Bỏng điện dễ thiệt mạng nếu sai cách

Cứ tưởng rằng, trẻ em mới là đối tượng có nguy cơ bị bỏng cao nhất và chúng ta phải thường xuyên hướng dẫn cách xử lý khi bị các loại bỏng, nhưng gần đây, số ca bỏng điện ở người lớn lại tăng lên đáng kể.

Có mặt tại Viện Bỏng Quốc gia, nhìn những nạn nhân tuổi mới 19, 20 đang quằn quại với những vết thương trên cơ thể mới thấy nguy cơ báo động của các tai nạn bỏng, đặc biệt là bỏng điện, người nhẹ nhất là bị thương phần mềm, nặng hơn là cắt tay, cắt chân, có người còn cắt tứ chi do bỏng điện...
Gia tăng bỏng điện ở người lớn.

Một tuần trước, Ngô Quốc Anh (19 tuổi ở Nghi Xuân, Thanh Hóa) cùng với một nhóm bạn đi bắt chim. Thấy có tổ chim to trên cây cột điện, Quốc Anh liền trèo lên bắt, chỉ một thoáng sau, em đã ngã xuống và không biết gì cả. Cấp cứu tại Viện Bỏng Quốc Gia, em đã bị thương nặng 2 chân, 1 tay, vùng cổ và lưng, thời gian tới em phải cắt chân...

Bỏng điện dễ thiệt mạng nếu sai cách - 1

Bác sĩ Viện Bỏng Quốc gia chăm sóc nạn nhân bỏng điện do bắt chim

Khác với Quốc Anh, Nguyễn Văn Phúc (20 tuổi ở Kỳ Nguyên, Hải Phòng) là công nhân sửa nhà, em đang vác thanh sắt từ tầng 2 chuyển cho người tầng 1, thì thanh sắt đã vướng vào dòng điện cao thế, khiến em ngã gục, hôn mê, được đưa vào viện cắt 1/3 cánh tay trái và đôi chân nát gần hết phần thịt.

TS Đỗ Lương Tuấn, Trưởng khoa Bỏng người lớn, Viện Bỏng Quốc gia cho biết, đây chỉ là 2 trong nhiều trường hợp bị bỏng điện nặng nề đang điều trị tại Viện. Có khoảng 40% người dân bị điện giật do xây dựng, sửa chữa. Năm ngoái, thời điểm này, bỏng điện ở người lớn chỉ có 128 người, nhưng năm nay tăng lên 235 người, bỏng nhiệt khô từ 167 tăng 348 người. Bỏng điện là một loại  bỏng nặng nhất, và đột ngột nhất, nếu nạn nhân không mất mạng cũng bị cắt tay, chân, thậm chí tứ chi.

Không biết cách cứu sẽ gây nguy hiểm thêm

TS Đỗ Lương Tuấn cho rằng, hiện nay, các cháu học lớp 3 đã được học cách xử lý khi bị bỏng, điện giật. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người chưa biết cách khi cấp cứu. Người bỏng điện thường xảy ra đột ngột và nặng nề, nếu không biết cách cứu thì người nhà cũng như nạn nhân sẽ bị bỏng theo, thậm chí mất mạng trong giây lát. Nếu thấy nạn nhân đang co giúm, tức là điện đang dẫn trong người, lúc này, tìm mọi cách cắt dòng điện gồm: Dùng gậy khô, cắt cầu dao, gọi loa cắt điện (điện cao thế).

Khi nạn nhân được tách dòng điện ra, thì xem có ngưng hô hấp không. Nếu bệnh nhân không thở (chết lâm sàng), tuyệt đối không được chuyển bệnh nhân đi bệnh viện ngay, mà phải sơ cứu đến khi bệnh nhân tim đập bằng cách hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực. Người bị điện giật sẽ mất phản xạ, vì vậy, người cứu cần thử vận động của họ bằng cách giơ hai tay, hai chân lên, nếu họ buông thõng xuống, thì có thể bị liệt hoặc xem cổ, cột sống có bị gãy thì cố định trên ván cứng để vận chuyển. Nếu tai biến, chấn thương sọ não, biểu hiện mắt, mũi, tai chảy máu thì cần phục hồi chức năng sống cho họ trước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kiến thức
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN