Hiểu lầm tai hại về mỡ máu

Sự kiện: Sống khỏe

Thăm dò 100 đối tượng nam nữ trong độ tuổi 30-60 ở TP.HCM, khác biệt về ngành nghề, trình độ học thức, cho thấy hơn 90% quan niệm muốn đừng tăng mỡ máu phải cữ thịt mỡ và khoảng 85% không đoán đúng bệnh nào!

Do quá nhiều bản tin vừa nặng phần bi quan vừa đổ thừa hết cho mỡ máu nên nhiều người ở xứ mình đang sợ tăng cholesterol hơn sợ tai nạn giao thông!

Vụng về vì chữa cháy cầm canh

Không thiếu người đã nhịn ăn đến độ mất ngủ vì thèm miếng… thịt nạm. Nhiều người uống thuốc hạ mỡ máu mỗi ngày mà xét nghiệm máu lần nào cũng bị thầy quở vì mỡ máu vẫn tăng. Vì quá sợ bệnh nên số người tìm thuốc nào cho mạnh đang là khách hàng tiềm năng của… nhà thuốc.

Tiền mất vì thuốc là cái chắc nhưng tật hầu như vẫn mang. Thuốc hạ mỡ máu loại hóa chất tổng hợp nhờ có tác dụng tương đối cấp kỳ nên tất nhiên hữu dụng trong trường hợp cấp bách, nhất là nếu có nguy cơ nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, thận hư biến mỡ… Tuy nhiên, thuốc hóa chất chắc chắn cũng khó tránh phản ứng phụ nếu dùng dài lâu. Gan phải mệt thế nào mới tăng mỡ trong máu, lẽ nào đánh bồi lá gan với hóa chất?! Thay vì uống thuốc cầu may, tốt nhất nên rà lại nếp sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng và nhất là tầm soát các căn bệnh dính liền với mỡ máu như bệnh gan, bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp.

Hiểu lầm tai hại về mỡ máu - 1

Nhiều người vì sợ mập, sợ xấu nên nhịn ăn thịt mỡ để đừng béo phì, đừng tăng mỡ máu, để rồi càng nhịn càng… phì.

Ốm nhom mà sao tăng mỡ?!

Không ít bệnh nhân nghi ngờ thầy thuốc vẽ rắn thêm chân vì trong đợt khám sức khỏe nhận được chẩn đoán là gan nhiễm mỡ và tăng mỡ máu trong khi bệnh nhân có ngoại hình gần như… siêu mẫu. Phát hiện của thầy thuốc không sai. Nhờ máy siêu âm thầy thuốc đã phát hiện nhiều trường hợp gan nhiễm mỡ ở người không hề béo phì, nhiều khi gầy còm là khác. Đáng nói là đa số đối tượng không tăng mỡ máu toàn phần mà chỉ tăng chất mỡ độc hại triglyceride nên dễ là nạn nhân của nhồi máu cơ tim, cao huyết áp, viêm thận mạn, tiểu đường… Triglyceride không là chất béo ngoại nhập mà do lá gan tự tổng hợp từ phản ứng sai lệch, chẳng hạn do ghi nhận gia chủ thiếu năng lượng vì nhịn ăn thái quá. Càng nhịn càng dễ tăng triglyceride. Hay cho dù có giảm khi kiêng cữ, khi dùng thuốc thì sau đó lại tăng, thường khi nhiều hơn trước mới kẹt. Nguyên nhân thường gặp nhất là do hậu quả của rượu bia. Cũng đừng vì thế mà hở một chút thì siêu âm. Chỉ với chẩn đoán hình ảnh chưa đủ để định bệnh chính xác, người không dư cân vì thế cũng cần kiểm soát định kỳ lượng mỡ trong máu.

Quá sợ cũng là bệnh!

Nhiều người vì quá sợ tăng mỡ máu nên xét nghiệm máu mỗi tháng để rồi mất ăn mất ngủ vì kết quả xét nghiệm cho thấy cholesterol cao hơn định mức bình thường vài… miligram! Nên nhớ đây là trị số của chất mỡ toàn phần. Chất này tăng chút không sao, thậm chí có lợi vì cơ thể cần chất này để tổng hợp kháng thể, kiến tạo tế bào… Chỉ đáng lo nếu tăng các chất mỡ độc hại như LDL, triglyceride. Do đó cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc về kết quả xét nghiệm, thay vì vừa nghe tăng mỡ thì bấn loạn tinh thần. Mỡ máu nếu cao hơn định mức bình thường chút đỉnh chưa là chỉ định phải dùng thuốc ngay. Không có lý do gì phải hoảng hốt. Nên chủ động áp dụng chế độ dinh dưỡng đủ nước, nhiều rau quả, tăng vận động sau bữa ăn, nếu có thêm dược thảo nhuận gan lợi mật càng tốt, rồi sau vài tuần kiểm soát lượng mỡ trong máu. Nếu vẫn không xong mới cần thầy ra tay.

Nghe kỹ hướng dẫn trước khi uống thuốc

Quá sợ nên nhiều người chọn “phương ngoại”, chọn bài thuốc “bí truyền” nào đó, thường theo lời đồn vô tội vạ, với mục tiêu đè đầu mỡ máu. Trật lất! Chỉ cần hạ mỡ trong máu khi nào mỡ tăng và khi có chỉ định của thầy thuốc. Không nên hạ mỡ máu đang trong định mức bình thường vì thiếu mỡ cũng hại không kém thừa mỡ. Mặt khác, đừng dùng một loại thuốc nào đó năm này qua tháng khác, cũng đừng dùng thuốc theo toa của… hàng xóm mà không kiểm soát lượng mỡ trong máu.

Không bệnh không có lý do gì phải dùng thuốc, cho dù là dược thảo. Chỉ nên dùng một số cây thuốc có tác dụng nhuận gan, lợi mật như atisô, bồ công anh, rau má… định kỳ cho người có nếp sinh hoạt bất lợi cho lá gan như mạnh miệng với rượu thịt, người phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Tốt nhất vẫn là theo hướng dẫn của thầy thuốc hiểu về cây thuốc, đừng theo lời đồn chắc ăn như bắp của người ngoài cuộc, cũng đừng vì quảng cáo đường mật.

Nếu theo Voltaire sợ hãi lung tung thậm chí là bệnh thì con buôn sức khỏe ở xứ mình đang nhờ đó no cơm ấm áo dài dài!

Tăng mỡ máu có làm giảm ham muốn?

Mỡ máu cao (cholesterol máu cao) không phải là một căn bệnh nhưng nó lại có nhiều tác động xấu đến sức khỏe.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BS. Lương Lễ Hoàng (Pháp luật TPHCM)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN