Ám ảnh “mê hồn trận” thực phẩm ngoại

Có quá nhiều vụ thực phẩm “bẩn” từ nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) “chảy” vào nước ta.

Hàng loạt vụ bê bối liên quan đến chất lượng hàng Trung Quốc (TQ) bị phanh phui trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã khiến người tiêu dùng Việt Nam ám ảnh bởi hàng hóa TQ đang oanh tạc khắp thị trường. Thậm chí, nó trở thành một “ấn tượng” mặc định, khiến tất cả mọi hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ TQ đều bị liệt vào dạng “nguy hiểm, cần cảnh giác cao độ”.

Ám ảnh “mê hồn trận” thực phẩm ngoại - 1

Người dân hoang mang trước thông tin táo đỏ nhiễm độc xuất hiện tại HN và TP.Hồ Chí Minh.

Hẳn người dân chưa quên scandal sữa TQ nhiễm melamine bị báo chí phanh phui cuối năm 2008. Đây là chất có thể gây sỏi thận, suy thận cấp tính, đe dọa tính mạng trẻ em. Sự việc như đốm lửa thổi bùng ngọn đuốc an toàn vệ sinh thực phẩm, đến mức Cục An toàn vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y tế) đã vào cuộc, thu hồi và tiêu hủy sữa nhiễm độc của các công ty có mặt tại Việt Nam thời điểm đó.

Đầu năm 2011, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) đưa ra cảnh báo về một loại cốc làm bằng thủy tinh và nhựa màu xuất xứ từ Trung Quốc. Loại cốc tưởng như vô hại này có chứa hóa chất độc hại vượt tiêu chuẩn cho phép từ vài cho đến hàng nghìn lần. Nhãn hàng hóa của các sản phẩm này ghi dòng chữ “Made in China”, có nguồn gốc từ TQ.

Chưa dừng lại, từ năm 2011 đến nay, dư luận lại rúng động trước seri “phi vụ” thực phẩm “bẩn” “tác oai tác quái” thị trường. Gia vị lẩu chứa chất gây ung thư; kẹo mút phát sáng bán tràn lan ở cổng trường tiểu học; thịt bò, thịt nai khô giá chỉ 1.000 đồng/túi; hoa quả chứa chất bảo quản để bao lâu cũng không hỏng; tràn lan các loại đồ chơi sặc sỡ sắc màu nhưng mọi tiêu chuẩn về an toàn đều không được đảm bảo; nước trái cây nhiễm chất dẻo DEHP có xuất xứ từ Đài Loan. Và gần đây nhất là thịt lợn chứa chất tạo nạc, cải thảo bảo quản bằng chất “ướp xác” và tảo đỏ nhiễm độc. Người tiêu dùng Việt Nam đang phải “vật lộn” để đương đầu với những thực phẩm “giết người” vô hình đang thâm nhập vào mâm cơm hàng ngày.

Nhìn nhận về vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay, nhất là trước một loạt các thông tin “gây sốc” cho người tiêu dùng, GS.TS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Trong trồng trọt, nhiều loại thuốc trừ sâu gây ung thư vẫn được nông dân sử dụng, nguy hiểm hơn đó là những loại thuốc của Trung Quốc cấm vì quá độc. Nhưng nông dân lại rất thích sử dụng bởi phun thuốc xong, quay lại thấy sâu chết ngay và rất rẻ. Tôi không hiểu vì lý do gì mà những thứ độc hại đó được nhập về Việt Nam. Có khi doanh nghiệp gian lận đóng bao bì khác. Trách nhiệm trong vấn đề này có cả Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học & Công nghệ và cả Bộ Công Thương”.

Thực tế, khi giám sát về vấn đề VSATTP, nhiều ĐBQH đã cho rằng: Đối với lĩnh vực liên quan đến sức khỏe và tính mạng của cộng đồng như vệ sinh an toàn thực phẩm thì không thể quản lý theo kiểu lọt sàng xuống nia hay được cái lớn, mất cái bé. Phải quản lý để làm sao hạn chế tới mức cao nhất những thực phẩm không sạch lưu thông trên thị trường và không để những thực phẩm không sạch “bước” vào mâm cơm của từng gia đình người dân Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Văn (Người đưa tin)
Ngộ độc thực phẩm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN