Hoa hồng thấp, lo ngại tái diễn cảnh cây xăng đóng cửa

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Nếu cơ quan chức năng không vào cuộc quyết liệt để giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến chiết khấu thấp thì tình trạng cây xăng đóng cửa có thể tái diễn.

Những ngày gần đây, nhiều nhà bán lẻ xăng dầu cho biết mức chiết khấu (hoa hồng) của xăng giảm xuống mức quá thấp khiến họ không đủ để trang trải các chi phí kinh doanh, dẫn đến thua lỗ. Cạnh đó, cục bộ tại một số cửa hàng chỉ nhập được một lượng xăng hạn chế để bán.

Tình trạng chiết khấu xăng dầu thấp khiến nhiều doanh nghiệp xăng dầu đứng ngồi không yên. Ảnh minh họa: PHI HÙNG

Tình trạng chiết khấu xăng dầu thấp khiến nhiều doanh nghiệp xăng dầu đứng ngồi không yên. Ảnh minh họa: PHI HÙNG

Chiết khấu xăng giảm sâu, có nơi 0 đồng

Tình trạng chiết khấu xăng dầu thấp lại tiếp tục tái diễn khiến nhiều doanh nghiệp (DN) xăng dầu đứng ngồi không yên. Cụ thể, vào đầu tháng 10, giá xăng dầu đều được chiết khấu ở mức từ 1.500 đồng/lít đến hơn 2.000 đồng/lít.

Thế nhưng sau kỳ điều hành giá ngày 11-10 vừa qua, chiết khấu xăng đột ngột giảm xuống chỉ còn dưới 500 đồng/lít, có thời điểm còn 100 đồng/lít, thậm chí có nơi 0 đồng. Trong kỳ điều hành giá ngày 23-10 vừa qua, giá xăng đã tăng trở lại nhưng chiết khấu vẫn chỉ quanh mức 200-300 đồng/lít.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty Xăng dầu Hải Âu Phát, khẳng định ngày 25-10, kho Nhà Bè (TP.HCM) không bán hàng ra nên không có chiết khấu. Còn các kho tư nhân khác chiết khấu rất thấp, chỉ dao động quanh mức 220-350 đồng/lít xăng; một số kho nhỏ chiết khấu còn thấp hơn, chỉ 70-150 đồng/lít.

Các doanh nghiệp đề nghị cần quy định rõ mức chiết khấu trong công thức giá cơ sở xăng dầu.

Giám đốc một công ty bán lẻ xăng dầu ở miền Bắc cũng cho hay không riêng gì TP.HCM, mà thời điểm này chiết khấu xăng ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều chỉ quanh mức 300-400 đồng/lít. Với mức chiết khấu giảm thấp như vậy thì các DN không đủ để trang trải chi phí kinh doanh, dẫn đến thua lỗ.

Ngược với xăng, mức chiết khấu của dầu lại rất cao, dao động ở mức trên 1.000 đồng/lít. Ngày 24-10, tại kho Nhà Bè, Phúc Lâm Petro thông báo mức chiết khấu với dầu là 1.350 đồng/lít, Petro Times 1.320 đồng/lít… Chiết khấu dầu ở khu vực miền Bắc cũng tương tự như vậy.

Một số công ty đầu mối, phân phối viện lý do chiết khấu dầu cao sẽ bù lại cho chiết khấu xăng thấp. Thế nhưng câu chuyện không đơn giản như vậy. Bởi lượng xăng dầu bán ra mỗi thời điểm không giống nhau, như mùa nắng thì lượng dầu bán ra nhiều hơn lượng xăng, còn mùa mưa hiện nay nhu cầu dầu không cao nên lượng xăng bán ra lại nhiều hơn so với dầu.

“Ví dụ hiện giờ lượng xăng bán ra được 10 m3 thì dầu chỉ được 2-3 m3. Cho nên dù chiết khấu dầu có cao hơn nữa cũng không bù đắp được chiết khấu xăng quá thấp” - một DN sở hữu nhiều cây xăng tại phía Nam khẳng định.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá đầu tháng 10 mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp để bảo đảm nguồn cung cho hệ thống phân phối của cả nước; sẵn sàng các biện pháp xử lý kịp thời về giá khi thị trường có biến động.

Muốn nhập xăng để bán cũng khó

Ông Văn Công Thật, Giám đốc Công ty Xăng dầu KNJ Kim Ngọc (TP.HCM), cho hay khoảng một tuần nay công ty gặp nhiều khó khăn khi nhập xăng về bán, nếu nhập được thì lượng hàng chỉ bằng một nửa so với trước.

“Phía nhà cung cấp nói hàng đang khan hiếm, không đủ, dầu thì có nhưng xăng thì không. Tôi phải nói rất nhiều với họ rằng xăng không đủ bán, khi bán hết rồi mà không nhập được nữa, cơ quan chức năng kiểm tra lại nói tôi găm hàng thì ai chịu trách nhiệm. Lúc đó, bên nhà cung cấp mới cấp lại hàng nhưng cấp theo kiểu nhỏ giọt, lượng hàng chưa bằng một nửa so với thông thường” - ông Thật chia sẻ.

Một nhà bán lẻ xăng dầu ở Lâm Đồng cho rằng lý do một số nhà cung cấp không có hàng có thể là do hiệu ứng từ dự thảo sửa đổi Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu đang đề xuất giảm thời gian điều hành giá từ 10 ngày xuống còn bảy ngày và có thể sắp được ban hành trong thời gian ngắn tới đây.

“Theo thông tin tôi được biết thì một số đơn vị đầu mối nhập khẩu lớn đã yêu cầu giảm lượng nhập khẩu cho phù hợp với chu kỳ bảy ngày đó, nên lượng hàng hiện có của những đầu mối này sẽ giữ lại để phân phối cho hệ thống của họ chứ không bán ra bên ngoài hệ thống. Nếu các đầu mối không nhập theo đúng sản lượng mà Bộ Công Thương chỉ đạo thì đứt gãy nguồn cung sẽ xảy ra, dẫn đến tình trạng cây xăng đóng cửa tái diễn” - vị này lo ngại.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Chủ tịch Chi hội Xăng dầu thuộc Hiệp hội DN nhỏ và vừa, lại cho rằng nguồn cung không đến mức khan hiếm đến nỗi không có hàng như thời điểm năm 2022. Nguyên nhân có thể là do chiết khấu thấp nên các đơn vị đang chờ ngày điều hành giá để có chiết khấu cao hơn.

“Ví dụ như hôm nay giá xuống, chiết khấu thấp, nguồn cung không có. Thế nhưng ngày mai giá tăng, chiết khấu tăng thì chẳng thấy khan hàng gì cả. Những cửa hàng nhượng quyền thương mại của các DN đầu mối vẫn đảm bảo nguồn cung, không thiếu hàng, chỉ có các DN trung gian, lấy qua nhiều nguồn thì mới thiếu” - bà Hường nói.

Thực tế chiết khấu vẫn là vấn đề nan giải mà thời gian qua các nhà bán lẻ xăng dầu đã nhiều lần làm đơn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Theo đó, các DN đề nghị cần quy định rõ mức chiết khấu trong công thức giá cơ sở xăng dầu. Thế nhưng trong dự thảo sửa đổi nghị định xăng dầu mới nhất, đề xuất này vẫn không được chấp thuận.•

Tranh cãi về quy định chiết khấu

Trong dự thảo mới nhất sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương vẫn cho rằng không cần phải quy định mức chiết khấu cụ thể tại công thức tính giá cơ sở xăng dầu.

Bộ Công Thương giải thích rằng Thông tư 104/2021 của Bộ Tài chính quy định về vấn đề này. Đồng thời, mức chiết khấu cho đầy đủ các đối tượng có liên quan khi tham gia vào chuỗi cung ứng xăng dầu đã được tính trong chi phí kinh doanh xăng dầu định mức. Mặt khác, mức chiết khấu do các DN tự thỏa thuận.

Ngược lại, nhiều nhà bán lẻ xăng dầu cho rằng Thông tư 104/2021 của Bộ Tài chính có hướng dẫn chi tiết các cấu kiện cấu thành giá cơ sở nhưng không công khai rõ ràng tỉ lệ. Vì thế mới có tình trạng DN bán lẻ bị cắt chiết khấu, áp chiết khấu 0 đồng kéo dài.

Từ lập luận trên, các nhà bán lẻ xăng dầu đề nghị nghị định mới thay thế Nghị định 95 và Nghị định 83 cần công khai tỉ lệ các khâu được nhận trong chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức mà Thông tư 104 của Bộ Tài chính đã quy định. Nếu vẫn để cho các khâu tự thỏa thuận như lâu nay dẫn đến chính sách xăng dầu chỉ có lợi cho một phía là các DN đầu mối.

Nguồn: [Link nguồn]

2 thứ “lộc trời“ mọc ở trên đá, nhiều người không biết tên, đến mùa dân kiếm tiền triệu

2 loại đặc sản này có tên vô cùng lạ, chắc chắn nhiều người chưa từng được thưởng thức.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo AN HIỀN ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN