Có thể vô sinh khi chủ quan với bệnh lý nguy hiểm này

Sự kiện: Bệnh vô sinh

Chỉ nghĩ là viêm đơn thuần, không ít trường hợp phải cắt bỏ tinh hoàn, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản do bệnh lý xoắn tinh hoàn. Theo các chuyên gia, nếu cấp cứu quá trễ sau 6 giờ từ khi khởi phát đau rất có thể sẽ bị vô sinh.

Có thể vô sinh khi chủ quan với bệnh lý nguy hiểm này - 1

Bác sĩ Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt Đức) đang phẫu thuật cho một bệnh nhân mắc bệnh xoắn tinh hoàn. Ảnh BVCC

Cắt bỏ tinh hoàn vì sự chủ quan

Theo ThS.BS Nguyễn Đình Liên (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), Bệnh viện tiếp nhận không hiếm trường hợp khi bị xoắn tinh hoàn phải cắt bỏ một hoặc hai bên tinh hoàn vì sự chủ quan không đi khám. Nguyên nhân một phần do nhiều người không biết đến bệnh lý, phần khác triệu chứng của bệnh dễ nhầm với viêm nhiễm khác, nhất là nhầm với viêm tinh hoàn. Bệnh nhân xuất hiện sưng đau đột ngột ở bìu kèm các triệu chứng của nhiễm trùng sưng, nóng, đỏ. Điều này dẫn tới người bệnh điều trị sai hướng, bỏ lỡ thời gian điều trị tốt nhất. Với bệnh viêm tinh hoàn thường chỉ cần điều trị kháng sinh còn với xoắn tinh hoàn buộc phải phẫu thuật để gỡ xoắn.

Anh N.T.H, 18 tuổi (ở Thái Nguyên) thấy vùng bìu sưng to, đau nhói chỉ nghĩ là do mặc đồ bó sát mới bị đau như vậy. Chủ quan không đi khám, khi tình trạng đau nhiều hơn, anh mới vào khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Qua chẩn đoán lâm sàng và làm siêu âm Doppler, các bác sĩ nhận thấy tinh hoàn trái của H đã bị viêm nặng và đang hoại tử. Để xử lý, các bác sỹ buộc phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn trái cho anh.

Gần đây, Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt Đức) cũng đã tiếp nhận hai bệnh nhân nam 13 tuổi trong một tuần, được chẩn đoán xoắn tinh hoàn trái ngày thứ 3, đến viện thì cũng phải cắt tinh hoàn. Trước đó, bệnh nhân đột ngột sưng đau tinh hoàn trái, điều trị kháng sinh không đỡ. Đến khám, khi mở tinh hoàn ra đã hoại tử tím đen do xoắn không có khả năng bảo tồn. Các bác sỹ đã phải cắt bỏ một bên tinh hoàn hoại tử và bảo tồn bên còn lại.

PGS.TS Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, xoắn tinh hoàn có thể được chia thành ba loại chính, tuỳ theo giải phẫu chi tiết của trục xoắn: Xoắn tinh hoàn và mào tinh trong màng; Xoắn tinh hoàn và mào tinh ngoài màng; Xoắn tinh hoàn, mào tinh hoàn bình thường.

Bệnh lý xoắn tinh hoàn thường xảy ra khi tinh hoàn di động quá mức quanh thừng tinh, dẫn đến tắc nghẽn hệ thống mạch máu. Hậu quả dẫn đến tắc mạch máu cấp tính nếu không giải phóng kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử tinh hoàn. Không điều trị kịp dễ dẫn tới biến chứng tổn thương, nguy cơ phải cắt bỏ tinh hoàn rất cao, ảnh hưởng chức năng sinh sản.

Mỗi năm tại Trung tâm Nam học có khoảng hơn 300 trường hợp xoắn tinh hoàn được chẩn đoán nhưng tỷ lệ bảo tồn tinh hoàn khá thấp 5%. Đa phần các trường hợp tới viện muộn, không chẩn đoán được ngay thời điểm ban đầu hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Cần phẫu thuật cấp cứu sớm

Theo ThS Nguyễn Đình Liên, bệnh lý xoắn tinh hoàn là một cấp cứu nam học cần được điều trị phẫu thuật cấp cứu sớm. Việc điều trị sớm ngay trong một vài giờ sau triệu chứng đau tức đầu tiên, tinh hoàn có thể giữ lại được. Còn muộn hơn có thể ảnh hưởng khả năng sinh con vì khi tinh hoàn hư hỏng buộc phải cắt bỏ. Tỷ lệ bảo vệ được tinh hoàn ở người bệnh bị xoắn tinh hoàn dưới 6 giờ khoảng 90-100%; từ 12-24 giờ khoảng 20-50% và 0-10% trong khoảng trên 24 giờ. Độ tuổi hay gặp nhất là từ 13-21 tuổi.

Người bệnh cần lưu ý, dấu hiệu dễ nhất của xoắn tinh hoàn là đau đột ngột vùng bìu, kèm theo đó là hiện tượng sưng. Bệnh nhân cũng có thể nôn, ói mửa, đôi khi đau bụng dữ dội, buồn nôn và nôn… Khi dùng tay sờ vào bìu sẽ thấy bên sưng cao hơn bình thường.

PGS.TS Nguyễn Quang cũng nhấn mạnh, việc chẩn đoán bệnh xoắn tinh hoàn không hề dễ vì nhiều triệu chứng khá giống với bệnh lý ở tinh hoàn khác. Trong khi nam giới thường không để ý đến đi khám, khi tới viện thường đã ở giai đoạn muộn. Khi có các triệu chứng đau đột ngột ở vùng bìu, nam giới cần đi khám ngay.

Việc phát hiện sớm để bảo toàn tinh hoàn là rất quan trọng đồng nghĩa với bảo vệ khả năng sinh sản của nam giới. Bệnh nhân đã từng bị xoắn tinh hoàn trước đó, các triệu chứng dù đã thuyên giảm và không cần điều trị sau này vẫn có khả năng bệnh tái phát trở lại. Do đó cần đi thăm khám lại, không nên vì xấu hổ hay ngại ngùng mà che giấu bệnh.

Các chuyên gia cho rằng, đa số trường hợp bị xoắn tinh hoàn thường là do đặc điểm di truyền làm cho tinh hoàn xoay dễ dàng bên trong bìu và thường cho cả hai bên. Xoắn tinh hoàn thường xảy ra vài giờ sau một hoạt động mạnh, một chấn thương nhẹ của tinh hoàn hoặc khi đang ngủ. Thời tiết lạnh, rối loạn thần kinh thực vật cũng có thể gây nguy cơ xoắn tinh hoàn.

Việc chẩn đoán bệnh lý được xác định qua thăm khám vùng bìu, tinh hoàn, bụng hoặc thử các phản xạ. Cọ hay cấu véo bình thường thì tinh hoàn co lên nhưng nếu tinh hoàn bị xoắn có thể mất phản xạ này. Siêu âm Doppler đánh giá phổ mạch tinh hoàn rất có giá trị để chẩn đoán xoắn tinh hoàn với dấu hiệu xoáy nước điển hình. Khi đã chẩn đoán xoắn tinh hoàn, bệnh nhân cần được phẫu thuật ngay để bảo tồn được tinh hoàn.

Với xoắn tinh hoàn, hoàn cảnh hay xảy ra sau chấn thương tinh hoàn, có thể gặp ở bệnh nhân hoạt động thể thao, vận động mạnh làm tinh hoàn sưng. Phần lớn các bệnh nhân bị đánh thức trong giấc ngủ bởi một cơn đau nhói ở bìu. Nên thận trọng nếu bệnh nhân có đau hố chậu bên phải giống viêm ruột thừa, đặc biệt ở trẻ em để chẩn đoán sớm tránh bỏ sót vì lầm tưởng đau bụng thông thường do rối loạn tiêu hóa.

PGS.TS Nguyễn Quang

Quý ông có ”cậu nhỏ” ngắn dễ vô sinh, kích thước thế nào là chuẩn?

Một nghiên cứu mới cho biết, kích thước dương vật nhỏ hơn mức trung bình có thể là nguyên nhân gây vô sinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Thuận ([Tên nguồn])
Bệnh vô sinh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN