"Lọ mọ" như phim Việt

Khan hiếm kịch bản hay, phim Việt đi tìm nguồn nước ngoài bằng cách Việt hóa các kịch bản ăn khách. Tuy nhiên, nhiều bộ phim vẫn đi vào ngõ cụt. Tình trạng đó dẫn đến việc loay hoay trong những mô tuýp quen thuộc, thiếu sự sáng tạo cả về nội dung lẫn cấu trúc kịch bản mới.

Chỉ nổi lên được vài bộ phim hợp thời sự, chưa có những kịch bản mở đường cho một dòng phim mới, phim Việt lại tiếp tục cho thấy nhược điểm lớn nhất vẫn là không có một kịch bản hay, lôi cuốn và mới mẻ. Nhiều bộ phim cả màn ảnh rộng và truyền hình thời gian gần đây đều lấy nội dung, mô tuýp câu chuyện quá quen thuộc.

"Lọ mọ" như phim Việt - 1

Hit: Hoàng tử và lọ lem nhận nhiều phản hồi tiêu cực về chuyện kịch bản

Phim Hit: Hoàng tử  và Lọ lem của đạo diễn Ngô Quang Hải bị cho là hời hợt khi kịch bản không có gì mới dù xu hướng làm phim phi tuyến tính, đặc biệt dành cho giới trẻ đang rất phổ biến trên thế giới. Tình yêu tuổi trẻ mơ mộng, cùng với những giấc mơ thành công... đã từng được thực hiện trước đây trong các phim như Giải cứu thần chết, Công chúa teen và Ngũ hổ tướng... Đặc biệt với kiểu phim thần tượng nay, cả điện ảnh và truyền hình, thì Đài Loan và Hàn Quốc là hai nước đã rất thành công. Đến nay, loại phim này không còn là trọng tâm của họ trong khi phim Việt vẫn đang "lọ mọ" làm nhưng lại kém hấp dẫn.

Tương nhự, Biết chết liền của đạo diễn Bảo Trung cũng không khá hơn mấy khi kịch bản không có gì nổi bật. Nói là phim kinh dị, nhưng yếu tố ma quái lồng ghép gượng gạo, cốt truyện giản đơn tới mức không đọng lại cho người xem một điều gì. Cũng thời điểm đó, Tình người duyên ma của Thái Lan lại thành công vang dội tại Việt Nam. So sánh hai kịch bản kinh dị này, rõ ràng, phim Việt vẫn non hơn rất nhiều, dù Thái Lan chưa phải là quốc gia có phim điện ảnh nổi bật nhất trên thế giới.

Tính đột biến, bất ngờ và kịch tính, cao trào trong phim quan trọng để người xem thấy hào hứng và phim được kết thúc trong sự thỏa mãn của người xem. Thay vào đó, đa phần phim Việt lại nhàn nhạt, tình tiết đều đều, không có điểm thắt nút thì làm sao mở nút, tạo được kịch tính?

"Lọ mọ" như phim Việt - 2

Biết chết liền cũng không nhận được nhiều lời khen là mấy

Không những đi vào lối mòn các kịch bản phim đã có, ngay cả phim chuyển thể từ những bộ phim nổi tiếng trên thế giới cũng cho thấy sự yếu kém, thiếu tư duy để làm sao Việt hóa một kịch bản phim nước ngoài hoàn thiện, mà khán giả trong nước có thể xem và hài lòng.

Bộ phim Váy hồng tầng 24 đang được chiếu trên sóng VTV3 là một thất bại cho việc Việt hóa kịch bản phim không hoàn thiện. Nói đây là một phiên bản Việt của Sex and the City cũng không đúng. Bởi từ lời thoại, bối cảnh, cách diễn xuất của Váy hồng tầng 24 đều không ăn nhập vào nhau và không mang màu sắc  hấp dẫn như Sex and the City.

Cơ bản là, kịch bản khi được Việt hóa không biến lời thoại gốc thành lời thoại của phim Việt. Tính cách nhân vật đúng là cần tôn trọng theo phiên bản gốc không được thay đổi, nhưng khi Việt hóa thì góc nhìn về văn hóa, cách ứng xử mang tính xã hội khiến khán giả bị mâu thuẫn, không "nuốt" được. Vì lẽ đó, Váy hồng tầng 24 nhạt ngay từ đầu khi mới lên sóng dù trước đó được nhà làm phim hứa hẹn rất nhiều.

"Lọ mọ" như phim Việt - 3

Váy hồng tầng 24 - phiên bản Sex and the city Việt cũng chưa đột phá

Thị hiếu khán giả đang thay đổi rất lớn. Trong khi hội nhập, phim Hàn Quốc, phim Mỹ... tiếp tục thành công với thị trường trong nước thì phim Việt vẫn loay hoay mãi với “ao làng” chưa thể nào tạo nên được kịch bản mới mẻ. Hàng loạt các phim truyền hình Hàn Quốc trong 5 năm trở lại đây như Cuộc đời lớn, Vua bánh mì, Năm ngón tay, Nhớ em... đã tạo nên làn sóng mới trong tư duy kịch bản phim truyền hình.

Mô tuýp tình yêu không còn là chủ đạo, mà chính là tính kịch tính, trinh thám và có chút hình sự dẫn dắt toàn bộ phim truyền hình. Ngay cả phim điện ảnh, thế giới đang có hai xu hướng rất rõ, một là tìm ra một nội dung hư cấu trên các dự báo mang tính xã hội, hai là dựa trên các câu chuyện có thật để làm nên tác phẩm... Nghe tưởng chừng như rất quen thuộc, nhưng chính cách cấu trúc nên một kịch bản từ nhân vật, bối cảnh hoàn toàn khác biệt đã làm nên dòng chảy mới.

Vừa qua, thêm một bộ phim truyền hình mới được giới thiệu là Vợ của chồng tôi do diễn viên Việt Trinh làm đạo diễn. Phim cũng đề cập đến những vấn đề về gia đình, tình cảm vợ chồng, xã hội, ngoại tình... nhưng chính cách đặt tên phim đã mang "hơi thở" mới mẻ hơn cho phim truyền hình hiện nay. Dù chưa ra mắt nhưng phim nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía khán giả.

"Lọ mọ" như phim Việt - 4

Vợ của chồng tôi - phim truyền hình sắp lên sóng của Việt Trinh đang rất được chờ đợi

Ít ra, khán giả sẽ phải chờ đợi bộ phim này bởi tên phim đã đặt ra một câu chuyện rất hấp dẫn mà chưa bao giờ là cũ trong đời sống hôm nay. Ngoài yếu tố ăn khách, hấp dẫn, tên phim cũng là cách mà chính những nhà biên kịch, đạo diễn đặt ra các vấn đề mới mẻ hơn, người xem sẽ thấy một điểm tựa nội dung để khi xem có thể cảm nhận dễ hơn sự hấp dẫn lôi cuốn của phim.

Phim Việt đã đến lúc thay đổi về kịch bản một cách mạnh mẽ, triệt để và bài toán này không phải bây giờ mới được đặt ra. Những nội dung quen thuộc, lối dẫn chuyện nhàm chán cần nhanh chóng được thay bằng tư duy hoàn toàn khác biệt. Chỉ có như vậy, khán giả mới tiếp tục ủng hộ phim nước nhà và tạo nên sự thay đổi ngoạn mục cho bộ mặt điện ảnh trong nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Nhật ([Tên nguồn])
Phim Việt: Tranh tối, tranh sáng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN