Loạn “bảo bối” chống cận thị, vẹo cột sống

Các "bệnh" học đường như cận thị, vẹo cột sống... luôn là mối lo của các bậc phụ huynh mỗi dịp bước vào năm học mới. Nhiều bậc phụ huynh xem những thiết bị chống cận thị, chống vẹo cột sống cho học sinh như là "bảo bối" của con mình.

“Mê cung” giá và xuất xứ

Dạo quanh các nhà sách, cửa hàng phân phối các sản phẩm, thiết bị giáo dục tại Hà Nội, hầu hết đều bán sản phẩm chống cận thị và được nhiều bậc phụ huynh tìm hiểu. Bán "đắt như tôm tươi" hiện nay là đèn chống cận thị. Giá cả các sản phẩm này tùy thuộc vào xuất xứ sản phẩm. Đèn Trung Quốc giá khoảng 120.000 đồng - 200.000 đồng/chiếc; đèn do các công ty trong nước sản xuất giá khoảng 300.000 đồng/chiếc.

Nếu muốn "xịn" hơn, phụ huynh mua đèn nhập từ Pháp, Thái Lan, với giá khoảng 800.000 đồng - hơn 1.000.000 đồng/chiếc.Theo lời giới thiệu của người bán, do bóng đèn được thiết kế không gây chớp sáng, giúp mắt hạn chế tối đa việc điều tiết thị lực làm giảm nguy cơ cận thị. Ngoài thiết bị này, phụ huynh còn được các nhà sản xuất đưa vào một "mê cung" các thiết bị được giới thiệu là ngăn ngừa, chống cận, chống vẹo cột sống cho trẻ nhỏ.

Loạn “bảo bối” chống cận thị, vẹo cột sống - 1

Nhiều bậc phụ huynh tìm mua thiết bị chống cận, chống vẹo cột sống cho trẻ nhỏ.

Tìm đến một cơ sở phân phối sản phẩm giá đỡ cằm chống cận thị tại đường Láng (quận Đống Đa, TP.Hà Nội), người phụ nữ bán hàng cho biết, vào đầu mỗi năm học thì sản phẩm đó được nhiều phụ huynh tìm mua nhất. Chủ yếu là phụ huynh có con học bậc tiểu học. Chiều 6/9, trên giá bán hàng của cơ sở này cũng chỉ còn 3 sản phẩm, bao bì đã bị bóc dở. Giá một bộ sản phẩm có ghi xuất xứ Đài Loan và được Công ty TNHH An Phát bán với giá 100.000 đồng.

Chị Trần Phương Thúy (phố Tây Sơn, quận Đống Đa,Hà Nội) có  con trai học lớp 1 cho biết: "Rút kinh nghiệm từ đứa lớn, học lớp 5 mà đã bị cận 2 điop. Các bác sỹ nói rằng do ngồi học không đúng cách. Chính vì thế, ngay khi con thứ hai chuẩn bị đi học, tôi đã tìm mua các thiết bị chống vẹo cột sống, chống cận thị cho con. Tôi thấy nhiều bậc phụ huynh cũng tìm mua sản phẩm này. Chỉ cần gắn chúng với bàn học ngay trước ngực trẻ sẽ khiến trẻ không thể cúi thấp khi đọc và viết. Từ đó tránh được cận thị". Chị Thúy cho rằng với những thiết bị như trên, con mình sẽ không bị cận thị,  cong, vẹo cột sống.

Nhìn những đứa trẻ ngồi học với áo đai ôm người, cằm có giá chống, khiến chúng trông chẳng khác những cơ thể bị bó cứng vào những bộ khung cố định. Nhiều phụ huynh xem những sản phẩm này là công cụ hữu ích cho các bé đang tuổi ăn tuổi học, nhất là đối với những phụ huynh quá bận rộn công việc, không có thời gian theo dõi tư thế ngồi học của con. Và, thế là họ "khoán"  luôn việc chăm con cho các thiết bị.

Càng dùng, bệnh... càng nặng

Không giống các bậc phụ huynh hào hứng khi mới tìm mua các sản phẩm này, chị Lê Bảo Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) đã "ngấm" "công dụng" của sản phẩm. Tin tưởng vào khả năng "kiểm soát" cơ thể của thiết bị, chị Bảo Anh yên tâm không phải uốn tư thế cô con gái học lớp 2. "Sau khi dùng thiết bị một thời gian thì đến bữa ăn cơm, cô con gái của tôi ngồi ăn cũng với tư thế như ngồi viết bài. Chiếc cổ "đơ đơ", gắp thức ăn lưng cũng đuồn đuỗn như vậy. Sau giờ học vất vả với lưng bọc áo chống vẹo, cằm chống giá, hai vợ chồng "thưởng" cho con xem hoạt hình để khỏi phải trông. Kết quả giờ lớp 3, cháu đã phải đeo kính 2,5 đi ốp".

Khi PV đem thắc mắc về tác dụng của các sản phẩm này hỏi một bác sỹ khoa Phẫu thuật - Tạo hình, bệnh viện Xanh-pon, vị bác sỹ này tỏ ra khá ngạc nhiên. Vì ông chưa từng được đọc một công trình nghiên cứu về tác dụng của dụng cụ này. Theo ông, nói dụng cụ này chống cận thị là không chính xác mà chỉ có thể nói nó có khả năng giúp cho học sinh tiểu học duy trì được khoảng cách tốt cho mắt và vở trong lúc học bài. Nhưng nếu dùng nhiều, bé tì cằm lên thanh lâu quá sẽ gây nhức mỏi vùng cơ xương quanh cằm. Thậm chí, dụng cụ này có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển xương mặt của bé khi dùng trong thời gian dài. Với những cháu đã bị cận thị có khi còn phản tác dụng vì lúc đó mắt các cháu phải điều tiết nhiều hơn, căng ra để nhìn cho rõ. Còn bảng chống cận thị có thể gây đau cổ tay do trẻ hay gồng mình để viết.

Theo bác sỹ Nguyễn Thị Song Nhật, chuyên khoa mắt, bệnh viện Đa Khoa Trí Đức (Hà Nội) thì, phương pháp hữu hiệu nhất là làm việc và nghỉ ngơi một cách hợp lý, kết hợp với chế độ dinh dưỡng đó mới là phương pháp ngăn ngừa tốt nhất tật cận thị của trẻ. Đặc biệt là với trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ cần quan tâm hạn chế xem tivi, chơi máy tính. Cha mẹ khi phát hiện con mình thị lực mắt kém nên đưa đến các bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám sớm.

Đặc biệt, trẻ nhỏ cần được bổ sung các chất cho mắt bằng cách sử dụng các thực phẩm chứa nhiều vitamin A, uống dầu gấc... Để phòng tránh bệnh cong vẹo cột sống hay cận thị cho học sinh tiểu học, bác sĩ Nhật đưa ra lời khuyên, các bậc phụ huynh không nên quá lạm dụng các dụng cụ chống cận thị nêu trên để tránh tình trạng tiền mất tật mang. Vai trò của cha mẹ trong việc điều chỉnh tư thế học cũng như cách sinh hoạt của con em mình là quan trọng nhất, không một dụng cụ nào có thể thay thế.  

Quảng cáo trên mây

Theo tìm hiểu của PV, trên thị trường hiện nay có rất nhiều các sản phẩm như bảng, giá đỡ cằm chống cận thị, áo chống vẹo cột sống được quảng cáo là giúp ngăn ngừa các "bệnh" học đường.  Nhà sản xuất giới thiệu, các sản phẩm áo phòng chống vẹo cột sống và cận thị  được làm bằng chất liệu co giãn bốn chiều cao cấp, với độ đàn hồi phù hợp giúp gia tăng tối đa hiệu quả của việc định hình tư thế ngồi của trẻ nhưng vẫn tạo cảm giác thoải mái trong vận động. Trên bề mặt áo có các lỗ thoát khí và đai điều chỉnh cho phù hợp với cơ thể của người dùng.

        

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Mai (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN