Lãnh cảm vì mải làm sạch "vùng kín"

Chỉ vài hôm sau khi dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ, tôi nhận ra rằng, “chỗ ấy” của tôi rất khô, mỗi lần “yêu”, chồng tôi mất gần giờ đồng hồ để kích thích mà tôi vẫn trơ ra. Chia sẻ của chị Hoa Lê (28 tuổi, Nghệ An)

Phải nói rằng “vùng kín” của tôi rất nhạy cảm, chỉ cần một chút tác động thôi hoặc một chút không giữ vệ sinh thôi là tôi bị ngứa ngay lập tức. Tôi đã rất khổ sở với tình trạng “động tí là ngứa” của mình.

Tôi cũng đã đi khám, bác sĩ bảo đó là do cơ thể tôi vốn thế nên phải chấp nhận và khắc phục bằng cách tự giữ gìn vệ sinh sạch sẽ “vùng kín”, nhất là sau mỗi lần đi vệ sinh hoặc sau mỗi lần có quan hệ tình dục và chỉ cần vệ sinh bằng nước sạch là được. Tôi rất nghiêm chỉnh “chấp hành” nhưng không hiểu sao cứ vài hôm là tôi lại ngứa.

Tôi đã nghĩ hay là do quần áo của tôi phơi trên trần nhà bị bụi bặm bám vào nên tôi đã thử bằng cách phơi mặt phải ra ngoài, thậm chí tôi còn mặc váy liền cả tuần để xem có thay đổi được gì không, nhưng tình hình vẫn thế. Điều này làm cho tôi không còn cảm thấy có hứng thú trong chuyện chăn gối với chồng vì cũng không đạt được nhiều khoái cảm, tình cảm vợ chồng từ đó cũng có vẻ… rạn nứt.

Lãnh cảm vì mải làm sạch "vùng kín" - 1

Ảnh minh họa.

Tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện dùng các sản phẩm vệ sinh phụ nữ với hi vọng vì chúng là sản phẩm chuyên trị cho phụ nữ thì chúng có thể giải quyết vấn đề của tôi. Nghe bạn bè “mách” là hay dùng loại dành cho cung tần mỹ nữ ngày xưa, tôi cũng mua về dùng. Tôi dùng liên tục, đi làm thì thôi, chứ cứ ở nhà là tôi lại dùng nước vệ sinh sau mỗi lần đi vệ sinh, mỗi lần tắm, mỗi lần thay băng vệ sinh trong kì đèn đỏ… Nói chung, cứ mỗi lần phải động đến “vùng kín” là tôi dùng đến… “bảo bối”. Được một vài lần đầu tôi thực sự cảm thấy rất thích vì nó tạo cảm giác thoáng và dễ chịu vô cùng, tôi rất tự tin trước chồng. Nhưng rồi chỉ vài hôm sau, tôi nhận ra rằng, “chỗ ấy” của tôi rất khô, mỗi lần “yêu” chồng tôi mất gần giờ đồng hồ để kích thích mà tôi vẫn trơ ra.

Hơn thế, tôi bắt đầu cảm thấy ngứa trở lại, thậm chí còn ngứa nhiều hơn. Tôi cũng cảm thấy vùng kín của mình luôn có cảm giác nóng rát. Sợ mình dị ứng do không hợp loại nước vệ sinh đó, tôi ngưng sử dụng một tuần cho các triệu chứng bay hết đi rồi chuyển sang dùng loại nước vệ sinh khác. Lần này cũng vậy, được vài lần đầu rất dễ chịu, nhưng sau đó tình trạng còn tệ hơn, đó là tôi thấy hai bên mép của vùng kín có xuất hiện mụn và rất ngứa, phải gãi mạnh mới hết. Tôi lại phải dừng sử dụng loại dung dịch vệ sinh đó và chỉ dùng nước sạch để vệ sinh hàng ngày thôi. Sau hai tuần, có thể nói các khó chịu đã tạm thời lắng xuống nhưng chứng ngứa vùng kín của tôi như trước đây thì vẫn còn. Tôi cũng tuyệt đối không dám dùng bất kì loại nước rửa vệ sinh vùng kín thêm một lần nào nữa.

Theo các chuyên gia, thường xuyên dùng dung dịch vệ sinh để làm sạch “vùng kín” là một sai lầm của rất nhiều chị em. Đa số chị em thường cho rằng dung dịch vệ sinh này có thể giúp “vùng kín” càng sạch hơn và có thể trị được các bệnh phụ khoa. Nhưng sự thực có khi còn ngược lại, vì vì dung dịch vệ sinh phụ nữ chỉ là một sản phẩm được đặc chế dành riêng cho việc vệ sinh vùng kín, nhằm ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị viêm nhiễm âm hộ, âm đạo chứ không phải là thuốc trị bệnh. Nếu lạm dụng sử dụng nước vệ sinh âm đạo, rất có thể chị em sẽ rơi vào các tình trạng như nóng rát âm đạo, ngứa âm đạo, nhiễm trùng âm đạo, khô âm đạo… Khi đã bị viêm nhiễm âm hộ - âm đạo thì phải dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sỹ.

Thông thường trong âm đạo của phụ nữ tồn tại một loại vi khuẩn chiếm khoảng 90%, có tác dụng chủ yếu là bảo vệ âm đạo. Nó giống như những "chiến binh" bảo vệ, giữ độ Ph trong âm đạo duy trì trong môi trường axit, ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn có hại. Hơn nữa, ở môi trường âm đạo luôn tồn tại hệ vi khuẩn sống hoại sinh, trong đó phải kể đến 7 loại vi khuẩn lactobacilli giúp cân bằng sinh lý âm đạo. Sự tồn tại của các vi khuẩn có lợi đã ức chế vi khuẩn có hại gây bệnh. Do vậy bất cứ tác động nào gây mất cân bằng hệ vi khuẩn này đều tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại gây viêm nhiễm. Ở người khoẻ mạnh, pH trong môi trường âm đạo dao động từ 3,8-4,6 (thấp hơn pH ở da là 5,5). Khi bị nấm ngứa người bệnh sử dụng loại thuốc vệ sinh phụ nữ có độ pH dưới 4,5 (thấp hơn độ pH của âm đạo) sẽ tạo điều kiện cho nấm phát triển. Những loại thuốc vệ sinh phụ nữ có độ pH dưới 4,5 chỉ dùng trong trường hợp không nhiễm nấm.

Sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ cũng tương tự như cách dùng xà phòng, cần phải rửa lại bằng nước sạch sau đó. Tuyệt đối không dùng dung dịch phụ khoa để vệ sinh các vùng khác trên cơ thể. Khi sử dụng dung dịch này, nếu thấy vùng kín bị nóng rát, đỏ bất thường và khó chịu, chị em nên ngưng sử dụng ngay và đến bác sĩ, bởi rất có thể chị em đã bị dị ứng với một thành phần nào đó trong thuốc rửa.

Chị em chỉ nên dùng nước sạch để vệ sinh, tuy nhiên nước sạch có thể rửa sạch bụi bẩn nhưng không thể giết chết vi khuẩn, khi sức đề kháng trong cơ thể yếu đi thì vi khuẩn có hại sẽ nhân cơ hội đó thâm nhập vào. Vì vậy, chị em nên căn cứ vào tình hình thực tế của bản thân và dưới sự hướng dẫn của bác sỹ phụ khoa mà chọn cho mình một loại nước rửa bảo vệ thích hợp, nhưng không nên sử dụng hàng ngày.

Chỉ nên sử dụng 2 tuần một lần hoặc khi sức đề kháng thấp hoặc khi  “đèn đỏ” là thích hợp nhất. Không được liên tục thay đổi hay sử dụng nhiều loại dung dịch vệ sinh khác nhau. Nên dùng các dung dịch vệ sinh phụ nữ hàng ngày không có chứa xà bông có tính chất kiềm để tránh làm mất cân bằng pH sinh lý ở vùng kín. Trên thị trường có dung dịch vệ sinh bổ sung axit lactic và lactoserum chiết xuất từ sữa có tính dưỡng ẩm, duy trì pH sinh lý tự nhiên, tăng cường khả năng tự bảo vệ, an toàn sử dụng hàng ngày, chị em có thể pha loãng và rửa ngoài, sau đó rửa lại bằng nước sạch, tránh thụt rửa dù với bất kì dung dịch vệ sinh nào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H.N (Afamily)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN