Bụi mịn tiếp tục bao trùm Hà Nội, TP.HCM: Có thể gây đột quỵ

Sự kiện: Sống khỏe

Những ngày gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí ở Thủ đô Hà Nội và TP.HCM tiếp tục diễn ra khá thường xuyên và nghiêm trọng. 

Các chuyên gia y tế cảnh báo, khoảng một tuần gần đây, chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội thường xuyên ở mức có hại cho sức khoẻ.

Chia sẻ về tác hại của ô nhiễm không khí với hô hấp và sức khỏe diễn ra ngày 14/11, PGS.TS. Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ở những thời điểm thời tiết khắc nghiệt hoặc có ô nhiễm không khí cao, tần suất bệnh nhân nhâp viện do các căn nguyên về hô hấp và tim mạch cũng tăng.

Người dân mắc các bệnh hô hấp khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang.

Người dân mắc các bệnh hô hấp khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang.

“Ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí; tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25% trong khi nhiều người vẫn lầm tưởng như tim mạch không chịu ảnh hưởng từ khói bụi", PGS Giáp chia sẻ.

Phó giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai phân tích, trong các thành phần gây ô nhiễm không khí, bụi mịn là yếu tố quan trọng nhất.

Đáng lo ngại, do kích thước quá nhỏ khiến chúng ta hít phải nhưng cơ thể không cảm nhận được và không thể đẩy ra ngoài, bụi mịn có thể xâm nhập sâu vào các phế nang gây tổn thương phổi, xơ phổi. Thông thường các hạt bụi mà chúng ta nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn (trên 2,5 micromet).

“Chúng xuyên qua các phế nang, mao mạch xâm nhập vào hệ tuần hoàn chung của cơ thể, gây tổn thương nhiều cơ quan, ảnh hưởng đến tim mạch, gây các phản ứng viêm trong cơ thể. Các chất trung gian do phản ứng viêm gây đột quỵ não, tăng nguy cơ bệnh lý về tim mạch”, PGS.TS. Vũ Văn Giáp cho hay.

Chuyên gia khuyên người dân mắc các bệnh hô hấp khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh khói từ các phương tiện giao thông, bụi từ các công tình xây dựng hoặc các mùi hắc khó chịu, lưu ý phải chọn lựa khẩu trang có thể lọc được bụi mịn (khẩu trang y tế thông thường thì không thể cản được hạt bụi siêu mịn).

Những người đã mắc bệnh về hô hấp không nên ra ngoài khi không có việc thật sự cần thiết trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.

Với bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần phải tuân thủ và duy trì thuốc hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ. Khi có các dấu hiệu hoặc triệu chứng khó chịu, khó thở cần phải tăng liều thuốc giãn phế quản theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nếu bệnh nhân vẫn khó thở - không thể tự kiểm soát được thì cần liên lạc với bác sĩ điều trị, bác sĩ gia đình hoặc cơ sở y tế để được hỗ trợ, hướng dẫn các giải pháp khắc phục, phòng ngừa và cấp cứu cơn khó thở, tránh nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Bác sĩ BV Bạch Mai cảnh báo tác hại của ”sương mù” đang bao trùm Hà Nội, TP.HCM

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh những ngày gần đây đang chìm trong lớp “sương mù” do ô nhiễm không khí và bụi mịn khiến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN