Nóng tuần qua: Loại ốc “nhà giàu” giá rẻ bất ngờ, dân đổ xô đi mua

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Thị trường tuần qua có một số tin tức đáng chú ý sau.

Ốc hương “siêu giảm giá”, hàng hải sản bán cả tấn mỗi ngày

Thay vì có giá đắt đỏ như trước đây, hiện tại ốc hương đang được bán với giá chỉ từ 150.000-250.000 đồng/kg. Giá rẻ, nguồn cung dồi dào nên các cửa hàng hải sản thi nhau nhập ốc về bán, giúp nhiều người được thưởng thức loại ốc “nhà giàu”

Anh Trần Ba Duy, chủ cửa hàng hải sản trên đường Nguyễn Chánh (Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết, ốc hương được anh nhập trực tiếp từ Cam Ranh (Khánh Hòa) và được bán với giá rẻ chưa từng có.

Giá rẻ lại được bán tràn lan khắp các cửa hàng hải sản lớn nhỏ nên người tiêu dùng cũng có thể ngồi tại nhà đặt ốc về thưởng thức. Nhờ vậy, mỗi ngày, cửa hàng anh Duy có thể bán được hơn 1 tấn ốc hương các loại.

Ông Lê Minh Hải – Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) cho biết trước dịch Covid-19, giá ốc hương dao động ở mức 270.000-380.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay, ốc chưa đủ size để thu hoạch, chỉ có một số ít hộ nuôi có ốc đủ size nhưng tiêu thụ rất chậm và chỉ bán được với giá rất thấp, từ 165.000-270.000 đồng/kg do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ốc hương loại nhỏ được bán với giá chỉ 150.000 đồng/kg.

Ốc hương loại nhỏ được bán với giá chỉ 150.000 đồng/kg.

Giá tôm hùm giảm sốc vẫn khó bán

Người nuôi tôm hùm khu vực vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa đang lao đao vì giá tôm liên tục giảm trong khi giá thức ăn tăng mạnh. Cụ thể, giá tôm hùm đã giảm hơn 1 triệu đồng/kg so với cách đây 3 tháng. Tôm hùm loại 3 trước dịch có giá hơn 2,3 triệu đồng/kg, hiện nay khoảng 1,2 triệu đồng/kg.

Giá tôm hùm đang giảm mạnh một phần xuất phát từ việc vận chuyển tôm trong dịch COVID-19 để xuất sang Trung Quốc đang gặp hàng loạt trở ngại vì cần nhiều loại thủ tục để lưu thông bằng phương tiện đường bộ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc, thị trường tiêu thụ tôm hùm lớn cũng bùng phát dịch trở lại nên ảnh hưởng đến việc tiêu thụ tôm hùm trong giai đoạn trước Tết Trung Thu.

Do giai đoạn này là vụ chính cộng với việc giá mồi tăng cao nhiều hộ khó lòng duy trì, buộc phải bán ra với giá rẻ. 

Cua biển Cà Mau rớt giá “thảm”

Chưa khi nào người nuôi cua tại Cà Mau chứng kiến cảnh rớt giá thê thảm như hiện tại khi giá cua bán xô cho các thương lái tại vuông nuôi chỉ khoảng 60.000 đồng/kg.

Có thời điểm, cua gạch son Cà Mau còn được bán với giá từ 800-1 triệu đồng/kg, nhất là dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến thị trường bị thu hẹp, giá cua xuống thấp chưa từng có.

Ông Lê Quốc Việt, Giám đốc HTX Cua biển Năm Căn (Cà Mau) cho biết, thị trường tiêu thụ chính của HTX là ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. Trước đây, trung bình mỗi tháng xuất khoảng 20 tấn cua ra thị trường và phục vụ xuất khẩu.

Tuy nhiên, từ đợt dịch bệnh ở cua khiến cua chết hàng loạt vào tháng 3 và đợt dịch Covid-19 này thì HTX bị ảnh hưởng đến 100% nên HTX phải ngừng hoạt động thu mua và tiêu thụ nhằm hạn chế rủi ro tối đa.

Cua thịt hiện tại chỉ có giá chỉ từ 80.000-190.000 đồng/kg, cua xô chỉ còn 60.000 đồng/kg.

Cua thịt hiện tại chỉ có giá chỉ từ 80.000-190.000 đồng/kg, cua xô chỉ còn 60.000 đồng/kg.

Rau rớt giá còn 1.000 đồng/kg

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều loại rau tại xã Ea Kmut (huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk) giá rẻ chỉ còn 1.000 đồng. Dù giá thấp, thương lái thờ ơ, người dân trồng chẳng muốn bán.

Theo chia sẻ của anh Hùng – người trồng 2ha rau các loại tại đây, cho biết đã gần 20 năm trồng rau chưa có năm nào gia đình anh lại rơi vào tình cảnh như vậy. Từ đầu năm đến giờ, lứa rau nào thu hoạch xong cũng chẳng biết bán cho ai, giá bán thì rẻ như cho, không đủ công cắt.

Đợt thu hoạch này, anh dự tính thu được khoảng vài chục tấn tấn rau các loại. Tuy nhiên, giá cả các loại đều rẻ chung như nhau, chỉ dao động từ 1.000 – 2.000 đồng/kg, và đặc biệt thương lái không đến mua. Anh đã liên hệ các nhà từ thiện để cho hết toàn bộ số rau trong vườn nhà mình, giúp người dân các khu vực bị phong tỏa và người khó khăn.

Trao đổi với báo chí, ông Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kmut cho biết địa phương chủ yếu làm nông nghiệp nên rau, củ rất nhiều. “Thời điểm này, dịch bệnh diễn biến phức tạp, đường sá không lưu thông được nên khâu vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Đó cũng là nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến giá cả các mặt hàng nông sản”, ông cho hay.

Theo ông, đợt dịch này giá rau giảm mạnh, một số gia đình lựa chọn cho rau để làm từ thiện để ủng hộ cho các khu vực bị cách ly và các bếp ăn nấu cho khu cách ly. Còn giá cả rau biến động theo ngày và tùy theo loại rau mà có giá khác nhau.

Giá thịt lợn trong nước chỉ thấp trên... tivi

Giá lợn hơi trong nước ở mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây, nhưng giá bán lẻ vẫn "neo" cao. Trong khi, nhập khẩu từ nước ngoài tăng mạnh.

Báo cáo từ Bộ NN&PTNT cho biết, giá lợn hơi trên toàn quốc hiện dao động trong khoảng 51-55 nghìn đồng/kg, giảm 2-3 nghìn đồng/kg so với cuối tháng 7/2021, đây là mức thấp nhất kể từ giữa năm 2019.

Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt bán lẻ với giá cao ở cả siêu thị và chợ dân sinh. Cụ thể, tại các chợ truyền thống, dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội giá thịt lợn phổ biến ngưỡng 140-160 nghìn đồng/kg, gần như không có biến động hoặc chỉ giảm nhẹ từ 5-10 nghìn đồng/kg so với thời cao điểm, giá lợn hơi ở mức đỉnh.

Không những giá thịt lợn ở hầu hết các chợ truyền thống vẫn "neo" cao mà tại các siêu thị cũng ghi nhận mức giá tương tự.

Nguồn: [Link nguồn]

Nóng tuần qua: Chỉ hơn 7 triệu đồng, dân Việt cũng có thể mua ô tô

Thị trường tuần qua có một số tin tức đáng chú ý sau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Thư (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN