"007: Spectre" có đủ đặc sản nhưng vẫn thấy "thòm thèm"

Sự kiện: Phim chiếu rạp

Tác phẩm mới về James Bond không có nhiều sáng tạo gây choáng ngợp.

Ba năm sau thành công rực sỡ của Skyfall, đạo diễn Sam Mendes cùng diễn viên gạo cội Daniel Criag trong vai điệp viên James Bond lại tái ngộ khán giả trong siêu phẩm mới: Spectre. Cuộc chiến của 007 lần này không chỉ gian nan, khó khăn hơn mà còn chất chứa nhiều thi vị và những khoảnh khắc lãng mạn của tình yêu hơn nhiều tập trước.

"007: Spectre" có đủ đặc sản nhưng vẫn thấy "thòm thèm" - 1

Poster phim 007:Spectre

Cuộc rượt đuổi dồn dập và những màn đấu trí “điên não”

Ngay từ những cảnh quay đầu tiên, đạo diễn Sam Mendes đã khiến người xem phải "sững người" với một cú quay long take (cú máy dài) kéo dài gần 3 phút, trong đó, James Bond đang đứng giữa một lễ hội tại Mexico City và chuẩn bị ám sát một thành viên trong băng đảng của tổ chức Spectre. Sau khi bắn hụt tên trùm, James Bond lại tiếp tục dấn thân vào một cuộc rượt đuổi căng thẳng trên đường và một màn đấu vật “có một không hai” trên chiếc trực thăng đang đảo lộn giữa bầu trời. 

Tất cả mọi diễn biến xảy ra một cách dồn dập, ngẫu nhiên nhưng cũng đầy toan tính khiến khán giả như lạc vào một “mê cung” cảm xúc khác nhau. Khi phân đoạn mở đầu này kết thúc, cả khán phòng gần như đều thở phào an tâm vì thấy số phận của James Bond đã an toàn.

Tuy nhiên, đó chỉ là 15 phút “khai vị”. Sau màn mở đầu được xây dựng đặc sắc với kỹ thuật đồ họa kết hợp hình ảnh thực đầy ma mị và quyến rũ, James Bond trở lại trên màn ảnh với hình ảnh một điệp viên lý trí, khôn ngoan và điềm tĩnh hơn.

Dù vẫn giữ được phong thái độc lập và kiểu hành xử có phần hơi “ngông” đúng kiểu 007 từ trước đến nay nhưng hình ảnh chàng James Bond trong phần phim này được xây dựng cởi mở hơn và thậm chí hài hước hơn nhiều so với các phần trước. Chàng điệp viên cũng biết đùa giỡn với con mồi, lả lơi với cộng sự và cùng chia sẻ những cảm xúc thiên về nội tâm với những người bạn đồng hành của mình trên đường đi.

"007: Spectre" có đủ đặc sản nhưng vẫn thấy "thòm thèm" - 2

007:Spectre với nhiều pha hành động chân thực, đẹp mắt khiến người xem khó rời mắt.

Mối quan hệ giữa James Bond với M, với Q, với Moneypenny, Lucia hay Sawnn đều được khai thác rất triệt để và sâu sắc. Khi kết thúcphim, chiến công của Bond đồng thời cũng là công lao của cả một đội ngũ những con người mạo hiểm, đặt trọn niềm tin vào 007.

Cái tứ của việc xây dựng tình huống và cốt truyện này dù hơi cũ nhưng nó quán triệt tinh thần “anh hùng” trong loạt phim James Bond từ trước đến nay: một người hùng đấu tranh bằng công lý, sức mạnh kết hợp với trí thông minh cùng sự góp sức của bạn bè.

Spectre là bộ phim có cấu trúc khá truyền thống với phần mở đầu, nút thắt, gỡ nút, nút thắt, cao trào, kết phim đi theo quy luật quen thuộc. Đạo diễn Sam Mendes đã thành công khi tạo nên được một bộ phim ma mị, bí ẩn, đầy những bất ngờ nhưng không quá rối rắm hay phức tạp. Nó đủ lạ để thu hút giới phê bình và đủ đơn giản để làm hài lòng khán giả đại chúng.

Nhạc phim "cực chất" và mối quan hệ "thăng hoa" của 007 và Bond girl

Bên cạnh kịch bản thú vị và diễn xuất không cần bàn cãi của Daniel Craig, Christoph Waltz (vai Oberhauser), Léa Seydoux (vai Sawnn), Ralph Fiennes (vai M)… thì âm nhạc và chất hành động là hai điểm cộng đáng chú ý khác của Spectre.

Trong siêu phẩm lần này, đạo diễn Sam Mendes tiếp tục hợp tác với nhà soạn nhạc lừng danh để mang đến phần nhạc phim vô cùng đặc sắc. Ngoài việc dồn nén cảm xúc người xem ở những trường đoạn hành động thót tim, chất nhạc trong Spectre cũng làm cho cuộc tình thú vị của James Bond và nàng Swann trở nên bay bổng và lãng mạn hơn.

Mối quan hệ giữa chàng điệp viên và nàng bác sĩ tâm lý dù có phần hơi lệch tuổi và vội vã nhưng lại rất hòa quyện về mặt cảm xúc. Nếu như ở những phút ban đầu, khán giả thấy Swann hoàn toàn lạnh lùng, vô cảm thì chỉ cần sau vài giờ sánh bước bên điệp viên 007, cô đã ngay lập tức trở thành một nàng Bond Girl chính hiệu với đầy đủ những tuyệt kỹ, chiêu trò ấn tượng.

Nữ diễn viên Léa Seydoux xứng đáng là “nữ thần” của tập phim này, bất chấp việc Spectre còn có sự tham gia của một người đẹp gạo cội khác là Monica Bellucci (vai của Monica Bellucci chỉ là vai khách mời với đôi ba phân cảnh).

Dù đôi khi tác phẩm có sa đà vào một chút… sến nhưng nhìn chung đó là điều cần thiết, bởi nó góp phần làm mềm tuyến truyện của bộ phim, giúp khán giả đỡ căng thẳng và thấy yêu hơn hình tượng chàng điệp viên James Bond.

"007: Spectre" có đủ đặc sản nhưng vẫn thấy "thòm thèm" - 3

Khung cảnh đẹp, trang phục "cực chất" cùng nhạc phim hay góp phần làm nên thành công cho "007:Spectre"

Về mặt hành động, ngoại trừ phần đoạn đánh nhau trên máy bay được cắt dựng hơi nhanh tạo cảm giác giả thì toàn bộ những phân cảnh đối đầu sau đó giữa James Bond và kẻ thù đều chân thực đến không ngờ.

Ấn tượng nhất có thể kể đến chính là trường đoạn đấu tay đôi và bắn súng trên tàu lửa khi James Bond suýt mất mạng vào tay một trong những sát thủ hùng mạnh nhất của tổ chức Spectre. Hay khi James Bond tìm cách cứu nàng Swann ra khỏi ngôi nhà hoang trước khi nó đổ sụp cũng là một phân cảnh hành động khá hay, đáng chú ý.

Nhìn chung, Spectre dù không phải là một bộ phim quá đậm tính nghệ thuật để hướng tới Oscar nhưng nó là một tác phẩm giải trí rất đúng nghĩa và phù hợp với nhiều khán giả. Việc tác phẩm thành công cả về mặt doanh thu lẫn phê bình cũng không phải là điều gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, đi theo mô tuýp kinh điển của loạt phim về điệp viên nổi tiếng đến từ Anh, tác phẩm mới về James Bond không có nhiều sáng tạo gây choáng ngợp.  Xem trọn Spectre, fan trung thành của điệp viên 007 sẽ có cảm giác chưa “đã đời”, hoặc vẫn thấy “thòm thèm” muốn được thấy nhiều hơn những gì đạo diễn mang tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lukas Nguyễn ([Tên nguồn])
Phim chiếu rạp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN