Mai Khôi: Đàn ông Việt hay gào thét như điên

Sự kiện: Sao Việt

"Tôi tha thiết khuyên căn nếu người đàn bà nào lấy phải thằng đàn ông vũ phu thì hãy mạnh mẽ dứt bỏ, ly dị càng sớm càng tốt...", nữ ca sỹ cá tính nói.

Trong ngày Quốc tế phụ nữ, ca sĩ Mai Khôi hẳn nhiên sẽ khiến nhiều người phải sốc và bị "giật mình" khi cô chẳng ngại phát biểu: "Đàn ông hèn là làm biếng việc nhà"; "Tôi căm thù bọn đàn ông vũ phu"; "Ghét đàn ông ngồi nhậu nói phét"; "Đàn ông Việt hay gào thét như điên",... 

Tại sao đàn ông mua dâm không bị phạt?

- Nói đến tên chị, công chúng dễ dàng nhớ đến hình ảnh một người nghệ sĩ nổi bật nhất trong trào lưu "thả rông" vòng 1. Có người cho rằng, mốt "thả rông" của chị như một hành động chứng tỏ quyền bình đẳng của người phụ nữ. Chị nghĩ sao?

Chuyện không mặc áo ngực được nhắc lại cũng dễ khiến người ta chán, nhưng rõ ràng là ngày nay trên đường phố, chúng ta thấy rất nhiều các cô gái trẻ không mặc áo ngực. Nhìn họ tự tin, khoẻ khoắn, gợi cảm và đầy tự do. Cách đây 10 năm, khi người ta thấy tôi không mặc áo ngực để khẳng định vẻ đẹp trời cho người phụ nữ, và cũng là một cách thể hiện tự do, quyền bình đẳng của phụ nữ, thì còn nói này nói nọ, chứ bây giờ hầu như người ta đã bắt đầu chấp nhận vẻ đẹp của phụ nữ không mặc áo ngực rồi!

- Theo chị, vì sao bình đẳng giới vẫn là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" trong xã hội chúng ta?

Bình đẳng giới tại Việt Nam chưa phải là câu chuyện "biết rồ khổ lắm, nói mãi", bởi vì xã hội Việt Nam vẫn còn xem nhẹ vấn đề này. Mỗi năm vào các ngày lễ của phụ nữ thì mọi người mới nhắc đến vai trò của phụ nữ trong xã hội như một cách an ủi, qua ngày rồi thôi.

Xã hội chưa có nhiều hoạt động nhằm chống bất bình đẳng giới ngoài tổ chức PYD và Sở Giáo dục Đà Nẵng đã phát động chương trình Hành trình yêu thương - chống bạo lực và bất bình đẳng giới. Đây là một chương trình được đưa vào giáo dục và các em học sinh cấp 2 rất yêu thích. 

Người lớn thì khó thay đổi hơn vì những quan niệm trọng nam khinh nữ, gia trưởng ấu trĩ ngày xưa đã ăn sâu vào đầu óc họ rồi. Vì vậy muốn thay đổi một xã hội thì cần phải dạy đúng cho các em học sinh từ bây giờ.

- Có nhiều lý do để đưa ra, nhưng chị có nghĩ nguyên nhân bất bình đẳng giới cũng vì chính mỗi bản thân người phụ nữ, vì họ không ý thức được quyền bình đẳng của mình?

Không thể đổ lỗi cho phụ nữ, lỗi lớn nhất là của xã hội từ ngày xưa, khi phương Bắc đô hộ Việt Nam 1000 năm, họ đã đưa vào Việt Nam những lề lối, đạo nghĩa, phép tắc bất bình đẳng kiểu như trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng, rồi thì "dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về", rồi thì đàn ông là trụ cột của gia đình... Ngày xửa ngày xưa, lúc trước khi Trung Quốc vào, xã hội Việt Nam rất bình đẳng trong chế độ Mẫu hệ. 

Nói chung, người Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ văn hoá Trung Quốc trong suốt 1000 năm nên mới có sự bất bình đẳng kéo dài đến tận hôm nay. Bản thân những người phụ nữ phải cam chịu sự bất bình đẳng là vì xã hội làm cho họ nghĩ họ phải như thế. Bởi vì có mấy ai dám làm trái điều xã hội mong muốn?

- Có những bất công nào đối với người phụ nữ trong xã hội thời nay khiến chị bức xúc nhất?

Những bất công đối với phụ nữ trong xã hội ngày nay khiến tôi bức xúc nhất vẫn là vấn đề bị coi là nhạy cảm: Tại sao những người phụ nữ bán dâm thì bị lên án trong khi những đàn ông mua dâm thì không ai nhắc đến, không bị nêu tên chỉ trích? 

Tại sao hễ phụ nữ có mặc hở một chút, gợi cảm một chút thì bị phạt, còn đàn ông nếu có hở cả ngực chạy ngoài đường cũng không ai nói gì, phạt gì? 

Trong hệ thống nhà nước thì những người nắm quyền quan trọng vẫn là đàn ông, rất ít phụ nữ được đứng ở những vị trí quan trọng. Ngoài ra, lương trung bình của phụ nữ vẫn thấp hơn lương trung bình của đàn ông.

Ghét đàn ông ngồi nhậu nói phét!

- Chị có ủng hộ chuyện "nữ quyền", người phụ nữ "cầm cương" trong gia đình không?

Tôi không ủng hộ việc phụ nữ cầm cương trong gia đình. Tôi chỉ ủng hộ việc cả nam và nữ hãy cùng nhau cầm cương, hoặc thay phiên nhau cầm cương để điều khiển một gia đình cho thật tốt đẹp, tránh để cho các con thấy bất cứ sự bất bình đẳng nào giữa bố và mẹ.

- Chị nghĩ sao với quan niệm, đàn ông mà để vợ "cầm quyền, cầm cương" là hèn nhát, nhu nhược và đáng xấu hổ?

Nói thật là đàn ông chả cần phải "cầm cương" gì cho ra oai, chỉ cần biết cách chăm sóc yêu thương vợ con thì tốt rồi. Tôi ghét cải kiểu mấy ông đàn ông Việt Nam cứ ngồi nhậu nhẹt rồi nói phét, nói cáy nhau kiểu vô ý thức vô văn hoá kém hiểu biết. Với tôi, đàn ông không chia sẻ việc nhà với vợ thì đấy mới là đám đàn ông hèn, còn chuyện ai cầm cương có gì là quan trọng, miễn sao gia đình hạnh phúc yên ấm con ngoan học giỏi.

- Luật, quy định nào có liên quan đến người phụ nữ mà chị muốn được thay đổi nhất?

Trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình Việt Nam, chưa thấy có mục nào nói về việc xử phạt các trường hợp Chồng hiếp dâm Vợ. Tôi thấy ở Việt Nam có rất rất nhiều trường hợp người vợ bị chồng hiếp dâm mỗi khi nhậu say về, và họ phải chịu cảnh đó trong suốt cuộc đời họ, bởi vì không có ai bảo vệ họ, luật không bảo vệ, xã hội thì càng không.

Vì đây là vấn đề nhạy cảm đối với người Việt Nam, người ta nghĩ rằng cưới nhau rồi nghĩa là chồng làm chủ của vợ, có quyền dạy bảo, đánh đập, la mắng, quát tháo và hiếp dâm bất cứ lúc nào. Người vợ thì sợ xấu hổ với xã hội, chẳng bao giờ có ai dám lên tiếng kiện chồng tôi hiếp dâm cả.

Tôi thấy luật nên có thêm mục này để bảo vệ phụ nữ. Ngoài ra, những vấn đề về bạo lực giới chưa được nói đến rõ ràng trong luật Việt Nam. Các vấn đề thực thi để bảo vệ phụ nữ cũng chưa được các cơ quan nhà nước thực thi một cách triệt để, xác đáng, họ thường làm ngơ trước những cảnh bạo lực gia đình và xem đó là "chuyện trong nhà người ta, để người ta tự giải quyết".

Đàn ông Việt Nam hay gào thét như điên!

- Chị có phải người phụ nữ dễ dàng bị ức hiếp trước phái mạnh không? 

Tôi không phải là người dễ bị đàn ông bắt nạt, bởi vì tôi luôn tìm cách thoát ra sớm trước khi tình huống bạo lực có thể xảy ra. Tuy nhiên, cũng nhiều lần tôi bị bạo lực tinh thần, điều này khó tránh khỏi trong một mối quan hệ. Đàn ông Việt Nam lại hay có thói quen nói to, gào thét lên như điên và điều đó ảnh hưởng tâm lý của tôi khủng khiếp. Biện pháp tốt nhất là tránh xa ra, đi đâu đó xa khỏi cái người đang bắt đầu quát tháo mình, hoặc đi ra chỗ đám đông, nếu có bạn bè thì càng tốt để mình tránh những bạo lực thể xác thường hay xảy ra tiếp sau những lời gào thét quát tháo chửi bới nhục mạ.

- Bản thân chị nghĩ gì về những người đàn ông thích giở trò vũ phu với vợ?

Tôi căm thù bọn đàn ông thích giở trò vũ phu với vợ, với đàn bà. Đàn ông đương nhiên là xương chắc hơn, to hơn phụ nữ, họ biết chắc nếu đánh nhau thì họ sẽ làm phụ nữ đau và sợ, họ nắm trọn quyền lực bằng cách đó. Những kẻ như vậy đầu óc chỉ bằng hạt đậu và hoàn toàn không có tính người.

Tôi tha thiết khuyên căn nếu người đàn bà nào lấy phải thằng đàn ông vũ phu thì hãy mạnh mẽ dứt bỏ, ly dị càng sớm càng tốt. Trên đời thiếu gì đàn ông tốt để mình yêu thương mà phải chịu sống với một thằng vũ phu. Những kẻ vũ phu nên ở một mình, tự gậm nhấm lấy sự cô đơn để tự học lấy bài học làm người.

- Nếu một người phụ nữ chẳng may cưới phải người chồng thích dùng vũ lực, thì chị sẽ cho họ lời khuyên thế nào để giải thoát?

Ai đó quá cùng quẫn trước cuộc đời thì nên đi tu, không nên tự vẫn. Tôi nghĩ trong khoảng thời gian đi tu, con người sẽ bình tâm trở lại, trí tuệ sáng tỏ hơn và lúc đó họ sẽ biết họ muốn gì trong cuộc đời này.

- Chị có nghĩ, bản thân một người khi sinh ra là phụ nữ là đã mang một kiếp khổ?

Đúng vậy! Phụ nữ có nhiều cái khổ không thể kể hết, cái khổ đầu tiên là tháng nào cũng phải có kinh nguyệt. Tuy nhiên, để bớt khổ thì phụ nữ phải biết cách tự bảo vệ mình, biết độc lập và biết tự tại.

Bị phụ nữ đố kỵ... ghét

- Theo chị, đàn ông thế nào mới đúng chuẩn đàn ông?

Một người đàn ông thì cũng là con người, hãy cố gắng có những hành vi và suy nghĩ tốt cho bản thân, cho người xung quanh và cho xã hội là được. Nếu biết bất kỳ một hành vi nào của mình đang làm hại người khác thì đừng làm. Khổ một nỗi la nhiều người biết và thích hại người khác lắm!

- Chị ghét nhất tuýp người đàn ông thế nào?

Đàn ông hay đàn bà gì mà có tính xấu thì tôi đều đáng ghét, nhưng nếu họ đến với tôi thì tôi sẽ cho họ cơ hội tu tập sửa đổi. Tuy nhiên điều đó là một điều khó, vì người ta có câu "Giang Sơn khó đổi, bản tính khó dời".

- Có một thực tế rằng, chị vốn được lòng cánh đàn ông hơn mọi người phụ nữ. Chị nghĩ sao?

Tôi cũng được nhiều phụ nữ thích lắm chứ không phải chỉ có đàn ông. Tôi thấy nếu phụ nữ có tính đố kỵ thì không thích tôi, nếu đàn ông có tính đạo đức giả cũng không thích tôi, (Cười).

- Người ta bảo rằng, ở đâu có phụ nữ là ở đó có sự đố kỵ. Theo chị, tính đố kỵ là bản chất của mọi người phụ nữ hay đó hoàn toàn là "thói hư, tật xấu" của họ?

Đừng nói tính đố kỵ là của phụ nữ, quan niệm như vậy tôi thấy nhiều trong xã hội nhưng đó là hoàn toàn sai lầm. Con người gồm có đàn ông và đàn bà, họ đều có tính xấu và tính tốt, không thể chia ra là tính này của đàn bà, tính kia của đàn ông. Cho nên những quan niệm "nữ tính" và "nam tính " là hoàn toàn không nên có.

Xin cảm ơn ca sĩ Mai Khôi và chúc chị thành công!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Nhuận Nam ([Tên nguồn])
Sao Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN