Giá cả tăng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Giá cả nhiều mặt hàng và dịch vụ tăng theo giá xăng dầu đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân

Sau thời gian nỗ lực kìm giữ giá, đầu tuần này, Gojek - hãng gọi xe, giao hàng - đã chính thức áp dụng mức giá cước mới đối với các dịch vụ GoRide (vận chuyển hành khách bằng xe 2 bánh) và GoFood (giao đồ ăn). Mức tăng là từ vài trăm đồng cho đến vài ngàn đồng cho mỗi km, tùy theo dịch vụ.

Cước tăng vẫn lỗ

Trước đó, từ ngày 10-3, Grab cũng đã điều chỉnh giá cước hầu hết các loại dịch vụ của hãng này, với mức tăng 1.500-2.500 đồng, tùy dịch vụ. Lý do được hãng này đưa ra là để thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng, bù đắp một phần chi phí vận hành của đối tác tài xế để họ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, đồng thời khuyến khích đối tác hoạt động tích cực và phục vụ người dùng tốt hơn.

Đại diện hãng taxi Vinasun cho biết do giá xăng dầu tăng quá cao, buộc doanh nghiệp (DN) phải tính toán đến cước vận tải. Theo đó, ngày 11-3, Vinasun đã có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải TP HCM xin được điều chỉnh cước taxi vì giá xăng dầu từ đầu năm đến nay đã tăng đến 22%.

"Theo quy định, giá xăng dầu tăng 10% thì các hãng taxi được kiến nghị điều chỉnh giá cước tăng 30% mức tăng của giá xăng dầu. Như vậy, với mức của giá xăng như trên, cước taxi có thể tăng 1.100-1.200 đồng/km" - đại diện Vinasun cho hay.

Nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá, ảnh hưởng đến đời sống người dân Ảnh: TẤN THẠNH

Nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá, ảnh hưởng đến đời sống người dân Ảnh: TẤN THẠNH

Giá cước tăng có thể giúp các DN và tài xế đỡ được phần nào chi phí xăng dầu nhưng lại khiến người tiêu dùng cân nhắc hơn khi sử dụng dịch vụ. Ông Bùi Quang Sơn, chạy dịch vụ giao thức ăn ở TP Thủ Đức, cho biết từ khi giá cước tăng, đơn hàng giảm rõ rệt. Trước đây, mỗi ngày ông chạy "tà tà" cũng có hơn 20 đơn hàng thì nay giảm gần phân nửa. Ông Lê Quang Lộc (ngụ quận 6, TP HCM), chạy xe dịch vụ GrabCar, cũng than phiền trước đây mỗi ngày ông chạy được 700.000-800.000 đồng thì nay chỉ còn khoảng 500.000 đồng vì lượng khách giảm rõ rệt.

Theo ông Huỳnh Quốc Toàn, chạy GrabCar tại TP HCM, dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, số lượng F0 tăng cao nên nhiều người ngại đi xe. Nay thêm giá cước tăng cao càng làm tình trạng ế khách thêm trầm trọng. "Càng chạy càng lỗ nên tôi tạm thời tắt app, ở nhà phụ vợ buôn bán. Khi nào giá cả ổn định sẽ quay trở lại" - ông Toàn nói.

Giới tài xế chạy xe công nghệ cho rằng trong bối cảnh hiện nay, nếu các hãng hỗ trợ giảm chiết khấu sẽ giúp họ có động lực để tiếp tục chạy. Bởi lẽ, với mức chiết khấu của các hãng hiện nay lên tới từ 22% đến gần 30%, tài xế chạy cật lực từ sáng đến tối, sau khi trừ chiết khấu, chi phí xăng xe, cơm nước mỗi ngày thì thu nhập chẳng còn được bao nhiêu, thậm chí lỗ nếu ngày nào ít khách.

Nhiều người gặp khó khăn

Trong bối cảnh giá cả hàng hóa, dịch vụ đều tăng theo giá xăng, người tiêu dùng chỉ còn cách thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, điều này lại ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế đang hồi phục sau đại dịch.

Chị Nguyễn Thị Hồng - ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM; làm việc tại quận 3 - cho biết gần đây, chị không còn di chuyển bằng xe ôm công nghệ nữa mà kết hợp thêm cả xe máy, xe buýt để tiết kiệm. "Cùng một quãng đường, trước đi 30.000 đồng thì nay lên 40.000 đồng. Vậy nên nhiều hôm không phải chạy ra đường nhiều, tôi đi xe buýt cho rẻ vì vé chỉ 6.000 đồng/lượt, lại tranh thủ đi bộ tập thể dục, chỉ cần dậy sớm sẽ không trễ giờ" - chị Hồng cho hay.

Trong khi đó, chị Trần Ngọc Khương (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) kể vừa rồi, trên đường đi làm, thấy có một điểm treo bảng "thanh long 0 đồng" gần cầu Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh), chị không còn ngại ngùng như trước mà ghé vào nhặt lấy 5 quả.

"Bây giờ, những món ăn sáng như bún bò, phở, hủ tiếu thấp nhất cũng 35.000-40.000 đồng/tô, còn 20.000 đồng thì chỉ mua được xôi, bánh mì, nên nay có người hảo tâm tặng quà thì mình nhận, cũng là cách tiết kiệm khi vật giá tăng. Tôi vừa ghé tiệm tạp hóa gần nhà để mua mì gói định ăn sáng tại nhà cho tiết kiệm thì cũng được báo giá tăng, mì tăng 3.500 đồng lên 4.000 đồng mỗi gói" - chị Khương kể.

Không chỉ người tiêu dùng mà cả những người làm ăn, kinh doanh cũng gặp khó khăn. Bà Ma Thị Mỹ Hương, chủ điểm bán bánh mì paté - hương vị Pleiku trên đường Hoa Lan (quận Phú Nhuận), than chi phí đầu vào tăng liên tục.

"Giá tăng từ cái tăm xỉa răng đến túi ni-lông, dầu ăn..., mỗi lần một ít. Bánh mì không 1.700 đồng nay lên 1.800 đồng, dầu ăn mua sỉ tại công ty loại 5 lít từ 195.000 đồng cuối năm 2021 lên 208.000 đồng hồi đầu năm 2022, giờ lại lên tiếp thành 216.000 đồng. Mình kinh doanh mua được giá sỉ còn đỡ, chứ người nội trợ mua lẻ giá dầu ăn còn cao hơn nhiều" - bà Hương thở dài.

Tuy nhiên, bà Hương không có ý định tăng giá bán bánh mì mà vẫn giữ nguyên 20.000 đồng/ổ vì so với hồi trước dịch, lượng hàng bán ra mỗi ngày chỉ còn khoảng 70%. Ngoài ra, hiện nay các điểm bán bánh mì vỉa hè mọc lên rất nhiều, nếu tăng giá sẽ mất khách, "lợi bất cập hại".

Tại hệ thống cửa hàng Organic food, hiện nay chỉ có nhà cung cấp trái cây báo giá tăng 3%-5% do tác động của chi phí vận chuyển, còn lại vẫn ổn định. Theo anh Nguyễn Tấn Hòa, phụ trách marketing Organic food, các nhà cung cấp vẫn còn lượng hàng tồn giá cũ nên chưa báo giá mới. Với đặc điểm hơn 80% đơn hàng từ kênh online, chỉ 20% khách mua trực tiếp, anh Hòa cho hay hệ thống đang phải trả chi phí cao hơn cho khâu ship hàng.

"Chúng tôi không cộng phí ship vào giá mà vẫn giữ chính sách miễn phí vận chuyển như trước và xem đây là cơ hội để thu hút khách, đẩy mạnh thương hiệu, tăng doanh số" - anh Hòa nói.

Chương trình bình ổn giá phát huy hiệu quả

Trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường tăng vọt, đại diện Sở Công Thương TP HCM cho hay chương trình bình ổn thị trường của thành phố vẫn đang phát huy hiệu quả. Các doanh nghiệp tham gia chương trình vẫn bảo đảm cung ứng hàng hóa trên thị trường mà không phải bị áp lực về giá.

Một số mặt hàng là lương thực thực phẩm và những hàng hóa thiết yếu thuộc chương trình bình ổn đang duy trì mức giá ổn định, thấp hơn so với mặt bằng chung của thị trường.

Về đề xuất tăng giá của các nhà cung ứng, Sở Công Thương cho biết các hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi...) vẫn đang trong quá trình xem xét điều chỉnh. Các hệ thống này đang rà soát, kiểm tra, tính toán các yếu tố đầu vào căn cứ trên những đề xuất hợp lý mới thực hiện việc điều chỉnh.

Theo Sở Công Thương, đơn vị đang phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND TP HCM phương hướng hỗ trợ doanh nghiệp nhằm góp phần bình ổn phí đầu vào, giúp họ an tâm sản xuất, bình ổn giá cả hàng hóa thiết yếu.

Nguồn: [Link nguồn]

Hà Nội: Cảnh tượng hàng quán không bóng người dù được mở cửa giữa mùa dịch

Sau chuỗi ngày số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội tăng kỷ lục, nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống ảm đạm, các trung tâm thương mại khách đến thưa thớt dù được mở cửa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hải - Ngọc Ánh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN