Dịch Ebola: 826 người đã tử vong

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khẳng định dịch Ebola bùng phát tại Tây Phi hiện này có thể ngăn chặn được và không thể lan sang Mỹ.

Hôm 3/8, trong chương trình phỏng vấn "Face the Nation" của đài CBS News, giám đốc CDC, ông Tom Frieden cho biết: "Thực tế, chúng ta có thể ngăn chặn được dịch Ebola lây lan ra bên ngoài bệnh viện và dập dịch ngay tại châu Phi". 

Ông Frieden nhấn mạnh trước đây, Mỹ từng giúp ngăn chặn dịch Ebola bùng phát, mặc dù công việc này không hề dễ dàng. 

Hiện nay, tình trạng sức khỏe của Kent Brantly, bác sĩ Mỹ đến từ bang Texas và bị nhiễm virus Ebola khi tới Liberia làm nhiệm vụ, đang có những dấu hiệu cải thiện. Ông Brantly đã được đưa về Mỹ hôm 2/8 để tiếp tục điều trị. 

Giám đốc Frieden chia sẻ ông không thể "dự báo được tương lai" liệu bác sĩ Brantly có thể sống sót hay không nhưng việc Brantly có thể tự di chuyển xuống chiếc xe cứu thương trong bộ quần bảo hộ là một dấu hiệu cải thiện quan trọng. 

Dịch Ebola: 826 người đã tử vong - 1

Theo WHO, virus Ebola đã cướp đi sinh mạng của 826 người tại Tây Phi. 

Trước đó, vợ và 2 con của bác sĩ Brantly đã tới thăm ông này tại Liberia. Họ cũng đang trải qua 21 ngày theo dõi nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, giám đốc Frieden cho biết khả năng cả 3 người này không bị nhiễm bệnh bởi họ đã tới thăm Brantly trước thời điểm ông này phát bệnh. 

"Khi bệnh nhân phơi nhiễm với virus Ebola nhưng không ngã bệnh thì không thể làm lây bệnh sang người khác. Ebola không phát tán ngẫu nhiên và không lây lan từ một người phơi nhiễm virus chưa ngã bệnh", ông Frieden chia sẻ. 

Theo chuyên gia y tế của CBS, Tiến sĩ Jon LaPook, bệnh Ebola chỉ có thể lây lan "qua tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch cơ thể và rõ ràng, không thể lây lan trong không khí". 

Các chuyên gia nghiên cứu dịch Ebola và CDC nhận định khả năng cao là virus Ebola không thể bùng phát tại Mỹ ngay cả khi giám đốc Frieden nhấn mạnh các trường hợp nhiễm bệnh sẽ còn gia tăng. 

Theo ông Frieden, việc Ebola bùng phát nhanh chóng tại châu Phi bởi  khu vực này không có khả năng kiểm soát dịch bệnh. Đặc biệt, trong quá trình chôn cất, mọi người thường chạm vào thi thể của các bệnh nhân nhiễm virus Ebola.  

Giới chức Liberia xác nhận với hãng tin AP rằng vị bác sĩ người Mỹ thứ hai bị nhiễm virus Ebola khi tới Liberia, Nancy Writebol sẽ bay về Mỹ điều trị vào ngày mai (5/8). 

Còn theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca tử vong do nhiễm virus Ebola tại Tây Phi hiện đã tăng lên 826 người, gần gấp đôi với so đợt dịch gần đây nhất. 

Con số trên cho thấy nguy cơ dịch Ebola đang dần vượt khỏi tầm kiểm soát của giới y tế. Chỉ từ ngày 28 – 30/7, 50 người đã tử vong do mắc Ebola. Hiện nay, nỗ lực ngăn chặn dịch Ebola vẫn  đang được triển khai tích cực tại Guinea, Liberia và Sierra Leone.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ CBS News, AP, WHO. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo MINH THU (Infonet.vn)
Dịch Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN