Khởi nghiệp nuôi cà cuống, chàng thanh niên trẻ thu về nửa tỷ đồng mỗi năm
Do môi trường sống thay đổi, con cà cuống hoang dã cũng dần biến mất trong tự nhiên. Nắm bắt được tình hình này, anh Hoàng Anh (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) bắt đầu ý tưởng khởi nghiệp nuôi cà cuống.
Không chỉ được biết đến là một loại côn trùng thông thường, cà cuống từ lâu đã trở thành đặc sản, ngày càng khó tìm. Vì thế, anh Hoàng Anh (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) đã bắt đầu nhân giống và nuôi loài côn trùng đặc biệt này, thu về lợi nhuận nửa tỷ mỗi năm.
Cà cuống (hay còn gọi là sâu quế, đà cuống) là một loại côn trùng sinh trưởng ở ao hồ, đầm lầy hay ruộng lúa. Do môi trường sống thay đổi, con cuống hoang dã cũng dần biến mất trong tự nhiên. Loài côn trùng “thơm như quế” này dần dần trở nên khan hiếm. Anh Hoàng Anh đã nhanh chóng nắm bắt được tình hình này, bắt đầu ý tưởng khởi nghiệp nuôi cà cuống.
Anh Hoàng Anh cho biết, nguồn thu nhập hiện nay từ việc nuôi cà cuống khá cao. Giá bán 50.000 đồng/con đực sống, trung bình khoảng 80-100 con/kg. Như vậy, ước tính mỗi kg cà cuống sẽ có giá lên tới 5 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí, thu lãi khoảng 50 triệu đồng/tháng, mỗi năm hơn nửa tỉ đồng.
Dù mức giá không hề rẻ nhưng cà cuống tại đây vẫn luôn trong tình trạng cháy hàng, không đủ để cung cấp cho khách. “Cà cuống tại đây bán rất chạy vì ít người kinh doanh loại côn trùng này, nhiều khách muốn mua số lượng lớn phải đặt trước từ khi cà cuống còn nhỏ”, anh Hoàng Anh chia sẻ.
Anh Hoàng Anh cho biết thêm: “Lúc mới bắt đầu khởi nghiệp, gia đình ngăn cản cộng với thất bại nhiều lần trong quá trình nuôi và nhân giống. Nguyên do chủ yếu là thiếu hiểu biết và kinh nghiệm về cà cuống. Phải mất gần 2 năm tìm hiểu, tôi mới nhân giống thành công và phân phối ra thị trường được hơn một năm nay”.
Hiện anh Hoàng Anh đang thuê một khu đất ở Đông Anh để nuôi cà cuống. Bể nuôi cà cuống của anh rộng hơn 60m2, mỗi 1m2 anh thả từ 70 đến 80 con. Ở các bể phải có các búi nilong để làm bè trú ẩn cho cà cuống, hạn chế cắn nhau. Bên trên có nắp bể bằng lưới để chúng không bay ra ngoài.
Chia sẻ về quá trình nuôi loại côn trùng đặc biệt này, Hoàng Anh cho hay: “Thức ăn của cà cuống chủ yếu là các loại cá nhỏ, ếch, nhái... phải chú ý cung cấp đủ nguồn thức ăn, nếu không cà cuống sẽ cắn nhau. Hơn nữa, lúc nào cũng phải đảm bảo nguồn nước nuôi đủ sạch, phải thay nước và dọn bể thường xuyên”.
Được biết, loài cà cuống là thuộc giống côn trùng sinh sản tốt, đẻ quanh năm lại nhanh lớn. Thông thường, mỗi lần đẻ chỉ cách nhau từ 1 - 1,5 tháng/lứa, mỗi ổ cà cuống sẽ có khoảng 100 trứng. Sau 5 - 7 ngày trứng nở thành ấu trùng. Sau 5 lần lột xác, cà cuống sẽ trưởng thành. Từ khi nở đến lúc xuất bán thương phẩm khoảng 45 ngày, còn nuôi để sinh sản thì khoảng 75 ngày.
“Cà cuống sau khi đẻ xong sẽ bám vào cây thủy sinh trong bể, sau đó, con đực sẽ đến quạt khí cho trứng nở. Lúc này, những con cái khác cũng sẽ tìm đến để ghép đôi, con cái sẽ tìm cách phá hủy trứng của con khác để thay thế bằng trứng của mình. Vì thế, tôi phải canh để tách những con cái chưa đẻ ra một bể khác”, anh Hoàng Anh nói.
Nhận thấy nhu cầu của thị trường về nước mắm cà cuống, anh Hoàng Anh cũng đã bắt tay vào sản xuất, chế biến nước mắm nhằm đa dạng hóa các sản phẩm từ cà cuống. Từ đó, tăng giá trị của loài côn trùng đặc biệt này.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngoại hình không xấu, không có độc, nhưng tên gọi của loại cá này khiến nhiều người ngạc nhiên.