Nóng tuần qua: Dân Hà Nội đua nhau mua tủ lạnh, chủ cửa hàng vẫn than khó bán?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Dù nhu cầu mua tủ lạnh và tủ đông của người dân Hà Nội tăng cao, các chủ cửa hàng vẫn than khó bán.

Tủ đông, tủ lạnh giảm giá kịch sàn

Thời gian gần đây, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, nhiều khu vực phải thực hiện yêu cầu giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16 nhằm hạn chế tiếp xúc, đề phòng lây lan dịch bệnh. Vì vậy, nhu cầu mua các sản phẩm này để tích trữ đồ ăn bỗng dưng tăng đột biến.

Nắm bắt nhu cầu của khách hàng, nhiều siêu thị, cửa hàng điện máy đã tung ra các ưu đãi khi mua các mặt hàng này nhằm kích cầu mua sắm, xả hàng tồn. Ngoài giảm giá sâu đến 50%, khách hàng còn được tặng nhiều phần quà có giá trị, lên đến 3 triệu đồng.

Tuy nhiên, hầu hết các cửa hàng này chỉ phục vụ khách mua online và chỉ giao hàng cho khách tại các khu vực chưa bị phong tỏa để phòng chống dịch.

Chủ một cửa hàng kinh doanh điện máy tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, từ tháng 5 trở lại đây, lượng khách hàng đặt mua tủ lạnh từ 3 cánh trở lên và tủ đông tăng gấp 3-4 lần so với trước kia. Nhưng mỗi ngày cửa hàng chỉ bán được 3-5 chiếc vì Hà Nội thực hiện giãn cách toàn xã hội, đây không phải mặt hàng thiết yếu nên khách đặt, kho cũng không thể xuất hàng giao cho khách được.

Do tình hình dịch bệnh phức tạp nên việc vận chuyển khó khăn, dù giảm giá sâu nhưng nhiều cửa hàng, siêu thị vẫn khó bán.

Do tình hình dịch bệnh phức tạp nên việc vận chuyển khó khăn, dù giảm giá sâu nhưng nhiều cửa hàng, siêu thị vẫn khó bán.

Sầu riêng rớt giá còn 8.000 đồng/kg

Hiện nay, người nông dân ở các tỉnh Đắk Nông, Đăk Lăk đang bước vào vụ thu hoạch sầu riêng. Tuy nhiên, do không tìm được đầu ra nên giá sầu riêng tại vườn đang giảm thê thảm, có loại chỉ còn 8.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua.

Theo một số chủ vựa thu mua trái cây, thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 là nguyên nhân khiến sầu riêng rớt giá. Hiện nay, sầu riêng vẫn tiêu thụ được nhưng số lượng không nhiều, giá cước vận chuyển bị đẩy lên rất cao buộc đại lý phải giảm giá thu mua để tránh lỗ.

Theo thống kê của UBND tỉnh Đăk Lăk, hiện tỉnh có hơn 12.000 ha sầu riêng đang vào vụ thu hoạch và sản lượng dự tính 103.000 tấn.

Cũng trong tình trạng tương tự, tỉnh Đắk Nông ước tính còn khoảng 12.000-14.000 tấn sầu riêng đang bước vào thời kỳ thu hoạch.

Sở Công Thương Đắk Nông và Sở Công Thương tỉnh Đăk Lăk đã nhanh chóng chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại 2 tỉnh triển khai thực hiện các hoạt động kết nối hỗ trợ, tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Nhãn Sông Mã rẻ hơn rau vẫn ế ẩm

Trái ngược với cảnh mua bán tấp nập của hàng trăm thương lái đổ về thu mua nhãn như mọi năm, năm nay, nhiều hộ dân trồng nhãn tại huyện Sông Mã (Sơn La) đang rơi vào tình trạng nhãn chín đầy vườn vẫn không có người mua.

Những năm gần đây, nhãn Sông Mã (Sơn La) giá bán từ 20-30.000 đồng/kg, còn năm nay do ảnh hưởng của Covid-19 nên việc tiêu thụ, vận chuyển nhãn đã gặp không ít khó khăn, thương lái chỉ thu mua cầm chừng khiến giá nhãn rớt xuống chỉ còn từ 7-8.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều hộ gia đình trồng nhãn còn không có người đến hỏi mua.

Được biết, huyện Sông Mã là vựa nhãn lớn nhất của tỉnh Sơn La. Đa phần nhãn tại đây đều được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, một số vùng được cấp mã xuất khẩu đi Úc, EU, Mỹ, Trung Quốc.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19 khiến việc tiêu thụ nhãn gặp phải nhiều khó khăn, hạn chế. Vì vậy, huyện cũng đã chủ động phương án xây thêm lò sấy để chế biến long nhãn nhằm giảm áp lực trong việc tiêu thụ quả tươi.

Nhãn đẹp hiện tại cũng chỉ có giá khoảng 9.000 đồng/kg.

Nhãn đẹp hiện tại cũng chỉ có giá khoảng 9.000 đồng/kg.

Giá trứng, rau quả lại tăng vọt

Tại Hà Nội, giá nhiều mặt hàng rau quả ở một số chợ dân sinh tiếp tục tăng cao so với những ngày trước đó. Ðặc biệt, mặt hàng trứng gia cầm sau khi tăng gấp đôi, lại tăng tiếp 30% và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đại diện một chuỗi siêu thị tại Hà Nội cho biết, mặc dù doanh nghiệp cố gắng kiểm soát để mức tăng giá không ảnh hưởng nhiều đến người tiêu dùng, tuy nhiên giá một số mặt hàng tươi sống vẫn tăng so với những ngày trước đó. Lý do bởi nguồn cung hạn chế, cước vận tải cùng chi phí của các doanh nghiệp liên quan tăng đã khiến giá đầu vào của nhiều mặt hàng là lương thực thực phẩm tăng.

Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội thông tin, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh cùng 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở Hà Nội bị tạm dừng hoạt động.

Thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp tăng lượng dự trữ hàng hóa tối đa về phục vụ nhân dân (nhiều hệ thống đã tăng lên trên 50% so với ngày bình thường), đổi mới các hình thức kinh doanh (tăng cường bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, bán hàng lưu động, đăng ký phục vụ 24/24/7...).

Nhu cầu mua ô tô mới giảm mạnh

Đợt bùng phát thứ 4 của dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu mua xe ô tô mới của người dân giảm mạnh.

Thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy doanh số bán hàng toàn thị trường tháng 7 chỉ đạt 16.035 xe, giảm mạnh tới 32% so với tháng 6. Đây đã là tháng thứ 4 liên tiếp doanh số bán ô tô tại Việt Nam đi xuống.

Trong tháng 7, các hãng xe như Toyota, Kia, Huyndai đều giảm doanh số bán hàng lần lượt là 33%, 59% và hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trái ngược hoàn toàn, doanh số bán hàng của Honda và VinFast lại tăng lần lượt là 7% và 10,8% so với cùng kỳ năm 2020. 

Tính đến hết tháng 7/2021, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đạt 94.109 xe, tăng 15% trong khi xe nhập khẩu đạt 72.407 xe tăng 47% so với cùng kì năm ngoái. Chính điều này giúp các nhà phân phối ô tô lớn nhất hiện nay ghi nhận tăng trưởng tốt ở chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận nửa đầu năm.

Nguồn: [Link nguồn]

Nóng tuần qua: Hải sản “nhà giàu” rớt giá thảm hại mà vẫn ế “chỏng chơ”

Những loại hải sản đắt tiền, vốn chỉ dành cho nhà giàu này rớt giá thảm hại nhưng vẫn ế ẩm ít người mua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Thư (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN