Điện ảnh TQ "giết hàng triệu lính Nhật" mỗi năm

Sự kiện: Sao Hoa ngữ

Những “tên lính Nhật” vẫn hàng ngày chạy điên cuồng trên màn ảnh Trung Quốc. Đã có nhiều thay đổi về chất lượng âm thanh, hình ảnh và kỹ xảo, nhưng đề tài của những bộ phim chống Nhật thì vẫn y nguyên.

Nói về những bộ phim Trung Quốc bài Nhật, Murong Xuecun Zhu, một tác giả kiêm blogger Trung Quốc đã có một bài viết sâu sắc và chí lý. Bài viết dưới đây được trang New York Times dịch đăng từ nguyên gốc tiếng Trung.

Đôi mắt của Thiết chưởng Du Dapeng rừng rực ngọn lửa căm thù. Tay võ sư tung ra hàng loạt cú đấm vào một người lính Nhật và sau đó, bằng sức mạnh “siêu nhiên” của mình, Du Dapeng xé tên lính ra làm hai mảnh. Máu vung vãi lên không nhưng tuyệt nhiên không hạt nào kịp rơi xuống đất đã tan đi vì sức mạnh của công phu”.

Đây là một trong rất nhiều những cảnh bảo lực trong seri phim truyền hình “Đại hiệp chống Nhật”, một trong các phim hành động về đề tài chiến tranh Nhật - Trung những năm 1930.

Điện ảnh TQ "giết hàng triệu lính Nhật" mỗi năm - 1

Chiến tranh chống Nhật - đề tài chưa bao giờ cũ trên màn ảnh Trung Quốc

Giống như nhiều bộ phim truyền hình Trung Quốc khác, “Đại hiệp chống Nhật” đề cao lòng yêu nước và ca ngợi Đảng Cộng sản Trung Quốc vì công cuộc kháng Nhật trong khi lại cố tình “làm lơ” vai trò của Quốc dân Đảng trong giai đoạn này.

Mọi cảnh bạo lực trong phim đều được gửi theo một thông điệp rõ ràng: hành động giết người có thể chấp nhận được, chỉ cần kẻ bị giết đó là “quỷ Nhật Bản”.

Tôi nghi ngờ rằng có nhiều người Trung Quốc sẽ coi bộ phim “Đại hiệp chống Nhật” và những bộ phim tương tự là những thước phim “mô tả chân thực” lịch sử của họ như chính bản thân tôi đã từng tin khi xem hai bộ phim “Đường hầm chiến tranh” và “Bom mìn chiến tranh” của Trung Quốc hồi những năm 1960.

Lúc đó, tôi đã nghĩ rằng Trung Quốc chiến thắng trong cuộc chiến tranh với Nhật lần thứ II nhờ vào việc đào hầm và đặt mìn ở trong làng.

Trước khi sóng truyền hình lan tỏa đến những vùng quê, nhiều đội chiếu bóng lưu động đã mang máy chiếu đi tổ chức những “rạp chiếu di động” ngoài trời. Những năm 1970, khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi thường háo hức đi xem mỗi lần có đội chiếu bóng về làng.

Điện ảnh TQ "giết hàng triệu lính Nhật" mỗi năm - 2

Theo thống kê, mỗi năm có hàng triệu lính Nhật "chết thảm" trên màn ảnh Trung Quốc

Các bộ phim được chiếu bao giờ cũng là những phim tuyên truyền cho cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, và tôi đã xem hai bộ phim kể trên không dưới mười lần trong suốt tuổi thơ ấu của mình.

Ngày nay, khi tôi tiếp xúc với truyền hình, tôi đã để ý thấy rất nhiều điều thay đổi. Cuộc chiến tranh Trung – Nhật lần thứ II đã kết thúc năm 1945 nhưng người Trung Quốc vẫn bị nó ám ảnh mạnh mẽ.

Những “tên lính Nhật – kẻ thù không đội trời chung” vẫn hàng ngày chạy điên cuồng trên màn ảnh Trung Quốc. Đã có nhiều thay đổi về chất lượng âm thanh, hình ảnh và kỹ xảo, nhưng đề tài của những bộ phim chống Nhật của Trung Quốc thì vẫn y nguyên.

Nhà nước Trung Quốc đã có những điều luật nghiêm ngặt cấm các nội dung “xúi giục hận thù dân tộc”, nhưng theo tờ Southern Weekly, chỉ trong năm 2012, hơn 70 bộ phim chống Nhật đã được trình chiếu trên các kênh truyền hình Trung Quốc.

Ảnh hưởng của những bộ phim này lên người Trung Quốc đến đâu? Tháng 7/2013, theo Trung Tâm nghiên cứu Xã hội PEW (Mỹ), 90% người Trung Quốc có cái nhìn không thiện cảm đối với Nhật. Thêm vào đó, “lòng thù hận” của người Trung Quốc đối với người Nhật đang tăng lên, cũng theo PEW, tỷ lệ phần trăm thiện cảm của người dân nước này đối với Nhật đã giảm 17% so với số liệu năm 2006.

Không chỉ trên phim ảnh, lòng hận thù người Nhật của Trung Quốc đang chảy tràn trên khắp các phương tiện truyền thông xã hội. Nhiều website thông dụng đối với những người trẻ Trung Quốc như Tiexue hay April Media chạy những dòng khẩu hiệu rất hiếu chiến và bạo lực như “tiêu diệt những con chó Nhật Bản” hay “hủy diệt người Nhật”.

Điện ảnh TQ "giết hàng triệu lính Nhật" mỗi năm - 3

Một băng rôn với nội dung cấm người Nhật ở Liang, Trung Quốc

Và trên hành động thực tế, Trung Quốc đang lún dần trong vũng bùn thù hận của chính mình, cố ngoi lên bằng cách xây dựng lực lượng quân sự hùng hậu.

Bắc Kinh đã chi 148 triệu USD cho quân sự năm nay, liên tục tăng so với những năm trước. Bắc Kinh cũng đã đưa vào hoạt động tàu sân bay đầu tiên trong năm 2012 và liên tục xây dưng các hạm đội tàu ngầm với mong muốn đối chọi được với các hạm đội của Mỹ - Nhật.

Một bộ phim tài liệu cứng rắn với đề tài chống phương Tây cũng được Quân giải phóng Trung Quốc sản xuất hồi năm 2013 với tên gọi “Cuộc đua im lặng”, thể hiện rõ tinh thần “hiếu chiến” của quân đội Trung Quốc.

Bộ phim “Cuộc đua thầm lặng” đã mô tả, Mỹ là kẻ đang cố hành động để “phá hoại chính phủ Trung Quốc”. Nó nghiêm trọng đến nỗi bất cứ ai xem phim này cũng đều cho rằng việc Trung Quốc mở rộng quy mô quân đội là điều cần thiết.

"Trong khi đó, Bắc Kinh liên tục chỉ trích Tokyo đi theo “chủ nghĩa quân phiệt”. Nhưng tôi không hiểu những nhà lãnh đạo Trung Quốc nghĩ gì khi họ xúi bẩy lòng thù hận đối với các hàng xóm của mình?", tác giả Murong Xuecun Zhu đặt câu hỏi.

Thế giới giới phải chống lại chủ nghĩa quân phiệt bất cứ khi nào nó manh nha lớn mạnh nhưng chính Trung Quốc cũng cần phải xem lại chính sách tuyên truyền của mình và cân nhắc những hậu quả của tư tưởng “bài Nhật” của người Trung Quốc.

Điện ảnh TQ "giết hàng triệu lính Nhật" mỗi năm - 4

Lòng thù hận đã che mờ lý trí người Trung Quốc trong các cuộc biểu tình chống Nhật hồi năm 2012

Giờ đây, tranh chấp Shensaku/ Điếu Ngư giữa Nhật và Trung Quốc đang gia tăng, năm 2012 tranh chấp này đã thổi bùng lên những ngọn lửa thù hận với Nhật trong lòng ngườ Trung Quốc, biến nó thành những cuộc bạo loạn.

Cai Yang, một công nhân xây dựng 21 tuổi ở Tây An đã đập vỡ hộp sọ của Li Jianli chỉ vì ông ta ngồi trong một chiếc xe ô tô Nhật Bản.

Mẹ của Cai Yang sau đó giải thích rằng, lòng yêu nước chính là nguồn gốc cơn thịnh nộ của con trai bà. Đã đến lúc, lãnh đạo Trung Quốc phải lắng nghe câu hỏi của bà mẹ khốn khổ:

Khi chúng tôi mở TV lên, hầu hết các bộ phim đều nói về lòng căm thù người Nhật trong chiến tranh. Thử hỏi, làm sao chúng tôi có thể không ghét Nhật?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Hương (Infonet)
Sao Hoa ngữ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN