với năng lượng sóng vô tuyến như của FCC (Mỹ), IC (Canada) và Liên minh châu Âu nhưng nghe điện thoại nhiều quá trong thời gian dài cũng khiến chúng ta bị mệt mỏi, khó chịu. Chẳng hạn, các khuyến cáo của các hãng đã chỉ ra chúng ta nên tiếp xúc điện thoại với cơ thể ở khoảng cách an toàn 1,5cm (Apple).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà My (Gia đình & Xã hội)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN