Bộ Y tế "truy" chất tẩy trắng Tinopal trong bún

Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế vừa có công văn gửi các Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương truy nguyên nguồn gốc nguyên liệu, kiểm soát Tinopal trong sản xuất bún.

Từ cuối tháng 6/2013 đến nay, cơ quan chức năng liên tục phát hiện bún, bánh phở, bánh canh chứa chất tẩy trắng Tinopal.

Theo đó, các đoàn thanh tra liên ngành liên tục phát hiện và xử lý hành vi vi phạm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và công khai các thông tin vi phạm trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo cho cộng đồng.

Đến nay, theo báo cáo của 27/63 tỉnh, thành phố đã cơ bản kiểm soát được tình hình sử dụng Tinopal trong sản xuất bún, bánh phở, bánh canh tươi… Tuy nhiên kết quả giám sát cho thấy ở một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam vẫn còn tình trạng một số mẫu bún, bánh phở, bánh canh tươi bị ô nhiễm Tinopal. Nguyên nhân được xác định là do một số cơ sở sản xuất vẫn sử dụng hóa chất Tinopal hoặc nhập nguyên liệu “bột ướt” được chế biến sẵn bị ô nhiễm Tinopal để sản xuất bún, bánh phở, bánh canh tươi.

Bộ Y tế "truy" chất tẩy trắng Tinopal trong bún - 1

Chất tinopal có trong bún không được phép sử dụng chế biến thực phẩm

Để kiểm soát triệt để việc sử dụng Tinopal trong sản xuất, kinh doanh bún, bánh phở, bánh canh tươi, Cục An toàn thực phẩm đã có Công văn gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về việc Phối hợp truy nguyên nguồn gốc nguyên liệu, kiểm soát Tinopal trong sản xuất bún. Cục An toàn thực phẩm đề nghị các Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn tiếp tục phối hợp kiểm tra, giám sát, lấy mẫu nghi ngờ để kiểm nghiệm chất Tinopal đối với các sản phẩm chế biến bột, tinh bột truyền thống như bún, bánh phở, bánh canh tươi… Điều tra, truy nguyên ô nhiễm Tinopal đối với sản phẩm, chú ý đối với cơ sở sản xuất nguyên liệu “bột ướt”, lấy mẫu và kiểm nghiệm đối với nguyên liệu nghi ngờ ô nhiễm Tinopal.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh bún, bánh phở, bánh canh tươi… nghi ngờ ô nhiễm Tinopal. Phát hiện sớm và xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các Sở Y tế hướng dẫn sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm, tập trung đối tượng sản xuất, kinh doanh sản phẩm chế biến bột, tinh bột, đặc biệt những hành vi bị nghiêm cấm trong sản xuất, kinh doanh nguyên liệu “bột ướt”, sản phẩm bún, bánh phở, bánh canh tươi… để nâng cao trách nhiệm bảo đảm ATTP của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe người tiêu dùng, an sinh xã hội.

Trước đó, tại thành phố Hồ Chí Minh, kết quả đã phát hiện 6 mẫu sản phẩm gồm bún tươi, bánh phở, bánh hỏi của 3 cơ sở sản xuất có chứa Tinopal, acid Oxalic là hoá chất công nghiệp không có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế. Natri sulfite cũng là chất có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế nhưng vượt mức cho phép.

Cụ thể: Hộ kinh doanh Hoàng Thành, địa chỉ 751/40H/15 Hồng Bàng, phường 6, quận 6: Có 4 mẫu vi phạm (02 mẫu bánh hỏi có chứa Tinopal, 01 mẫu bánh hỏi có Natri sulfite vượt mức cho phép và 01 mẫu bánh lọt có Natri sulfite vượt mức cho phép).

Hộ kinh doanh Phương Dung, địa chỉ 71/486E Phan Huy Ích, phường 12, Gò Vấp sản xuất: 01 mẫu bún bò có chứa Tinopal.

Công ty TNHH Cát Tường, địa chỉ 38/73 Đường 50, phường 14, Gò Vấp: 01 mẫu bánh phở có chứa Acid Oxalic.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, hiện tại các tỉnh/thành phố khác vẫn tiếp tục giám sát, lấy thêm mẫu và kiểm nghiệm chất huỳnh quang.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN