Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Làm gì khi trẻ sốt cao vì Omicron?

Trong khi người lớn mắc Covid-9 với biến chủng Omicron hay khó chịu vì triệu chứng mỏi cơ, oải người thì một số trẻ em lại xuất hiện hiện tượng sốt cao trong 36 giờ đầu.

Bởi lẽ, SARS-CoV-2 cũng là siêu vi, nên triệu chứng của nó giống các đợt sốt siêu vi khác mà trẻ từng gặp. Trong làn sóng Omicron mới này, do cơ địa của trẻ em, một số trường hợp gặp cơn sốt lên tới 39 độ trong ngày đầu, nhưng cũng rất mau khỏi.

Sốt siêu vi khác thường 48 giờ là qua giai đoạn sốt cao. Sốt do Covid-19 thì thường dưới 36 giờ. Có người khi con sốt cao thì hốt hoảng inbox cho tôi, nhưng đến khi tôi kịp trả lời thì "Bác ơi, con em hết sốt rồi!".

Điều đầu tiên cần làm và vượt qua nỗi sợ để bình tĩnh chăm sóc đứa bé F0.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Trước thời Covid-19, mỗi năm hay vài năm có những đợt sốt siêu vi ở trẻ em, phòng mạch, bệnh viện nhi đông nghẹt. Lúc đó, phụ huynh rất bình tĩnh và nói: "đợt này mấy đứa nhỏ sốt siêu vi quá trời".

Tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng là sốt siêu vi, nhưng quen rồi nên phụ huynh, nhà trường không lo lắm.

Covid-19 đối với trẻ em nhẹ và mau khỏi hơn sốt xuất huyết hay tay chân miệng, nhưng vì là bệnh mới nên mọi người còn lo.

Nhưng chung quy cũng chăm sóc trẻ như những lần sốt trước mà thôi: uống thuốc hạ sốt, lau mát tích cực. Có mấy vấn đề mà tôi nhận thấy trong những ngày qua:

Một là, nhiều phụ huynh hốt hoảng: Uống thuốc vào sao không hết sốt? Coi chừng đủ liều hay không? Bây giờ trẻ con thường cao, to, cứ canh theo tuổi mà uống coi chừng không đủ liều, không đủ liều thì không hết sốt. Trẻ từ 30-35 kg trở lên uống viên 500 mg như người lớn được rồi, cháu nào tận 70-80 kg thì phải uống viên 650 mg.

Hai là, thuốc hạ sốt thì có paracetamol hay ibuprofen, thương hiệu thì có nhiều, nhưng nhìn dòng chữ nhỏ bên dưới thương hiệu thì cũng là 2 loại này. Có trẻ hợp paracetamol, có trẻ hợp ibuprofen, có những trẻ gặp các con siêu vi nặng như sốt xuất huyết phải xen kẽ 2 loại mới chịu hạ…

Chăm trẻ sốt do Covid-19 cũng thế, không nên hoảng loạn đi tìm thêm thuốc này, thuốc kia. Kết hợp với lau mát, uống nhiều nước, từ từ sẽ hạ. Có trẻ uống 30 phút là hạ, có trẻ cả tiếng.

Ba là, nếu con mình từng có tiền sử sốt cao co giật thì tùy vào độ tuổi của trẻ. Nếu đã trên 7 tuổi rồi thì khỏi lo, sẽ không tái diễn nữa. Nếu dưới 7 tuổi thì phụ huynh có con từng sốt cao co giật nên chuẩn bị đủ thuốc uống, thuốc nhét hậu môn, cập nhiệt độ... Trẻ bình thường, 38,5 độ là uống thuốc thì trẻ từng sốt cao co giật thấy 38 độ nên uống luôn, không sốt cao quá thì sẽ không giật.

Nhìn chung, cũng không khác cơn sốt do các đợt sốt siêu vi trước đây, thường là nhẹ hơn, không sợ di chứng gì. Về MIS-C (viêm đa hệ thống sau Covid-19 ở trẻ em) thì Delta đã hiếm, đến khi có Omicron thì hầu như đã biến mất, theo thống kê của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).

Nguồn: [Link nguồn]

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Không có chuyện trẻ đang khỏe lăn đùng ra vì MIS-C

MIS-C (hội chứng viêm đa hệ thống sau mắc Covid-19 ở trẻ em) diễn tiến từ từ với các triệu chứng dễ phát hiện, là một vấn đề hiếm gặp ngay cả với chủng Delta, còn với...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Cố vấn Khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1) ([Tên nguồn])
BS Trương Hữu Khanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN