Mấy ai bị stress dưới 3 lần?

Theo kết quả nghiên cứu của khoa bệnh lý do stress ở Munich (CHLB Đức), chỉ cần 3 lần căng thẳng trong ngày đã đủ để huyết áp dao động và rối loạn nhịp tim.

Chuyên gia khoa tim mạch ở ĐH Y khoa Mainz (CHLB Đức) đã phát hiện lượng nội tiết tố adrenalin của tuyến thượng thận tăng thấy rõ ở nhóm nhập viện vì thiếu máu cơ tim dù không thừa mỡ máu nhưng quá thừa… stress! Hậu quả là mạch máu thành tim co thắt đến nghẹt cứng khi gia chủ mệt mỏi, khi nhiều cảm xúc hay thiếu ngủ… Vùng cơ tim quanh đó bất ngờ thiếu máu đến độ kêu xe cấp cứu không kịp.

Điểm đáng nói là tiến độ và tần suất của phản ứng co mạch vành tim tỉ lệ thuận với cường độ stress. Theo kết quả nghiên cứu của khoa bệnh lý do stress ở Munich (CHLB Đức), chỉ cần 3 lần căng thẳng trong ngày đã đủ để huyết áp dao động và rối loạn nhịp tim. Thử hỏi hiện nay, liệu có mấy ai bị stress dưới 3 lần mỗi ngày trong bối cảnh của cuộc sống căng thẳng vì đủ thứ chuyện như ở xứ mình?

Có chuyện buồn cũng có điều vui. Các nhà nghiên cứu về “bệnh tim do lo lắng thái quá” ở ĐH Mainz đã phát hiện tình trạng rối loạn nhịp tim ở người bị trên đe dưới búa vẫn không khó cải thiện nếu biết cách:

- Giữ cho dòng máu luân lưu có độ loãng lý tưởng để máu đừng “kẹt” khi qua chỗ hẹp. Đó là lý do vì sao càng lúc càng có nhiều thầy thuốc cài trong phác đồ điều trị hoạt chất làm loãng máu của dược thảo thuộc nhóm “hành khí hoạt huyết” như khổ sâm, đan sâm, vàng đằng…

- Hỗ trợ sức co bóp của cơ tim, chẳng hạn với chất đạm L-Carnitine, theo kinh nghiệm của ngành y khoa sinh học ở châu Âu.

- Ngăn ngừa cục máu đông trong lòng mạch máu, như với men nattokinase, theo kết quả nghiên cứu ở Nhật Bản - xứ sở từng nhiều năm giữ “huy chương vàng” về tỉ lệ nhồi máu cơ tim.

Ổn định dẫn truyền thần kinh tim bằng cách tiếp tế khoáng tố magiê - vốn có tác dụng vừa chống stress vừa điều hòa nhịp tim ở người dễ giận, hay lo, mau buồn.

Hình ảnh nghịch lý của xã hội được tiếng văn minh là cuộc sống không còn đủ thời gian thư giãn. Áp lực công việc, tiếng động, môi trường ô nhiễm… hòa quyện vào nhau đã đẩy mạch máu thành tim vào thế dựa lưng sát vách. Tức nước ắt sớm phải vỡ bờ. Không lạ gì nếu cả trăm ngàn người trên khắp 5 châu phải mất mạng mỗi năm vì nhồi máu cơ tim.

Đáng nói là, dù có may mắn gặp đúng thầy, đúng thuốc vẫn không thể giải quyết được gút mắc nếu không tìm ra cách làm cho tim đập đều nhịp lúc đang căng đầu, làm cho mạch máu dẻo dai khi đang bốc hỏa... Đó là lý do tại sao ngày càng có nhiều thầy thuốc chọn giải pháp phòng bệnh tim hơn chữa bệnh và trị liệu toàn diện thay vì chỉ trông mong vào thuốc đặc hiệu. Muốn tim đừng mệt phải giúp tim khi tim còn khỏe. Không có cách nào khéo hơn!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo bác sĩ Lương Lễ Hoàng (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN