Bệnh sỏi mật - đơn giản thành "chết người" vì không điều trị đúng

Sự kiện: Sống khỏe

Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các ca sỏi mật biến chứng do không điều trị đúng. Điều đáng nói là các bệnh nhân thường không tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ và khi đến viện thường quá muộn, để lại hậu quả nặng nề cho sức khỏe người bệnh.

Bệnh sỏi mật - đơn giản thành "chết người" vì không điều trị đúng - 1

Căn nguyên của bệnh sỏi mật

Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Lê Văn Duy, Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Cá biệt có trường hợp bệnh nhân nữ 46 tuổi bị sỏi mật dẫn đến teo gan trái, áp xe túi mật do sỏi túi mật gây thủng vào tá tràng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị, đau hạ sườn phải kèm sốt và vàng da nhẹ. Kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị viêm túi mật do sỏi: có hình ảnh túi mật căng, thành dày, trong lòng có nhiều sỏi trên siêu âm và chụp cắt lớp, kèm bạch cầu tăng trong công thức máu. Kết quả nội soi dạ dày cho thấy bệnh nhân bị viêm dạ dày, có lỗ thông từ túi mật xuống tá tràng.

Cũng theo bác sĩ Duy: một bệnh nhân khác bị biến chứng viêm tuỵ cấp do sỏi mật: đau nhiều trên rốn, men tụy tăng cao, kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị viêm tuỵ cấp, đầu tuỵ to, thâm nhiễm xung quanh kèm túi mật có nhiều sỏi nhỏ. Một số bệnh nhân có tắc mật do sỏi ống mật chủ di chuyển từ túi mật xuống: đau quặn vùng gan, sốt rét run, da vàng, chụp cắt lớp ổ bụng có hình ảnh giãn đường mật trong ngoài gan do sỏi nhỏ ống mật chủ, sỏi túi mật, Bilirubin, bạch cầu trong máu tăng… Qua khai thác bệnh sử: hầu hết các bệnh nhân được chẩn đoán sỏi mật trước đó, có chỉ định phẫu thuật nhưng không tuân thủ, có bệnh nhân lại tự điều trị thuốc nam ...

Bác sĩ Lê Văn Duy chia sẻ: Sỏi mật gồm có sỏi đường mật và sỏi túi mật. Các yếu tố nguy cơ dễ gây hình thành sỏi mật gồm: nhiễm trùng đường mật, giun chui ống mật, người bị béo phì, phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai, người lớn tuổi, người bị bệnh đái tháo đường hoặc bệnh nhân bị bệnh tan máu,…Điều đáng lo lắng là bệnh nhân bị sỏi mật ban đầu thường không có triệu chứng. Bệnh thường được phát hiện tình cờ khi đi khám sức khoẻ. Có một số bệnh nhân có triệu chứng đau tức ở vùng hạ sườn phải. Ngoài ra bệnh nhân có thể có cảm giác đầy bụng, ăn không tiêu.

Sỏi mật biến chứng nguy hiểm thế nào?

Khi bệnh nhân có biến chứng như: áp xe đường mật, nhiễm trùng đường mật, viêm tuỵ cấp, viêm túi mật cấp thì bệnh nhân có sốt, vàng da kèm theo và đau bụng tăng. Một số biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong (đặc biệt ở người cao tuổi và người có bệnh lý nền) như sốc nhiễm trùng, viêm túi mật hoại tử, viêm phúc mạc mật...

Sỏi mật khi có biến chứng sẽ điều trị phức tạp hơn, nhiều nguy cơ tai biến hơn, thời gian nằm viện lâu hơn, chi phí điều trị sẽ lớn hơn nhiều so với bệnh nhân không có biến chứng. Những trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh lý kèm theo, bị sỏi mật biến chứng sẽ làm tăng nguy cơ tử vong, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến khả năng lao động của người bệnh do suy giảm sức khỏe, thời gian hồi phục kéo dài,…

Với kinh nghiệm trực tiếp điều trị lâm sàng của mình, BS Duy cho biết: Bệnh nhân có sỏi túi mật rơi xuống ống mật chủ thường gây tắc mật. Lẽ ra, nếu điều trị sớm theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh chỉ phải mổ nội soi cắt túi mật, thời gian nằm viện sau mổ khoảng 1-2 ngày. Nhưng nếu không tuân theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân đối diện với nguy cơ phải qua 2 - 3 lần can thiệp. Đó là, nội soi mật tuỵ ngược dòng (ERCP) để lấy sỏi, đặt stent ống mật chủ, sau đó mới cắt túi mật qua nội soi, nếu ổn định sau vài tuần sẽ nội soi rút stent ống mật chủ. Điều này không chỉ làm thời gian nằm viện tăng lên (kéo dài 7-10 ngày), chi phí điều trị tăng gấp nhiều lần mà bệnh nhân còn có nguy cơ lấy sỏi ngược dòng thất bại, viêm tuỵ cấp, chảy máu, nhiễm trùng đường mật...

Hay trường hợp bệnh nhân bị áp xe túi mật do sỏi túi mật, rò túi mật - tá tràng, sỏi gan trái. Thay vì phẫu thuật cắt túi mật, lấy sỏi đường mật thời gian nằm viện khoảng 5-7 ngày, chi phí thấp, thì bệnh nhân sẽ phải trải qua phẫu thuật cắt túi mật, cắt thùy gan trái, đóng lỗ rò tá tràng, mở ống mật chủ dẫn lưu Kehr với nguy cơ biến chứng, thời gian nằm viện lâu hơn và chắc chắn chi phí điều trị sẽ lớn hơn rất nhiều.

Lời khuyên của bác sĩ

Sỏi mật, nhất là sỏi túi mật là bệnh lý điều trị khá đơn giản khi chưa có biến chứng. Hiện nay sỏi đường mật trong và ngoài gan có rất nhiều phương pháp điều trị như nội soi ngược dòng lấy sỏi ống mật chủ, tán sỏi qua da, phẫu thuật nội soi lấy sỏi ống mật chủ, cắt túi mật,… Các thuốc làm tan sỏi ít có tác dụng với sỏi mật.

Bác sĩ Duy cho biết: Hiện nay, phẫu thuật cắt túi mật nội soi vẫn là phương pháp tối ưu nhất được thừa nhận trong điều trị sỏi túi mật. Khi sỏi túi mật có triệu chứng hay sỏi túi mật nhỏ dưới 5mm là đã có chỉ định phẫu thuật vì sỏi túi mật càng nhỏ càng dễ di chuyển, gây biến chứng như kẹt cổ túi mật, rơi xuống ống mật chủ gây tắc mật, viêm tuỵ cấp,… Vì vậy, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ. Khi bệnh nhân thấy đau bụng thượng vị, đau hạ sườn phải cần đi khám ngay. Không nên để có vàng da, sốt mới đi khám. Khi phát hiện ra bệnh nên tham vấn ý kiến các bác sĩ chuyên khoa ở những cơ sở y tế có uy tín, tuân thủ chỉ định chuyên môn, không nên tự ý điều trị, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Nguồn: [Link nguồn]

Những thực phẩm siêu tốt cho người bị sỏi mật

Người bị sỏi mật không nên ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo và cholesterol như: thịt đỏ, mỡ, da, phủ tạng động vật,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Hằng - Bệnh viện Bạch Mai ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN