Báo động trẻ dậy thì sớm gia tăng nhanh

Sự kiện: Sống khỏe

Mỗi tháng, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2 (Tp.HCM) tiếp nhận hơn 100 ca khám về dậy thì sớm, tăng gấp 10 lần so với trước đây.

Báo động trẻ dậy thì sớm gia tăng nhanh - 1

BS đang khám ngực cho một bé gái dậy thì sớm tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Chỉ trong hai tháng 5 và 6/2017, Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị cho hơn 100 bé dậy thì sớm, mỗi tháng khoa Thận – Nội tiết tiếp nhận khoảng 30 bé bị bệnh lý này.

Tương tự, khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 mỗi tháng cũng điều trị cho khoảng 120 trẻ dậy thì sớm. Trong đó có trường hợp trẻ mới hai tuổi đã dậy thì, thậm chí bé mới vài tháng tuổi cũng đã có dấu hiệu dậy thì sớm.

Dấu hiệu thường thấy ở trẻ dậy thì sớm là ngực to, có kinh nguyệt (ở bé gái) và vỡ giọng, bộ phận sinh dục phát triển (ở bé trai).

Đưa con vào chích thuốc tại Bệnh viện Nhi đồng 1, chị N.T.B (Gò Vấp) cho biết, con gái chị được 7 tuổi, năm trước thấy ngực con to ra bất ngờ, lo lắng con có khối u nên chị đưa con đi khám và được chẩn đoán bị dậy thì sớm. Từ đó đến nay, chị kiên trì hàng tháng đưa con vào chích thuốc để kìm hãm quá trình dậy thì sớm của bé.

TS.BS Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, theo đúng quy trình điều trị, khi bệnh nhân đến khám sẽ được các bác sĩ cho chụp MRI, xét nghiệm máu xác định nguyên nhân bệnh và đưa ra chỉ định điều trị. Nếu một bệnh nhi được xác định dậy thì sớm sẽ được các bác sĩ cho sử dụng thuốc, tiêm hormone định kỳ lâu dài để kìm hãm quá trình dậy thì sớm, đưa quá trình dậy thì về đúng độ tuổi cho trẻ.

Theo TS.BS Hoàng Thị Diễm Thúy, Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2, có hai nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm. Thứ nhất là nguyên nhân thực thể, tức trong cơ thể có một bệnh lý hay tổn thương nào đó làm nội tiết tố sinh dục tăng lên dẫn đến biểu hiện dậy thì. Thông thường khi khám cho những trẻ này sẽ phát hiện một khối u trong não hoặc trong tuyến sinh dục gây viêm nhiễm hệ thần kinh trung ương.

Nguyên nhân thứ hai gọi là nguyên nhân vô căn, tức không tìm ra nguyên nhân. Dậy thì sớm vì nguyên nhân này hiện nay đang rộ lên nhiều hơn, chủ yếu do lối sống, sinh hoạt, dinh dưỡng của xã hội đương đại ảnh hưởng tình trạng dậy thì làm rối loạn nội tiết...

BS Thúy cho rằng, tùy theo nguyên nhân mà phương pháp điều trị dậy thì sớm khác nhau. Tuy nhiên, phương pháp sử dụng nhiều nhất cho nhóm dậy thì sớm trung ương, vô căn vẫn là sử dụng thuốc.

“Có rất nhiều trường hợp, do quá lo lắng về tình trạng dậy thì sớm của con mình, nhiều phụ huynh đến khám được bác sĩ nói bé bình thường vẫn không chịu. Họ cho trẻ đi khám bên ngoài và tự mua thuốc chích cho con. Do đó, trẻ có thể bị ức chế do sử dụng thuốc quá liều” - BS Thúy nói.

BS Thúy giải thích, về lý thuyết, thuốc kìm hãm quá trình dậy thì là một loại nội tiết tố. Nếu sử dụng bừa bãi loại thuốc này sẽ có tác dụng phụ. Ngoài tác động đến tâm lý trẻ còn ảnh hưởng đến các khả năng sinh sản, ức chế dậy thì về sau cho trẻ.

Về thông tin các loại thuốc ức chế dậy thì được rao bán bên ngoài, BS Thúy cho rằng thuốc kìm hãm dậy thì có chỉ định và quy trình cụ thể. Bệnh nhi cần được làm đúng quy trình chặt chẽ, phải nhập bệnh viện để chụp MRI sọ xem có khối u trong não hay không. Sau đó bệnh nhi phải làm test với thuốc và thử máu nhiều lần để có tiêu chuẩn vàng chẩn đoán chắc chắn. Cuối cùng bác sĩ sẽ chỉ định chích thuốc định kỳ.

Ngay tại Bệnh viện Nhi đồng 2, thuốc này không được bán rộng rãi, chỉ cấp theo chỉ định của bác sĩ, do vậy, không thể chẩn đoán bừa bãi và cho trẻ sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc.

Có nên tiêm hormone ức chế con dậy thì sớm?

Không ít trẻ mới 2 - 3 tuổi đã có dấu hiệu dậy thì sớm như: Kinh nguyệt, tuyến vú phát triển, xuất hiện lông mu… Tỷ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Nhiên (Infonet)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN