Quản lý thị trường vào cuộc vụ quầy thuốc đồng loạt treo biển “hết khẩu trang”

Với lý do không còn khẩu trang, nước rửa tay, trong vài ngày gần đây nhiều quầy thuốc tại chợ thuốc lớn nhất miền Bắc Hapulico đã đồng loạt treo biển: “Quầy không bán khẩu trang, nước rửa tay. Xin đừng hỏi”.

Nhiều người tỏ ra hoài nghi, liệu nguồn cung thiếu thực sự hay do giá nhập cao, nếu cửa hàng bán giá cao sẽ bị phạt nên không bán nữa?

Người dân lo ngại khi nhiều quầy thuốc tại chợ thuốc lớn nhất miền Bắc đồng loạt treo biển: “Quầy không bán khẩu trang, nước rửa tay"

Người dân lo ngại khi nhiều quầy thuốc tại chợ thuốc lớn nhất miền Bắc đồng loạt treo biển: “Quầy không bán khẩu trang, nước rửa tay"

Đồng loạt “hết hàng”

Thị trường khẩu trang vẫn không hạ nhiệt sau khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị trực tuyến các địa phương về phòng chống dịch yêu cầu sẽ rút giấy phép các hiệu thuốc nếu tự ý tăng giá khẩu trang.

Theo quan sát của phóng viên, tại một số quầy thuốc trong tòa nhà Hapulico đồng loạt treo biển “Quầy không bán khẩu trang, nước rửa tay. Xin đừng hỏi”.

Rất nhiều quầy thuốc ghi biển không bán khẩu trang và nước rửa tay

Rất nhiều quầy thuốc ghi biển không bán khẩu trang và nước rửa tay

Tại các quầy thuốc ở tầng 1, rất nhiều quầy ghi biển không bán khẩu trang và nước rửa tay. Một nhân viên cho biết tại cửa hàng chưa từng bán khẩu trang trước đó nhưng người dân nhầm lẫn, hỏi nhiều nên phải viết biển báo không bán để đỡ mất thời gian của hai bên.

Tuy nhiên, khi khảo sát các tầng còn lại của chợ thuốc, rất khó khăn để tìm thấy quầy có khẩu trang để bán.

Tại một quầy hàng, có một số ít khẩu trang bán lẻ với mức giá 50.000 đồng/chiếc. Mặc dù giá cao, nhưng khi số khẩu trang vừa được bày ra, 3 -4 khách hàng đã nhanh tay mua hết.

Nhân viên bán hàng cho biết, đây là hàng nhập khẩu nhưng khi phóng viên quan sát trên bao bì lại không có thông tin rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ.

Không chỉ các quầy nằm trong chợ thuốc, mà rất nhiều nhà thuốc bán lẻ trên đường Vũ Trọng Phụng, Bạch Mai,… cũng treo biển thông báo hết khẩu trang và nước rửa tay khô, vui lòng không hỏi sau khi có quá nhiều người vào mua. 

Tại một quầy thuốc trên đường Nguyễn Tuân, tuy còn khẩu trang nhưng được bán với giá 10.000 đồng/chiếc, cao gấp 5 lần giá cũ. Người bán hàng cho biết, là do khi lấy hàng giá đã rất cao chứ quầy thuốc không tự ý nâng giá.

Trên các trang mạng xã hội, tại một số diễn đàn nhiều người tỏ ra lo lắng khi khẩu trang trở nên khan hiếm và đắt đỏ.

Một nick name có tên Mai Phong cho biết mình vẫn còn may mắn vì đi tìm mua cả buổi tối mới đc 1 hộp loại 50 chiếc, giá 400.000 đồng/hộp.

Nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi, liệu rằng có tình trạng gom hàng để bán xuất khẩu kiếm lời. Tuy nhiên, có một số nickname khác lên tiếng: “Do số lượng sản xuất theo ngày có hạn, hơn nữa do nguồn nguyên liệu khan hiếm nên giá thành bị đẩy lên cao là điều dễ thông cảm. Chỉ cần hiệu thuốc có hóa đơn đầy đủ, chứng minh giá đầu vào rõ ràng là được”.

Sẽ không thiếu khẩu trang

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đơn vị nhập khẩu đều cho biết trước mắt chưa tăng giá bán buôn. Tại Công ty Tanaphar, giá bán buôn khoảng 30.000 đồng mỗi hộp 50 chiếc, không tăng giá. Tuy nhiên với nguồn nguyên liệu hiện có, công ty chỉ có thể sản xuất thêm trong vòng một tuần.

Nhiều cơ sở sản xuất khẩu trang khẳng định không tăng giá, nhưng số lượng sản xuất mỗi ngày có hạn

Nhiều cơ sở sản xuất khẩu trang khẳng định không tăng giá, nhưng số lượng sản xuất mỗi ngày có hạn

Cũng với giá bán tương đương và khẳng định không tăng giá, song Công ty Đại Uy cho biết không bán sản phẩm ra ngoài, chỉ cung cấp cho khách hàng của công ty.

Phía Bộ Công Thương cũng cho biết các doanh nghiệp đều khẳng định sẵn sàng sản xuất và cung cấp với giá tương đương chi phí sản xuất, không lấy lãi, không tăng giá để phục vụ tốt nhất yêu cầu phòng chống dịch nCoV. 

Bộ Công Thương hiện nay vẫn đang làm việc sát sao với các công ty sản xuất khẩu trang và tự tin cho rằng nguồn cung trong nước sẽ đủ đáp ứng nhu cầu.

“Hiện cả nước có 38 đơn vị sản xuất khẩu trang 3 lớp với công suất 1,2 triệu chiếc mỗi ngày, 2 đơn vị sản xuất khẩu trang N95, công suất 32.000 chiếc mỗi ngày. Số lượng này là đủ đáp ứng nhu cầu trong nước."- Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An.

Trên thị trường khẩu trang hiện nay có 2 loại: khẩu trang y tế và khẩu trang vải.

Theo Bộ Công Thương, với số lượng doanh nghiệp trong ngành dệt may lên đến 7.000, việc tham gia sản xuất mặt hàng khẩu trang vải không đòi hỏi nhiều về thay đổi quy trình, máy móc, việc sản xuất khẩu trang có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, đây chỉ là các khẩu trang thông thường, chưa được công nhận là khẩu trang y tế, do vậy khả năng thị trường chấp nhận đến đâu còn chưa xác định được.

Trong khi đó, với khẩu trang y tế, nguyên liệu sản xuất chính gồm vải không dệt, vải lọc kháng khuẩn và than hoạt tính.

Vải không dệt trong nước đã sản xuất được, còn vải lọc kháng khuẩn và than hoạt tính hiện trong nước chưa sản xuất nên phải nhập khẩu. Để sử dụng trong phòng dịch chỉ cần loại khẩu trang 3 lớp, loại 4 lớp sử dụng chủ yếu trong các cơ sở y tế.

Khẩu trang dùng một lần có màng lọc kháng khuẩn thì nguyên liệu này phải nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 70%. Khoảng 30% còn lại có thể mua từ Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Ai Cập, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu (Pháp, Ý).

Trung Quốc cấm xuất khẩu cả sản phẩm và nguyên liệu. Hàn Quốc và Nhật Bản khan hàng, không có hàng để bán và xuất khẩu. Ấn Độ cấm xuất khẩu sản phẩm, không cấm xuất khẩu nguyên liệu. Châu Âu thì giá rất cao.

Các nước còn lại, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn nguyên liệu và nếu tiếp cận được thì giá rất cao. Trường hợp dịch lan rộng tại các nước này, dự báo thời gian tới sẽ khó khăn hơn trong việc nhập khẩu.

Quản lý thị trường vào cuộc

Liên quan đến vụ việc chợ thuốc Hapulico đồng loạt treo biển “không bán khẩu trang, nước rửa tay, miễn hỏi” ngày 3/2 ông Chu Xuân Kiên – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, lực lượng quản lý thị trường sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra các nhà thuốc tại đây.

Theo ông Kiên, hiện Cục Quản lý thị trường Hà Nội đang phối hợp với công an kinh tế để kiểm tra, trường hợp phát hiện trong kho vẫn còn hàng nhưng nhà thuốc treo biển không bán là cố tình găm hàng và sẽ bị xử theo quy định pháp luật.

Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong 2 ngày 1-2/2, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã xử phạt 85 trường hợp vi phạm về tăng giá bán khẩu trang quá mức với tổng số tiền xử phạt 88,7 triệu đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Hàng quán vắng teo theo virus Corona

Dịch viêm phổi cấp do virus Corona đang lan rộng ở nhiều nước khiến người dân Sài Gòn lo lắng. Nhiều người hạn chế...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN