"Bỏ quên" kim khâu trong... tim

Sự kiện: Tin ngắn Bình Phước

Ca phẫu thuật đã loại bỏ cây kim khâu găm vào cơ tim cháu bé. Dị vật này đã nằm trong cơ thể bé suốt 2 tháng.

Bệnh nhi là bé trai N.M.H. (13 tuổi), đến từ Bù Đăng, Bình Phước. Theo PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cháu bé nhập viện vào đêm 16-6 vì có những cơn ngất và những cơn đau ngực dữ dội. Cháu bé cho biết khoảng 2 tháng trước lúc ngủ nằm trên gối có bị cây kim đâm vào ngực. Bé vội vã rút ra thì cây kim bị gãy, một đoạn vẫn nằm lại trong cơ thể. Bé không thông báo với cha mẹ về "tai nạn" này.

"Bỏ quên" kim khâu trong... tim - 1

Bệnh nhi đã hồi phục rất tốt sau ca mổ

Trong đêm nhập viện, ê kíp trực đã quyết định mổ gấp vì cho rằng cây kim ở vị trí thành ngực, chỉ dính vào tim một chút. Tuy nhiên đến khi mở thành ngực, đã tìm thấy ổ nhiễm trùng nhưng không thấy kim đâu. Như vậy, cây kim đã chui sâu hơn vào lòng tim.

Các kết quả chẩn đoán hình ảnh sau đó cho thấy trong tim bé có một dị vật ở thành cơ tim là một phần cây kim khâu, có khuynh hướng ngày càng đi sâu hơn theo các chuyển động liên tục của cơ tim. Cháu bé được quyết định phẫu thuật bằng phương pháp mổ hở. Ca mổ được thực hiện ngày 20-6.

Theo ThS-BS Nguyễn Kinh Bang, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp, ca phẫu thuật được cân nhắc rất nhiều vì đây là cuộc đại phẫu, phải áp dung phương pháp tuần hoàn ngoài cơ thể để tạm thời ngưng hoạt động của tim, mổ tim ra để lấy dị vật. Vị trí dị vật phải được xác định thật chính xác. Điều này khá khó khăn vì cây kim khâu luôn di chuyển. Ca mổ cũng không thể trì hoãn lâu bởi nếu dị vật đi quá sâu vào lòng cơ tim, có thể gây ra huyết khối, tắc mạch.

Rất may, các bác sĩ chỉ phải dừng trái tim cháu bé lại khoảng 10 phút và lấy thành công dị vật vốn đã rỉ sét. Sau ca mổ, cháu bé hồi phục rất tốt và đến sáng 26-6 đã ổn định, sắp được xuất viện.

Theo BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc bệnh viện, các dị vật đi vào cơ thể không phải thứ nào cũng được phẫu thuật lấy ra. Với các dị vật nhỏ, nằm sâu trong các lớp cơ và không có triệu chứng, "chung sống hòa bình" với cơ thể, ví dụ như mảnh đạn trong một số trường hợp, có thể không cần lấy ra. Nhưng các dị vật sắc nhọn, có từ tính, có nguy cơ gây ra nhiễm trùng như mẩu kim khâu này thì bắt buộc phải mổ lấy ra.

Sản phụ bị bỏ quên gạc trong bụng suốt 2 tháng

Sau sinh mổ tầm hai tháng, bệnh nhân thường xuyên có dấu hiệu đau bụng. Đến khi quay lại BV Từ Dũ khám thì phát hiện có...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo A. Thư (Người lao động)
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN