"Chợ thuốc tây" Ngọc Khánh sẽ bị xóa sổ?

Nhiều doanh nghiệp vừa lên tiếng “tố” những chuyện lùm xùm xảy ra tại Trung tâm Dược phẩm Ngọc Khánh nằm trong Trung tâm Hội chợ Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội).

Trong văn bản vừa gửi Bộ Y tế, gần 20 đơn vị kinh doanh cho biết họ bị đẩy khỏi chợ thuốc sau gần 20 năm buôn bán mà không hề được thông báo trước. Lý do được đơn vị quản lý - Công ty TNHH một thành viên Trung tâm Hội chợ Triển lãm Giảng Võ - đưa ra là nhằm nâng cấp hệ thống các quầy thuốc đủ tiêu chuẩn GDP (Thực hành tốt phân phối thuốc) theo quy định của Bộ Y tế.

Nhà thuốc nằm cạnh… nhà vệ sinh

Theo ghi nhận của phóng viên, “chợ thuốc” Ngọc Khánh - trung tâm bán buôn, bán lẻ dược phẩm lớn nhất của Hà Nội - với khoảng 300 quầy hàng buôn bán đang xuống cấp khá nghiêm trọng. Nhiều khu vực xập xệ, dột nát và trở thành nỗi sợ hãi của không ít doanh nghiệp mỗi khi trời mưa.

"Chợ thuốc tây" Ngọc Khánh sẽ bị xóa sổ? - 1

Tình trạng dột nát, ẩm mốc trong khu vực “chợ thuốc” Ngọc Khánh.

Sau trận mưa lớn hôm 14-6, nhân viên một số nhà thuốc đã phải vất vả ngăn nước để “cứu” thuốc khỏi ướt. Nhiều nhân viên bán thuốc cho biết việc phải mang thuốc đi hong khô, phơi nắng là “chuyện thường ngày ở chợ thuốc” mỗi khi mùa mưa tới. Khốn khổ nhất là tại nhà C9 khi có hàng chục quầy thuốc bám lưng vào mặt tường, cứ mưa là nước xối xả vào quầy hàng. Hầu hết phần tường giáp với hệ thống cột, tường ở góc nhà đều bị ẩm mốc do nước thấm vào.

Chủ một quầy hàng bức xúc: “Chúng tôi phải thuê cả chục triệu đồng mỗi tháng nhưng phải bán thuốc trong điều kiện như vậy thì làm sao tránh khỏi việc thuốc mất tác dụng vì không đủ điều kiện về độ ẩm, chế độ bảo quản”. Theo các chủ quầy, không chỉ nhà C9 mà các nhà C1, C2, C8 cũng ở trong tình cảnh ẩm thấp, bẩn thỉu.

Thậm chí một số quầy thuốc còn bày bán ngay cạnh nhà vệ sinh của dãy nhà. “Thuốc được đóng gói kỹ lưỡng đến mấy cũng khó gây được thiện cảm với khách hàng nhưng “buôn có bạn, bán có phường”, người ở Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận vẫn cứ ùn ùn tới đây mua thuốc” - nhân viên một quầy thuốc cho biết.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết đã có kế hoạch làm việc với Công ty TNHH một thành viên Trung tâm Hội chợ Triển lãm Giảng Võ. Nếu chợ thuốc không có những điều chỉnh phù hợp, đạt chuẩn sẽ bị ngừng cấp phép kinh doanh quầy thuốc.

Tận thu

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi tiến hành nâng cấp, sửa chữa chợ thuốc đạt chuẩn GDP, đơn vị quản lý Trung tâm Hội chợ Triển lãm Giảng Võ đã lờ đi quyết định của Chính phủ và UBND TP Hà Nội. Trước đó, UBND TP Hà Nội giao khu đất cho Trung tâm Hội chợ Triển lãm Giảng Võ quản lý để chuẩn bị lựa chọn đối tác tham gia thực hiện dự án Trung tâm Thương mại, Dịch vụ Giảng Võ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.

Hơn 3 năm nữa, thời hạn giao đất theo hợp đồng mà UBND TP Hà Nội “áp” cho khu đất tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Giảng Võ sẽ hết hạn. Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định 79/CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc có thời hạn là 5 năm từ ngày cấp.

Tiếp đó, tại Thông tư 48/2011 của Bộ Y tế cũng quy định thời hạn hiệu lực giấy chứng nhận “Thực hành tốt phân phối thuốc” có hiệu lực là 3 năm. Như vậy lẽ ra nếu không đạt chuẩn, “chợ thuốc” phải xóa sổ thay vì cố gắng nâng cấp đạt chuẩn GDP để tận thu.

Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho rằng thời hạn thuê đất của chợ thuốc không đủ để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc cho các quầy thuốc thuê mặt bằng kinh doanh tại đây.

Cũng theo ông Quang, khu đất đã được Chính phủ phê duyệt xây dựng trung tâm thương mại, dịch vụ nên chủ đầu tư có thể lấy lại bất cứ lúc nào. Việc các doanh nghiệp kinh doanh thuốc phải chuyển đi nơi khác chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi!

Yêu cầu cao về chuyên môn, chất lượng

Theo quy định của Bộ Y tế, kể từ ngày 1-1-2011, tất cả cơ sở tham gia vào việc phân phối thuốc phải đạt các nguyên tắc GDP. Đó là các điều kiện về con người, hạ tầng cơ sở vật chất, phương tiện trang thiết bị, trong đó diện tích kho chứa thuốc tối thiểu đạt 30 m2, thể tích tối thiểu 100 m3 (nhằm bảo quản có trật tự các loại sản phẩm khác nhau, như sản phẩm chờ đóng gói, sản phẩm biệt trữ, sản phẩm xuất xưởng; sản phẩm loại bỏ, trả lại hoặc thu hồi).

Ngoài ra, cần có đội ngũ, bảo đảm chuyên môn và quản lý đạt chất lượng; phương tiện vận chuyển và các thiết bị bảo quản, phân phối; khu vực tiếp nhận, cấp phát phải có đủ khả năng bảo vệ thuốc khỏi các điều kiện thời tiết bất lợi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thế Kha, Ngọc Dung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN