Bệnh nhân chui gầm giường: Nỗi ám ảnh
“Quá tải bệnh viện là nỗi ám ảnh của người dân khi đi khám bệnh, chữa bệnh”, ý kiến của PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).
Nỗi ám ảnh của người bệnh
Những ngày đầu năm 2013, báo chí liên tiếp phản ánh về hình ảnh bệnh nhân "bò từ gầm giường" ra đón Bộ trưởng Y tế. Điều này gây bức xúc cho người bệnh và là mối quan tâm của toàn xã hội.
Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, ông Lương Ngọc Khuê cho rằng đó là hình ảnh rõ ràng về tình trạng quá tải bệnh viện.
“Có thể nói tình trạng quá tải bệnh viện hiện nay là tình trạng chung trên toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh của cả nước. Trong đó các bệnh viện lớn có mức công suất sử dụng giường bệnh rất cao, bệnh nhân phải nằm ghép hoặc nằm ngoài hành lang”- PGS.TS. Lương Ngọc Khuê nói.
Rất nhiều bệnh nhi phải dùng gầm giường của người khác làm giường bệnh
Cũng theo vị cục trưởng này, tình trạng quá tải ở các bệnh viện chuyên khoa như: ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi…là nhiều nhất.
Theo thống kê năm 2011, mức độ quá tải đặc biệt trầm trọng ở các bệnh viện: Bệnh viện K: 172%; Bệnh viện Bạch Mai: 168%; Bệnh viện Chợ Rẫy 139%; Bệnh viện Nhi trung ương: 119%; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới 124%.... |
Tỷ lệ khám bình quân của một bác sĩ trên ngày vượt quá cao so với định mức mà Bộ Y tế đề ra như: Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) trung bình 60-65 người bệnh/ bác sĩ/ngày.
Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh chỉ ra hàng loạt hậu quả từ tình trạng quá tải bệnh viện như: Giảm sự hài lòng và mức độ hợp tác của người bệnh và gia đình người bệnh với thầy thuốc; làm phát sinh các hành vi xã hội tiêu cực... Đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng tai biến, giảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tăng chi phí điều trị, giảm hiệu quả đầu tư y tế, tăng áp lực công việc và tâm thần cho người thầy thuốc.
“Qua khảo sát chúng tôi cũng nhận thấy quá tải bệnh viện gây nên bức xúc cho người bệnh, cán bộ y tế và toàn xã hội; là nỗi ám ảnh của người dân khi đi khám bệnh, chữa bệnh”, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nhận định.
Đến gầm giường cũng quá tải, cũng phải nằm ghép 2-3 người 1 gầm giường
Trước đó, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng trao đổi với PV về tình trạng này. Ông Lợi cho rằng: “Trước đây cũng có chuyện 5, 7 bệnh nhân nằm một giường, gần đây lại thêm hình ảnh bệnh nhân chui từ gầm giường bò ra chào bộ trưởng đến thăm... thật đáng buồn với đất nước, dân tộc”.
Tăng giá dịch vụ, bệnh viện hết nhếch nhác?
Tại Hội nghị triển khai quyết định của Thủ tướng chính phủ về Đề án giảm tải bệnh viện ngày 22/3, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận hiện nay nhiều bệnh viện vẫn còn "nhếch nhác". "Tôi đi thị sát tại một số bệnh viện và bắt gặp không ít trường hợp mẹ ôm con suốt 3 tiếng chờ khám trong khi đó ở trên đầu là mái tôn, dưới là ghế đá, con thì sốt. Khám xong, họ chờ lấy thuốc cũng mất nửa ngày... Nếu là tôi chắc cũng phát điên", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ rõ, nhiều bệnh viện vẫn chưa quan tâm đúng mức tới Khoa khám bệnh và khu đón tiếp bệnh nhân nên vẫn còn tình trạng nhếch nhác, lộn xộn...
Bức xúc trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện phải đổi mới về cơ chế như khâu đón tiếp bệnh nhân, phương thức chi trả và cải tiến phác đồ điều trị. "Các bệnh viện phải đổi mới về cơ chế để đạt được múc đích cuối cùng là hài lòng người bệnh", Bộ trưởng yêu cầu.
Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho hay, các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh sau khi điều chỉnh giá thu một số dịch vụ y tế sẽ được triển khai mạnh mẽ. Khu khám bệnh bảo đảm có đủ ghế ngồi, thoáng mát cho người bệnh chờ đăng ký, chờ khám. Áp dụng phát số tự động, kê đơn qua mạng; hẹn lịch khám qua mạng, qua điện thoại. Bố trí nhân lực khám bệnh vào thời gian cao điểm, cải thiện điều kiện ăn, mặc, ở cho người bệnh…
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, quá tải bệnh viện là nguyên nhân gây tai biến trong y khoa
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục sẽ không để tình trạng người bệnh phải nằm ghép trong bệnh viện. Tuy nhiên, trước mắt tập trung giải quyết giảm quá tải ở các chuyên khoa ung bướu, chấn thương chỉnh hình, tim mạch, sản, nhi thuộc một số bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
“Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 – 2020. Mục tiêu cơ bản của đề án là: khắc phục tình trạng nằm ghép vào năm 2015; phấn đấu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải bệnh viện. Bộ Y tế cũng hy vọng đến năm 2020 Việt Nam sẽ không còn tình trạng quá tải bệnh viện”, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nói.
Nguyên nhân quá tải bệnh viện Do cơ sở hạ tầng và đầu tư cho y tế chưa đáp ứng nhu cầu, tỷ lệ giường bệnh trên vạn dân quá thấp so với các nước trong khu vực (bằng 60%), mới đạt 21,5 giường. Năng lực và trình độ chuyên môn của y tế cơ sở còn hạn chế; Năng lực của các bác sĩ tuyến dưới còn hạn chế, nhiều cơ sở không đủ bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ có trình độ tay nghề cao, cán bộ y tế phân bổ không hợp lý giữa các tuyến, cán bộ có năng lực chuyên môn cao chủ yếu làm việc ở bệnh viện lớn và ở các thành phố lớn. Diễn biến phức tạp của mô hình bệnh tật là nguyên nhân gia tăng đáng kể nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế mà đặc biệt là tại bệnh viện tuyến trung ương. Bệnh dịch đã làm cho lượng bệnh nhân tăng dồn dập theo từng thời điểm nhất định, lượng bệnh nhân đổ dồn về các bệnh viện chuyên khoa tuyến trên như Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2…; bệnh không lây nhiễm lại chủ yếu là những bệnh mạn tính, cần sự chăm sóc và theo dõi lâu dài đã là yếu tố cơ bản để tăng số lượt khám chữa bệnh và tổng số ngày điều trị nội/ ngoại trú trong hệ thống khám chữa bệnh chung của cả nước”.Cơ chế tài chính và tác động không mong muốn của một số chính sách; Hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật chưa đầy đủ; Nhu cầu và ý thức khám chữa bệnh của người dân. |