Phim Việt loay hoay tìm lối thoát

Phim Bụi đời Chợ Lớn bị cấm chiếu là hồi chuông báo động đến những nhà sản xuất phim hiện nay về sự phù hợp giữa văn hóa, tâm lý khán giả và môi trường xã hội là rất cần thiết. Trong bối cảnh hiện nay, Phim Việt luôn phải cân nhắc kĩ lưỡng trước bài toán này.

Không riêng gì phim điện ảnh mà phim truyền hình cũng chịu nhiều thách thức. Trào lưu mua kịch bản phim nước ngoài chuyển thể sang phim Việt đã không thành công như mong đợi, đến hôm nay có thể nói là thất bại.

Phim Việt loay hoay tìm lối thoát - 1

Dù gió có thổi - phim Việt hóa thành công và được đánh giá rất cao

Dù Hàn Quốc cũng là nước châu Á có nhiều nét văn hóa và tâm lý khán giả tương đồng nhưng khi chuyển thể, những nhà viết kịch bản, đạo diễn... đã không tìm thấy giải pháp phù hợp nhất để khán giả trong nước thấy đó là phim Việt. Thực tế rằng, phim truyền hình Hàn Quốc đã làm quá tốt việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa của mình nên khi mua kịch bản, chúng ta không khỏi lúng túng để tìm ra hướng chuyển thể thích hợp.

Điển hình như tâm lý các nhân vật nam như vai diễn của Lương Thế Thành trong Lối sống sai lầm vẫn chưa hoàn toàn phù hợp với nếp nghĩ thông thường của đàn ông Việt Nam. Tình yêu trai gái trong phim truyền hình Hàn Quốc luôn thi vị hóa người đàn ông, dù cô gái có thế nào thì họ sẵn sàng bỏ qua cái tôi của người đàn ông để yêu.

Ngược lại, hiện tại, trong văn hóa nền của chúng ta, tư tưởng người đàn ông như vậy chưa tồn tại nhiều và nó không phổ biến nên khi xem khán giả dễ dàng cảm thấy khó chịu. Hầu hết các bộ phim chuyển thể trong thời gian qua chỉ dừng ở mức độ chuyển ngôn ngữ, bối cảnh, diễn viên và cái nền văn hóa sâu sắc nằm trong tính cách nhân vật, chủ đề phim vẫn chưa hoàn toàn được Việt hóa.

Phim Việt loay hoay tìm lối thoát - 2

Bài học Bụi đời chợ lớn sẽ khiến nhiều nhà làm phim rụt rè

Nếu nói về thành công của dòng phim Việt hóa có lẽ những đại diện như: Dù gió có thổi, Mùi gò gai… là những đại diện tiêu biểu nhất. Những bộ phim đình đám như: Ngôi nhà hạnh phúc, Người mẫu, Có lẽ nào ta yêu nhau, Anh em nhà bác sĩ… khi về Việt Nam đều tỏ ra sự đuối sức trước sức nóng và sự thành công quá lớn của phiên bản gốc.

Khán giả trong nước dường như chưa có thói quen thích những phim thuộc dòng gangster, cowboy, kinh dị... thuần chất. Quan trọng hơn, công tác kiểm duyệt hiện nay với dòng phim này được thực hiện vô cùng chặt chẽ để vừa phù hợp với thực tế đời sống xã hội cũng như đáp ứng được yêu cầu về mặt thẩm mỹ.

Tại sao những phim như Giao lộ định mệnh, Bí mật thảm đỏ, Để mai tính, Cưới ngay kẻo lỡ... vẫn bị cho là mang hơi hướng của phim tình cảm hài kiểu Mỹ, hay pha một chút trinh thám, kinh dị lại được ưa chuộng và dễ dàng vượt qua vòng kiểm duyệt?

Hiện tại, dòng phim giải trí đơn giản vẫn còn đất sống và khán giả vẫn còn nhu cầu. Câu chuyện lồng ghép và mối tương quan trong bối cảnh xã hội thực tại không nhiều tiêu cực, nhân vật và tuyến câu chuyện có phần mở về hồi kết lẫn hướng thiện của các nhân vật chính.

Phim Việt loay hoay tìm lối thoát - 3

Scandal rất khéo léo khi long ghép vào phim yếu tố kinh dị

Vì vậy, những phim nào không giải quyết được phần mâu thuẫn xã hội, hay có cái nhìn tiêu cực và không lối thoát thì rất dễ bị khán giả từ chối. Mặc dù hiện nay, lượng khán giả dành cho phim tăng dần lên và họ dễ dàng chấp nhận kết cấu câu chuyện mới, kết thúc theo kiểu “bỏ lửng” hay các nhân vật có thể không có kết thúc hoàn hảo... nhưng thường thấy nó chỉ có trong các phim nhập về chiếu từ các nước.

Và trong phim Việt thì điều đó chưa thể hoàn toàn được chấp nhận trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt cả từ phía nhà quản lý. Tâm lý “happy ending” – một cái kết có hậu vẫn được người Việt ưa chuộng hơn.

Yếu tố thời gian ra mắt cũng là điều khiến nhà sản xuất hiện nay rất băn khoăn. Hiện một bộ phim điện ảnh được đầu tư công phu như Bụi đời chợ Lớn, Lửa Phật... đều phải có thời gian hoàn thành từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí dài hơn rất nhiều. Vì vậy, sự thay đổi về mặt tâm lý khán giả, bối cảnh tương quan với các vấn đề xã hội được đặt ra cũng là yếu tố quyết định phim đó có thành công hay không.

Nhạy bén với nhu cầu của khán giả, đạo diễn Victor Vũ có thể nói rất thành công khi chọn thời điểm ra mắt phim võ thuật cổ trang Thiên mệnh anh hùng. Tới thời điểm này, đây vẫn là bộ phim duy nhất được công chiếu trong khi đó Thạch Sanh được chờ đợi nhiều ở phiên bản 3D đến hôm nay vẫn là ẩn số.

Phim Việt loay hoay tìm lối thoát - 4

Thạch Sanh cũng là dự án rất được khán giả mong đợi nhưng vẫn chưa có dấu hiệu ra rạp

Phim Việt đã bắt đầu được sản xuất theo mùa, có đối tượng khán giả cụ thể, nhưng chuyện phát hành và được đón nhận thế nào đôi khi lại không nằm trong kiểm soát của đạo diễn, nhà sản xuất. Bởi thị trường của chúng ta chưa có khán giả chuyên biệt, cũng như đa phần kịch bản các bộ phim chỉ mới nằm trong một giai đoạn thời gian cụ thể, thiếu những kịch bản có nội hàm nội dung bao quát như các bộ phim trên thế giới.

Như Nàng men chàng bóng, bối cảnh thực hiện và công chiếu của nó cũng gói gọn trong giai đoạn mà showbiz nháo nhào về scandal giới tính. Hay Ngôi nhà trong hẻm, Bẫy cấp 3... cũng được thực hiện trong một thời điểm hot của dòng kinh dị mới lấp ló trong nước.

Và hiện tại, chúng ta vẫn còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố may rủi do công chúng và xã hội mang lại. Phim được sản xuất ra nhưng chưa chắc đã được chiếu, bài học này cho thấy, làm phim hiện nay, phải suy xét yếu tố “đón đầu” và mặt ảnh hưởng đến xã hội vẫn là quan trọng nhất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dạ Vũ ([Tên nguồn])
Phim Việt: Tranh tối, tranh sáng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN