Chồng vô sinh, vợ đi chữa một mình
Vừa nghe thầy thuốc hỏi "Chồng đâu sao hôm nào em cũng một mình", chị Nhàn rơi nước mắt. Anh xã chị tự cho mình cường tráng, không thể có vấn đề nên nhất định không chịu đi khám.
Lấy chồng gần 2 năm vẫn chưa có bầu, chị Nhàn (Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) sốt ruột đi khám, chữa nhiều nơi. Gần đây nhất, chị tìm đến phương pháp chữa đông y. Thầy thuốc cho biết, hiện tượng kinh nguyệt thất thường của chị do nội tiết, chỉ cần uống thuốc điều chỉnh một thời gian là ổn. Ông khuyên chị nên đưa chồng cùng đến khám, bởi có thể vấn đề xuất phát từ anh, nhưng người phụ nữ 27 tuổi chỉ ngồi khóc.
Chị Nhàn kể từng nhiều lần thuyết phục chồng nhưng anh từ chối. Anh cho rằng mình còn trẻ, sức khỏe tốt, nhu cầu sinh lý cao, sinh hoạt vợ chồng cũng ổn nên không thể có trục trặc. Là quý tử trong gia đình có 4 chị em gái, chồng chị Nhàn vốn được chiều chuộng từ nhỏ nên không nghe lời ai. Ngày thường, anh không phải làm gì, thường lông bông chơi hết chỗ nọ tới chỗ kia, có khi đi nhậu qua đêm hoặc gần sáng mới về. Nghe bệnh nhân dốc bầu tâm sự, vị lương y khuyên chị, không nên đề cập chuyện khám chữa với anh nữa, hôm nào viện cớ mệt hay gì đó, nhẹ nhàng nhờ chồng chở tới chỗ khám, rồi ông sẽ lựa lời nói với anh.
Chị Nhàn làm theo và y như rằng anh chồng đồng ý. Tại đây, sau khi xem kết quả xét nghiệm mới của vợ, lương y bảo chị ra ngoài photo thêm một bản để lưu, rồi trong thời gian đó, rủ rỉ trò chuyện với anh chồng. Và thật bất ngờ, ngay hôm sau anh đi làm xét nghiệm tinh dịch đồ. Kết quả khiến hai vợ chồng bất ngờ. Số lượng tinh trùng của anh bình thường nhưng tỷ lệ tinh trùng có khả năng bơi nhanh chỉ 0,8%, trong khi thông thường chỉ số này phải trên 25% mới đảm bảo khả năng sinh sản của nam giới. Sau khi nghe thầy thuốc giải thích, chồng chị Nhàn mới hiểu ra và từ đó chăm chỉ cùng vợ đi khám, điều trị.
Lương y Phó Hữu Đức bốc thuốc cho bệnh nhân. Ảnh: MT.
Sau một năm kết hôn mà chưa có tin mừng, chị Bích, 26 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội, cũng rơi vào trạng thái hoang mang, rối bời vì luôn bị chồng đe dọa "vài tháng nữa chưa có gì là 'thanh lý' luôn". Chị Bích cho biết, sau khi cưới vài tháng, chị hay bị viêm nhiễm vùng kín và cứ chữa dứt lần này lại tái phát lần khác. Anh xã cho rằng lý do này khiến vợ không đậu thai và luôn chì chiết. "Có lần anh ấy còn bảo 'tại tôi ngu, không thử trước nên giờ mới ra nông nỗi này', rồi đưa ra thời hạn 'đúng nửa năm nữa chưa có gì thì trả về nơi 'sản xuất'", chị Bích nghẹn ngào kể.
Suốt nửa năm nay, chị một mình đi khám, chữa viêm âm đạo, viêm lộ tuyến rồi uống thuốc bổ để nhanh đậu thai, trong khi anh chồng nhất quyết không chịu đi gặp bác sĩ. Gần đây, bị vợ thúc đi làm xét nghiệm để kiểm tra tinh dịch đồ, anh ta còn nổi cáu và khẳng định không thể vô sinh vì mấy năm trước từng làm cho cô người yêu cũ mang thai và phải phá. "Tôi nghe xong mà chân tay rụng rời. Sự thật đáng sợ ấy giờ lại được anh đem ra như một bằng chứng cho khả năng của mình", chị Bích chia sẻ.
Tuy nhiên, sau này cũng dùng "bài" rủ chồng đèo đi khám và nhờ bác sĩ khuyên nhủ, chồng chị Bích đã chịu làm xét nghiệm. Kết quả tinh dịch đồ cho thấy có tới 90% tinh trùng của anh bị dị dạng, và đây là nguyên nhân chính khiến hai vợ chồng chưa có con. Lúc đầu nghe bác sĩ nói, anh khăng khăng không tin nhưng sau được giải thích rằng chất lượng và số lượng tinh trùng có thể thay đổi theo thời gian, do lối sống, sinh hoạt... anh mới thừa nhận.
Từng chữa vô sinh cho nhiều trường hợp, lương y Phó Hữu Đức - Chủ tịch hội Đông y Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết chuyện những người phụ nữ một mình trong hành trình khám, chữa rất phổ biến, và trong số đó sau này không ít cặp phát hiện nguyên nhân khó thụ thai là do người chồng.
Theo lương y Đức, một số nam giới không hợp tác với vợ trong việc chữa vô sinh vì quá tự tin vào khả năng của mình. Họ nghĩ mình trẻ, khỏe về thể chất và sinh lý nên chắc chắn có khả năng làm bố. Có những người vô sinh thứ phát mà không biết, cứ nghĩ mình từng có con rồi nghĩa là "bộ máy sinh sản" không thể có vấn đề.
"Không phải cứ khỏe thể chất hay đời sống tình dục suôn sẻ thì khả năng sinh sản tốt. Một người đàn ông cao to, vạm vỡ, sung mãn trong 'chuyện ấy' vẫn có thể bị vô sinh do không có hoặc có ít tinh trùng hay tinh trùng yếu, dị dạng... Không những thế, con người luôn thay đổi, cả nam và nữ. 1-2 năm trước, thậm chí vài tháng trước khả năng sinh sản của anh tốt không có nghĩa là bây giờ vẫn thế", lương y Đức nhấn mạnh.
Theo ông, hiện nay, không ít nam giới còn trẻ nhưng sức khỏe sinh sản đã kém, do ảnh hưởng của chế độ sinh hoạt không khoa học, lao động quá độ, ngồi máy tính nhiều, thức thâu đêm, lạm dụng bia, rượu... Lương y từng gặp nhiều chị em đằng đẵng hết tháng này sang năm khác đi chữa vô sinh một mình, hỏi tới bạn đời là họ khóc. Nhiều trường hợp thầy thuốc đóng luôn vai trò tư vấn tâm lý, hướng dẫn họ cách "dẫn dụ" chồng đến phòng khám, từ đó tìm cơ hội khuyên nhủ, giải thích.
"Có khi anh chồng đến mà không vào, cứ đứng đợi ở ngoài, tôi phải giả cách bảo chị vợ đi photo hoặc lấy cớ rủ anh chồng sang phòng khác, rồi từ chuyện phiếm tới việc khám chữa. Đàn ông hiểu tâm lý nhau nên dễ nói. Nhiều anh sợ mất sĩ diện nên trước mặt vợ mình không nên hỏi gì", ông Đức kể.
Ông kể gần đây nhất, một phụ nữ đến chữa vô sinh, khi thầy thuốc vừa hỏi "em là dâu trưởng hay dâu thứ" thì chị òa khóc nức nở. Sau hỏi sự tình mới hay, chị là dâu trưởng, đang chịu sức ép nặng nề từ gia đình chồng vì chữa trị vài năm vẫn chưa có con, trong khi ông xã nhất định không đi khám. Sau này, khi người vợ cố kéo chồng đến phòng khám cùng, thầy thuốc mới lựa lời hỏi han rồi tâm sự "mình là đàn ông phải chủ động trong mọi việc, là người thuyền trưởng lèo lái, ai lại để vợ một mình xoay sở" thì anh chồng mới bắt đầu đi khám, uống thuốc. Nghe lời khuyên của bác sĩ, anh hạn chế bia rượu, bỏ thuốc lá để cùng vợ tìm con.
"Chữa vô sinh là hành trình gian nan, không những mệt mỏi về thể chất, lo lắng về tinh thần, còn tốn kém tiền bạc, mất thời gian. Vì thế, nếu không được bạn đời cảm thông, đồng hành, người phụ nữ vô cùng thiệt thòi. Dù nguyên nhân do vợ hay chồng, khi đi khám chữa vô sinh, nên cả hai cùng đi. Như vậy việc tìm nguyên nhân và điều trị sẽ hiệu quả hơn, đồng thời tạo sự chia sẻ, cảm thông, yêu thương giữa hai người, giải tỏa tâm lý hoang mang, chán nản, giúp dễ đậu thai hơn", lương y Phó Hữu Đức chia sẻ.
Tên các bệnh nhân trong bài đã được thay đổi