Bệnh lao lan rộng vì những rào cản
Tuy điều trị sắp khỏi bệnh lao nhưng do nhân viên y tế không tư vấn đầy đủ phác đồ điều trị nên chị Triệu Thị Hiên, ngụ Ba Vì, Hà Nội ngừng thuốc. Hiện tại bệnh của chị Hiên tái phát, sức khỏe suy kiệt.
“Bỗng dưng” nhiễm lao
Đó là trường hợp của bệnh nhân Trần Thị Hồng Yến, 19 tuổi ngụ tại xã Chu Minh, Ba Vì Hà Nội. Theo lời kể của gia đình, ban đầu em có triệu chứng ho, khạc và sốt kéo dài, uống thuốc không đỡ, Hồng đến Trạm y tế xã khám, cán bộ y tế nghi ngờ em bị nhiễm lao.
Lập tức, Hồng được chuyển lên Trung tâm y tế huyện Ba Vì làm xét nghiệm và chẩn đoán. Sau khi nhận được kết quả Hồng Yến và gia đình ngã ngửa không hiểu sao em bị nhiễm lao trong khi cả gia đình chưa từng có ai bị mắc. Tuy vậy, Hồng nghĩ bệnh này có thể chữa khỏi nên em tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị, uống thuốc đều đặn suốt 8 tháng. Đến nay sức khỏe của Hồng đã ổn định.
Tương tự như Hồng, chị Hiên, người cùng địa phương với Hồng Yến cũng giật mình không hiểu tại sao mình bị nhiễm lao vì trước đó chị rất khỏe mạnh ngoài các triệu chứng ho, sốt kéo dài vài ngày trước đó.
Cán bộ y tế xã Chu Minh, Ba Vì, Hà Nội tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân. (Ảnh: Thu Trịnh)
Ngược lại với Hồng Yến, chị Hiên không kiên trì, không tuân thủ phác đồ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, y tá nên bệnh tình ngày càng nặng hơn.
Chị Trần Thị Ninh, cán bộ y tế xã Chu Minh, Ba Vì, Hà Nội cho biết: “Sau khi phát hiện bệnh, Hiên điều trị được 5 tháng thấy bệnh thuyên giảm nên ngưng thuốc. Hơn nữa Hiên rất chủ quan với sức khỏe, cô còn lấy chồng trong khi chưa khỏi bệnh. Hiên lấy chồng xã khác nên cán bộ y tế ở đây không thể quản lý được bệnh nhân”.
Tình cờ chúng tôi gặp mẹ chị Hiên tại Trạm y tế xã, bà ân hận: “Càng ngày sức khỏe của nó càng suy kiệt, người gầy yếu, chỉ còn da bọc xương. Nếu tôi kiên quyết bắt nó điều trị dứt điểm thì không đến nỗi này”.
Rào cản về phòng và chống
PGS.TS. Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết: “Bệnh lao có nguy cơ lây lan cho mọi đối tượng trong đó trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai, cho con bú, người bị HIV là những người dễ nhất”. Khi người nhiễm ho, hắt hơi, cười, khạc nhổ….vi khuẩn sẽ đi vào không khí và người khác dễ dàng bị lây nhiễm.
Tuy nhiên, số người mắc bệnh lao không điều trị do tâm lý e ngại dẫn đến hệ quả, bệnh lao dễ chữa cũng trở thành khó chữa. Bên cạnh đó còn nhiều bệnh nhân lao bỏ trị, thậm chí là người mắc lao đa kháng thuốc cũng từ chối điều trị dù thuốc được cung cấp miễn phí. Đây chính là khó khăn lớn trong công tác phòng chống lao.
PGS.TS. Đinh Ngọc Sỹ còn cho biết thêm: “Thủ tục bảo hiểm y tế chính là rào cản đối với người bệnh. Người bệnh mua thẻ bảo hiểm y tế nhưng không được đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu tại các bệnh viện chuyên khoa nên họ chán nản và cứ thế dịch bệnh ngày càng lan rộng".
Cùng quan điểm với PGS Sỹ, ông Đinh Văn Tần, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Ba Vì, Hà Nội cũng khẳng định: “Trên thực tế có rất nhiều bệnh nhân lao tìm đến dịch vụ khám ban đầu ở cơ sở y tế tư nhân và các bệnh viện ngoài hệ thống phòng chống lao, trong khi nhiều trường hợp, người mắc bệnh lại tự chữa bằng thuốc trôi nổi ngoài thị trường nên rất khó kiểm soát và bệnh sẽ tiếp tục lây lan”.