Vô địch Olympic và giấc mơ triệu phú

Thứ Sáu, ngày 27/07/2012 10:00 AM (GMT+7)
Chia sẻ

Sự kiện thể thao quan trọng bậc nhất hành tinh Olympic 2012 sắp diễn ra tại Anh không chỉ là cánh cửa giúp các vận động viên ghi tên mình vào lịch sử thể thao của quốc gia và cả thế giới, mà còn là cơ hội giúp họ đổi đời với giấc mộng triệu phú.

Đổi đời

Tiền thưởng cho nhà vô địch và tấm huy chương vàng tất nhiên không thể giúp họ trở thành triệu phú chỉ sau một đêm, mà là từ các hợp đồng quảng cáo của nhiều nhãn hiệu danh tiếng, các khoản tài trợ hay, các chương trình truyền hình mà họ sẽ tham gia sau đó…

Công ty chuyên làm môi giới tài trợ và đại diện tài trợ cho các vận động viên ở Anh, Octagon, với những khách hàng như Paula Radcliffe, nữ vận động viên marathon từng vô địch thế giới, ước đoán những nhà vô địch tại Olympic London 2012 có thể kiếm được tới 2 triệu bảng (khoảng 3 triệu USD) từ khi họ đăng quang cho tới kỳ Thế vận hội sau, Olympic Rio 2016. Clifford Bloxham, phó chủ tịch Octagon, tiết lộ: “Bảy hoặc tám vận động viên có thể nhận được tiền tài trợ lớn sau kỳ Olympic 2012 ngang ngửa với các ngôi sao thể thao hàng đầu của Anh như tay vợt Andy Murray và tay đua công thức một Jenson Button Jenson”.

Vô địch Olympic và giấc mơ triệu phú - 1

Nhà vô địch đua xe đạp Victoria Pendleton của Anh sẽ đổi đời nếu cô bảo vệ được tấm huy chương vàng ở Olympic Bắc Kinh 2008 trên sân nhà- Ảnh Getty

Trị giá của một chiếc huy chương vàng Olympic, theo giá vàng hiện giờ, là vào khoảng 600 USD. Nhưng trong khi giá trị của mảnh kim loại hình tròn với các họa tiết đẹp mắt chỉ là tiền lẻ, nhờ có nó mà các vận động viên vô địch có thể kiếm thêm hàng triệu USD từ những hoạt động quảng bá, tiếp thị và rất nhiều cơ hội thương mại khác.

Ủy ban Olympic quốc tế rất thích khẳng định rằng bất cứ ai tham dự Olympic cũng là người chiến thắng, nhưng rõ ràng có một số người được nhiều hơn những người khác. Thật ra, Thế vận hội cũn là một xã hội thu nhỏ: một số ít người kiếm được rất nhiều tiền, trong khi hầu hết những người khác chỉ chơi thể thao để mà cống hiến. Lấy ví dụ, nhà vô địch trượt tuyết người Thụy Sĩ (Thế vận hội mùa đông), Didier Cuche, chỉ giành huy chương bạc ở Nagano 1998, có thể kiếm được 158.000 USD chỉ sau một giải, gấp ba lần so với ngân sách hàng năm của nhà vô địch trượt tuyết bằng ván nắm, Maya Pedersen-Bieri, vô địch Olympic Turin 2006.

Trang mạng Inside The Game ước tính tại Anh, các hợp đồng quảng bá mang tính thương mại của các nhãn hiệu hàng đầu trung bình trả 154.000 USD cộng với tiền thù lao khi trở thành người đại diện phát ngôn là 15.500 USD một lần cho những nhà vô địch Olympic ở các nội dung phổ biến. Tức là một nhà vô địch ở London 2012 có thể kiếm được khoảng 232.000 USD mỗi năm chỉ riêng từ tiền tài trợ. Tổng cộng, họ có thể kiếm được hơn 3 triệu USD trong vòng bốn năm 2012-2016. Vì lẽ đó, đây là cơ hội không thể bỏ qua cho các nhà vô địch Olympic 2008 của nước chủ nhà như Chris Hoy (đua xe đạp), Victoria Pendleton (đua xe đạp), Jessica Ennis (điền kinh), Rebecca Adlington (bơi lội) hay Ben Ainslie (đua thuyền) lên ngôi triệu phú.

Trị giá của một HCV Olympic khoảng 600 USD. Nhưng những hợp đồng quảng cáo “hậu HCV” có thể lên tới hàng triệu USD.  

Cua-rơ người Scottland, Hoy, đã có số tiền tương đương như thế ngay sau khi anh giành ba huy chương vàng tại Olympic Bắc Kinh 2008. Nếu so với mức thu nhập trước năm 2008, chỉ 37.000 USD mỗi năm từ nguồn tài trợ của Công ty xổ số quốc gia Anh và các tài trợ nhỏ khác, thì Hoy thực sự đã đổi đời nhờ tấm huy chương vàng. Tất nhiên, sự thành đạt của anh ngày hôm nay không thể thiếu bóng dáng các nhà tài trợ lớn nhất như Kellogg, Harrods, Highland Spring, Adidas và ScottishPower Renewables.

Quyền anh là số một

Nếu nói riêng về chuyện kiếm tiền thì trong các bộ môn thể thao ở Olympic, quyền anh là số một.

Chẳng hạn, tay đấm Amir Khan đã bỏ túi vài triệu bảng từ hợp đồng với ông bầu Frank Warren sau khi giành được huy chương bạc hạng nhẹ tại Athens 2004. Một võ sĩ khác, James DeGale, cũng nhận được sự đầu tư tương tự từ ông bầu nổi tiếng này khoảng 2,3 triệu USD sau khi giành chức vô địch hạng trung tại Bắc Kinh.

Trường hợp của võ sĩ quyền anh 22 tuổi người Anh gốc Nigeria Anthony Joshua lại rất đặc biệt. Sau khi đoạt chức vô địch quyền anh nghiệp dư (ABA) năm 18 tuổi, anh đã từ chối lời đề nghị hấp dẫn trị giá 77.000 USD và khoảng 10 lời đề nghị như thế sau đó. Hiện tại, các ông bầu ở Anh và Mỹ đều đang tranh nhau để có được chữ ký của anh ta trước kỳ Olympic. Dù vậy, Joshua là một anh chàng có tầm nhìn xa bởi anh biết rằng nếu giành huy chương vàng, thì số tiền mà anh có được còn nhiều hơn gấp nhiều lần, ước tính không dưới 7,8 triệu USD sau Olympic 2012.

Vô địch Olympic và giấc mơ triệu phú - 2

Siêu sao bóng rổ LeBron James trong màu áo đội Olympic Mỹ- Ảnh Getty

Tuy nhiên, không phải vận động viên nào cũng có thể trở thành triệu phú, dù có thành tích bốn huy chương vàng tại hai thế vận hội mùa đông 2002 và 2010, nhà vô địch trượt tuyết Thụy Sĩ Simon Ammann vẫn không thu hút nhiều nhà tài trợ quốc tế. Đó là do mối quan tâm của cộng đồng dành những môn thể thao Olympic không giống nhau bởi nó tác động đến hiệu quả khi quảng cáo thương hiệu, theo phân tích của Giusep Fry, người quản lý của nhà vô địch trượt tuyết Thụy Sĩ Carlo Janka tại giải Giant Slalom cho biết.

Đó là lý do vì sao mặc dù đứng đầu danh sách các vận động viên Olympic mùa đông có thu nhập cao nhất, Lindsey Vonn vô địch năm 2010, nhận tài trợ 2,5 triệu USD và 350.000 USD tiền thưởng, nhưng vẫn rất nghèo so với những con cá mập thật sự như đồng hương người Thụy Sĩ Roger Federer (42 triệu USD trong năm 2010) và tay golf người Mỹ Tiger Woods (137 triệu USD). Woods cũng là vận động viên thể thao đầu tiên trong lịch sử đạt tới mức thu nhập 1 tỉ USD.

Ngay cả ở Olympic, cơ hội kiếm được tiền cũng là rất mong manh và cánh cửa hẹp bước vào giấc mơ triệu phú chỉ mở ra với một số rất ít người. Chỉ một phút sai lầm thì nhiều năm nỗ lực tập luyện cũng quay lại con số không. Dù vậy, không phài ai cũng có thể cưỡng lại sự hấp dẫn về danh vọng và tiền tài mà Olympic mang lại. Nhà quản lý Schiffmann của Ammann chia sẻ: “Một khi bạn trở thành nhà vô địch Olympic thì bạn sẽ là nhà vô địch Olympic trong suốt cuộc đời”. Và chắc không ai có thể bác bỏ nếu thay đổi khẩu hiệu của Olympic thành “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn và giàu hơn”.

Chia sẻ
Theo Thu Phương (TT&VH)
Tin liên quan
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN