2/3 trường hợp “tử vong mẹ” có liên quan nhân viên y tế

“Những năm gần đây (2014-2015) LHQ đánh giá tỉ số tử vong mẹ ở Việt Nam khá thấp. Tuy nhiên, nếu không có những giải pháp quyết liệt thì Việt Nam khó tiếp tục duy trì thành quả trên”.

Sáng 8-9, ThS Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), cung cấp thông tin trên tại hội thảo “Tăng cường giám sát tử vong mẹ và đáp ứng”.

Ông Vinh cho biết tử vong mẹ có trường hợp do bất khả kháng, cũng có trường hợp do sự chủ quan của đội ngũ nhân viên y tế. “Thống kê cho thấy 2/3 trường hợp tử vong mẹ có liên quan đến nhân viên y tế” - ông Vinh nói.

Theo ThS Nghiêm Thị Xuân Hạnh (Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em), Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa tử vong mẹ là tử vong của phụ nữ trong thời gian mang thai hoặc trong vòng 42 ngày sau khi kết thúc thai nghén do bất cứ nguyên nhân nào liên quan đến thai nghén hoặc bệnh lý bị nặng lên do mang thai hoặc sinh đẻ gây ra. Tử vong mẹ không tính trường hợp do tai nạn hoặc tự tử.

“Theo đánh giá của LHQ, tỉ số tử vong mẹ khu vực Đông Á và Thái Bình Dương là 62/100.000 trẻ đẻ sống. Riêng tỉ số tử vong mẹ của Việt Nam là 54/100.000 trẻ đẻ sống, cao hơn Singapore, Malaysia và Thái Lan” - bà Hạnh nói.

2/3 trường hợp “tử vong mẹ” có liên quan nhân viên y tế - 1

Một phụ nữ mang thai được bác sĩ siêu âm để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Ảnh: TRẦN NGỌC

“Nguyên nhân tử vong mẹ được chia làm hai nhóm: Trực tiếp và gián tiếp. Nguyên nhân trực tiếp là chết do tai biến sản khoa hoặc do can thiệp thủ thuật, sai sót trong chẩn đoán, điều trị và biến chứng của các nguyên nhân trên. Nguyên nhân gián tiếp là chết do các bệnh có trước hoặc trong khi mang thai làm bệnh nặng lên do ảnh hưởng của thai nghén” - bà Hạnh giải thích.

Thống kê năm 2015 cho thấy gần 64% tử vong mẹ ở Việt Nam do nguyên nhân trực tiếp, gần 32% do nguyên nhân gián tiếp và hơn 4% không rõ lý do. “Liên quan đến tử vong mẹ do nguyên nhân trực tiếp, phân tích cho thấy gần 48% chảy máu, trên 24% tắc mạch ối, gần 7% nhiễm khuẩn, 4% vỡ tử cung… Riêng tử vong mẹ do nguyên nhân gián tiếp, trên 21% do bệnh tim mạch, hơn 13% bệnh phổi, gần 7% bệnh não, gần 5% bệnh gan, gần 7% nhiễm khuẩn…” - bà Hạnh cho biết.

“Để cải thiện sức khỏe và giảm tỉ lệ tử vong mẹ, ngành y tế địa phương cần hạn chế tối đa những yếu tố cản trở để các bà mẹ đều được tiếp cận công bằng với dịch vụ y tế có chất lượng. Bên cạnh đó phân tích nguyên nhân, yếu tố ảnh hưởng đến tử vong mẹ, rút kinh nghiệm chuyên môn để phòng tránh những ca tương tự” - bà Hạnh cho biết thêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Ngọc (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN