Bộ Y tế yêu cầu ứng phó siêu bão Haiyan
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình, các tỉnh đồng bằng, miền núi Bắc Bộ và các đơn vị liên quan ứng phó với siêu bão Haiyan.
Đó là nội dung trong Công điện số 04, Bộ Y tế vừa có gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình và các tỉnh đồng bằng, miền núi Bắc Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực phía Bắc và các đơn vị liên quan yêu cầu ứng phó với bão số 14.
Theo công điện, Bộ Y tế yêu cầu, các đơn vị liên quan, theo dõi sát chặt chẽ diễn biến bão số 14; tập trung cao cho công tác phòng chống bão, chủ động phối hợp với các ban/ngành có liên quan ở địa phương chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương triển khai đồng bộ cấc biện pháp ứng phó với diễn biến bất thường của mưa, bão; triển khai các phương án 4 tại chỗ đối phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa, bão gây ra.
Bộ Y tế yêu cầu các đội cấp cứu lưu động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh
Sở Y tế các tỉnh/thành phố huy động các lực lượng y tế của địa phương chủ động đối phó với bão số 14; chủ động sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, nhu yếu phẩm thiết yếu tại những khu vực có khả năng bị chia cắt. Các cơ sở y tế tổ chức trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân ảnh hưởng của mưa, bão gây ra.
Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh. Khẩn trương triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như thuốc, hoá chất, trang thiết bị y tế tại các vùng núi, ven sông, suối vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, lũ ống do mưa, bão gây ra. Chủ động kế hoạch sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, vùng trũng, vùng có nguy cơ bị gập úng đặc biệt ở vùng hạ du của các hồ chứa.
Phối hợp với các Sở, ban, ngành của địa phương hướng dẫn nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết khác để chủ động đối phó với mưa, bão, lũ gây ra đối với các địa bàn trọng điểm có thể bị chia cắt dài ngày. Khi có lệnh của cơ quan có thẩm quyền, các đơn vị y tế cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tổ chức di dời, sơ tán dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế theo nhiệm vụ chuyên muôn được phân công, chỉ đạo các đơn vị tuyến dưới và chuẩn bị sẵn sàng Cơ số thuốc, hoá chất, thiết bị, phương tiện và phân công các đội y tế cơ động ứng trực 24/24 giờ sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra.
Sở Y tế và các đơn vị tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, cập nhật thông tin và gửi báo cáo nhanh về dự trữ thuốc, hóa chất và trang thiết bị y tế, kết quả triển khai công tác y tế ứng phó với mưa bão, rà soát lại số lượng, hạn sử dụng cơ số thuốc phòng chống lụt bão và đề xuất yêu cầu.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân phòng chống dịch bệnh sau bão như thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước hoặc những hóa chất khác được Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng. Bảo đảm vệ sinh môi trường, thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế chỉ định xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diện côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ. Kịp thời phát hiện và dập tắt dịch bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, dịch tả, lỵ, thương hàn... Bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết để cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh nhân kịp thời. |