Hẹp bao quy đầu: Càng cố tách càng dễ dính

Nếu mọi việc vẫn đang bình thường, người nhà cứ cố tách bao quy đầu sẽ dẫn đến hiện tượng chúng bị dính lại, gây phiền phức cho các cháu về sau.

Hỏi: Cháu nhà em năm nay 2 tuổi, nhưng bao quy đầu của cháu vẫn chưa lộn ra được, khi tắm cho cháu em cố gắng tuốt bao quy đầu của cháu lên để cho nó lộn ra mà không được, khi đi tiểu thì cháu vẫn đi tiểu bình thường như những đứa trẻ khác chỉ có thi thoảng cháu hay lấy tay sờ chim thôi. Em hỏi như thế cháu nhà em có phải là bị hẹp bao quy đầu không? Các xử lý thế nào?

Thu Minh (Hà Nội)

Trả lời:

Hẹp bao quy đầu là tình trạng khi cố lộn bao quy đầu ra mà không thể hoặc rất khó lộn được bao da này ra khỏi quy đầu do vòng bao này dày, xơ cứng và/hoặc bao da dính chặt với quy đầu. 

Bao quy đầu là bao da bao bọc ngoài quy đầu của dương vật nó gồm có hai lớp, lớp trong dính sát vào quy đầu đến vòng bao quy đầu nó quặt ngược trở lại rồi tạo thành lớp bao da phía ngoài liên tục với phần da thân dương vật. 

Thông thường với trẻ nhỏ bao quy đầu của trẻ luôn dính sát vào quy đầu và không thể tuột xuống dễ dàng được, dù rằng vòng bao quy đầu rất rộng. Sau đó do quá trình cương cứng tự nhiên trong lúc ngủ, lúc đi tiểu hay khi trẻ thủ dâm kết hợp với việc lớp bựa sinh dục được tiết ra trong các tuyến trên bề mặt của quy đầu, dần làm tách lớp da bên trong ra khỏi quy đầu.

Hẹp bao quy đầu: Càng cố tách càng dễ dính - 1

Hẹp bao quy đầu là tình trạng khi cố lộn bao quy đầu ra mà không thể

Thông thường lớp trong bao quy đầu rất dễ tách ra sau 4 tuổi trở đi. Chúng tôi gọi đây là hiện tượng dính tách bao quy đầu sinh lý và không cần phải can thiệp gì đối với các cháu bé dưới 4 tuổi. Nếu việc tiểu tiện bình thường và vòng bao rộng cũng như không có bất thường gì khác đối với "cậu nhỏ" của các cháu mà người nhà cứ cố tách ra sẽ dẫn đến hiện tượng chúng bị dính lại, gây phiền phức cho các cháu. 

Chỉ những trường hợp dưới đây mới nên tiến hành nong hoặc cắt bao quy đầu cho trẻ sớm ngay khi phát hiện các bất thường dù ở bất cứ thời điểm nào, độ tuổi nào như:

• Khi nhìn thấy vòng bao quá bé, lỗ vòng bao nhỏ như lỗ kim, lúc trẻ đi tiểu ra tia nước tiểu qua lỗ này cũng bé và mong manh như sợi chỉ.

• Khi trẻ đi tiểu thấy bao quy đầu bị phồng lên như quả táo do nước tiểu đọng trong bao trông giống như túi nước,  sau khi trẻ tè xong nước tiểu trong "túi" này thoát ra dần bao quy đầu lại xẹp lại.

• Khi nhìn thấy vòng bao quy đầu viêm dính, xơ dính làm hẹp lại lỗ vòng bao.

• Khi trẻ bị viêm nhiễm bao quy đầu, quy đầu tái đi tái lại.

• Khi trẻ vị viêm đường tiết niệu tái đi tái lại.

• Khi nong bao quy đầu thất bại.

Lời khuyên của tôi cho những ông bố, bà mẹ có con nhỏ dưới 4 tuổi thì không phải quá lo lắng hay sốt ruột với tình trạng bao quy đầu của các cháu chưa lộn ra được. Khi các cháu lớn hơn 4 tuổi mà chưa thấy có hiện tượng lộn ra được hoặc khi có những bất thường giống như trên thì các bậc phụ huynh nên đưa các cháu đến cơ sở y tế để được khám và xử lý.

Các thủ thuật nong, cắt phải được thực hiện bởi các bác sỹ có chuyên môn, tuyệt đối người nhà bệnh nhân không nên tự nong bao quy đầu cho bé vì nếu nong không khéo vòng bao bị rách chảy máu sẽ làm cho tình trạng hẹp bao quy đầu của trẻ trầm trọng lên rất nhanh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bs nam khoa Nguyễn Bá Hưng (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN