Ghép tế bào gốc trong điều trị ung thư: Sai bản chất

“Nếu bệnh viện công bố ghép tế bào gốc để điều trị suy tủy trên bệnh ung thư thì đúng phác đồ, nhưng thông báo sử dụng tế bào gốc để điều trị bệnh ung thư là sai về mặt bản chất”, lãnh đạo Bộ Y tế thông tin.

Năm 2014, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An công bố đã thực hiện thành công đề tài “Ghép tế bào gốc tạo máu ngoại vi tự thân điều trị ung thư" vào chữa khỏi ung thư vú cho một số người.

Trước thông tin này, nhiều bệnh nhân tha thiết chuyển bảo hiểm y tế vào Huế và Nghệ An để điều trị. Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, thông tin này gây hiểu lầm cho người bệnh và người dân.

Ngày 17.6,  ông Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) đã yêu cầu tạm dừng phương pháp ghép tế bào gốc cho người bị ung thư vú.

Ông Quang khẳng định, liệu pháp tế bào gốc mới được Bộ Y tế cho phép triển khai với một số nhóm bệnh, chưa cho phép điều trị ung thư vú, ung thư buồng trứng. Các tài liệu thế giới chưa có tài liệu công bố hiệu quả tế bào gốc trong điều trị ung thư, ngoại trừ ghép tế bào gốc điều trị ung thư máu.

Theo ông, về bản chất, ghép tế bào gốc tạo máu ngoại vi mục đích là để điều trị suy tủy xương. Đây là phác đồ đã được Bộ Y tế cho phép.

“Nếu bệnh viện công bố là ghép tế bào gốc để điều trị suy tủy trên bệnh ung thư thì đúng phác đồ, nhưng thông báo sử dụng tế bào gốc để điều trị bệnh ung thư là sai về mặt bản chất. Hai việc này hoàn toàn khác nhau giữa hỗ trợ điều trị và có tác dụng trị bệnh”, ông Quang nói.

Do đó, Bộ Y tế yêu cầu tạm dừng ứng dụng ghép tế bào gốc điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Nếu sau này bệnh viện muốn nghiên cứu hướng đi này có thể xây dựng lại đề án gửi Bộ Y tế xem xét về khía cạnh y khoa và đạo đức.

Ghép tế bào gốc trong điều trị ung thư: Sai bản chất - 1
Một bệnh nhân bị ung thư vú được công bố chữa khỏi tại lễ ra viện của BV Ung bướu Nghệ An 

 

Trao đổi với phóng viên, GS.TS. Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cũng cho biết, các thầy thuốc công bố chữa trị thành công ung thư bằng phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân là hơi vội vã.

Ông lý giải, nếu nói chữa khỏi ung thư giai đoạn muộn bằng tế bào gốc là bệnh viện cũng chưa có đủ thời gian để theo dõi đánh giá về khả năng tái phát di căn của trường hợp này.

Theo GS. Nguyễn Bá Đức, từ trước đến nay, thế giới điều trị ung thư vẫn phải dựa trên 3 phương pháp gồm: Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Tùy vào từng bệnh nhân cụ thể, bác sĩ sẽ có chỉ định nên áp dụng phương pháp điều trị nào ở từng giai đoạn.

Ngoài ra, trong trường hợp bệnh nhân bị ung thư giai đoạn muộn, phương pháp hóa trị thông thường không hiệu quả, bác sĩ có thể sử dụng hóa chất mạnh với hy vọng tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên, điều trị bằng phương pháp này, cơ thể sẽ phải đối diện với nguy cơ tổn thương tế bào máu, gây suy tủy và dẫn đến tử vong.

Do đó, phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu được sử dụng như một biện pháp hỗ trợ. Tế bào gốc tạo máu được ghép có thể lấy từ bản thân người bệnh hoặc lấy từ người khác, chống lại tình trạng suy tủy của bệnh nhân ung thư.

GS. Nguyễn Bá Đức cho biết, sử dụng phương pháp ghép tế bào gốc điều trị ung thư phải được chỉ định rất chặt chẽ. Bởi đây là phương pháp không chỉ tốn kém và rất nguy hiểm.

“Phương pháp này chẳng khác nào đưa bệnh nhân đến mức cận tử rồi kéo lại. Có những trường hợp thành công nhưng có những trường hợp không cứu vãn được”, GS Đức nói.

Theo ông, phương pháp ghép tế bào gốc chỉ chống được suy tủy nhưng tế bào ung thư vẫn quay trở lại phát triển, di căn do hóa chất không thể điều trị được tận gốc. Vì vậy, GS-TS. Nguyễn Bá Đức khuyến cáo: “Đây là phương pháp rất nguy hiểm và tốn kém nên các bệnh nhân ung thư cần phải hiểu rõ, không tùy tiện lạm dụng để tránh “tiền mất, tật mang”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN