Mổ nội soi ruột thừa qua đường âm đạo

Phương pháp này không những không thấy sẹo mổ mà việc sử dụng đường vào xuyên qua các thành ống của cơ thể là nơi ít tế bào cảm giác đau so với thành bụng, do đó bệnh nhân sau mổ ít đau hơn và thời gian hồi phục sớm hơn.

Ca mổ đầu tiên được Bệnh viện Việt Đức tiến hành cắt ruột thừa nội soi qua đường âm đạo cho bệnh nhân nữ 48 tuổi với tiền sử hai lần mổ mở và một lần nội soi dạ dày, tá tràng. Bệnh nhân được mổ cấp cứu với thời gian 110 phút, sau mổ không đau và ra viện sau 3 ngày.

Mổ nội soi ruột thừa qua đường âm đạo - 1

Một ca phẫu thuật mổ nội soi.

Viêm ruột thừa cấp là cấp cứu ngoại khoa thường gặp, chiếm khoảng 30 - 50% các phẫu thuật cấp cứu ổ bụng. Tại Bệnh viện Việt Đức, tỷ lệ này chiếm khoảng 53,38% mổ cấp cứu do bệnh lý bụng. Phương pháp điều trị duy nhất trong viêm ruột thừa là phẫu thuật.

Hiện nay, cắt ruột thừa qua nội soi ổ bụng là phương pháp hiệu quả để thay thế mổ mở. Phẫu thuật nội soi 1 lỗ cắt ruột thừa tại rốn đã là phương pháp mới, đơn giản và an toàn hơn. Tuy nhiên, đường ổ bụng vẫn phải xuyên qua thành dạ dày, trực tràng, ruột non, bàng quang, âm đạo...

Việc thực hiện khâu đóng các lỗ thủng đường tiêu hóa dù được thực hiện thận trọng vẫn còn nhiều khó khăn và nguy cơ. Trong khi đó, phẫu thuật qua đường âm đạo rất thuận lợi, độ an toàn cao, dễ áp dụng, không đòi hỏi các trang thiết bị đặc biệt...

Thực hiện bệnh nhân nằm theo tư thế sản khoa, đặt sonde niệu đạo. Bộc lộ rõ cổ tử cung và chỗ bám của âm đạo vào thành sau cổ tử cung. Mở cùng độ sau âm đạo bằng dao điện vào ổ bụng. Tiếp tục đặt trocar để bơm hơi, đưa dụng cụ và camera vào để bộc lộ ruột thừa. Đốt điện, cắt mạc treo và động mạch ruột thừa bằng dao điện lưỡng cực và móc điện. Bộc lộ ruột thừa, kẹp clip gốc ruột thừa và cắt...

Đặc biệt, thực hiện phương pháp này với camera 300 được đặt vào ổ bụng có thể đánh giá được các tạng gan, dạ dày, lách, túi mật cũng như các quai ruột non và đại tràng. Theo các nghiên cứu về nội soi qua âm đạo, tỷ lệ nhiễm khuẩn chỉ là 0,001%, biến chứng tổn thương thành trực tràng  là 0,002%, chảy máu tại chỗ là 0,2%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo PGS.TS Trần Bình Giang - BS Đỗ Tất Thành ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN