Ô tô nội đi về đâu?

Giá cao, quy mô nhỏ, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tiếp tục loay hoay tìm đường mở lối thoát.

Giá cao, quy mô nhỏ, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam tiếp tục loay hoay tìm đường mở lối một cách dài hơi trong lúc thị trường hiện tại tiếp tục tăng nóng bởi tâm lý “mua xe chạy thuế” và doanh nghiệp cố “được ngày nào hay ngày ấy”.

Thị trường xe: Nhìn gần thì nóng, nhìn xa thì mờ

Thống kê doanh số bán xe tháng 11/2015 của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe Việt Nam (VAMA) cho thấy, thị trường ô tô đang ở trong những ngày “nóng bỏng” nhất với những con số tăng trưởng đầy ấn tượng. Theo đó, trong tháng 11, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 29.706 xe, tăng 33% so với tháng trước và tăng 86% so với tháng cùng kỳ năm 2014.

Đây cũng là kết quả cao kỷ lục tính từ đầu năm đến nay và góp phần đẩy tổng doanh số toàn thị trường trong 11 tháng năm 2015 lên con số ấn tượng 215.517 xe; tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tính đến hết tháng 11/2015, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 50% trong khi xe nhập khẩu tăng 78%.

Ô tô nội đi về đâu? - 1

Giá xe ở Việt Nam cao gấp 3-4 lần so với các nước vì phải gánh rất nhiều loại thuế, phí -  Ảnh minh họa

Những con số đang thể hiện có thể khiến mọi doanh nghiệp cảm thấy nức lòng cũng như lạc quan. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp xe cũng như chuyên gia kinh tế lại không thật sự kỳ vọng vào bức tranh ngành công nghiệp ô tô, khi nhìn vào những kết quả mới nhất này.

Trên thực tế, doanh số bán xe vài tháng trở lại đây có dấu hiệu tăng nóng một phần bởi thói quen mua xe cuối năm của người tiêu dùng và một phần không nhỏ khác là do tâm lý sợ giá xe sắp tăng vì thuế phí thay đổi. Tâm lý này đã từng tạo ra không ít cơn sốt xe trong quá khứ để rồi thị trường sau đó lại đóng băng.

Sự phập phù của thị trường cùng tương lai được nhiều người dự đoán là khá mờ mịt của ngành công nghiệp ô tô là điều mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt cũng như thừa nhận, đặc biệt là khi thời điểm mở cửa thị trường theo các hiệp định thương mại quốc tế ngày càng tới gần.

Phát biểu tại hội thảo “Thực trạng ngành ô tô và phụ tùng ô tô ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư tổ chức mới đây, đại diện một doanh nghiệp xe lớn cho rằng quy mô thị trường xe Việt Nam còn quá nhỏ trong khi nền công nghiệp phụ trợ yếu nên rất khó sống.

Trong khi đó, ông Đào Phan Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) lại nhận định: “Chính sách về ô tô của Việt Nam thất bại ở hai phương diện, đó là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không nội địa hóa được nhiều và đến nay Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu ô tô nào cho ra hồn, không có sản phẩm nào đáng kể” .

Giá ô tô ở Việt Nam cao hơn Indonesia, Thái Lan

Bàn về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, người tiêu dùng lại thêm một lần giật mình thậm chí là bức xúc khi so sánh giá xe trong nước với giá tại một số nước láng giềng như:  Indonesia, Thái Lan.

Điển hình là một chiếc ô tô Toyota Vios ở Việt Nam giá 570 triệu đồng, trong khi đó chiếc xe này ở Indonesia có giá chỉ 265 triệu đồng. Tương tự, xe Honda CRV 2.0AT ở Việt Nam hơn 1 tỉ đồng, còn ở nước bạn chỉ hơn 400 triệu đồng.

Các chuyên gia kinh tế chỉ rõ, giá xe ở Việt Nam cao gấp 3-4 lần so với các nước vì phải gánh rất nhiều loại thuế, phí. Thuế, phí chiếm đến 40% giá trị của xe, trong đó riêng chi phí sản xuất một chiếc xe trong nước lớn hơn 20% so với các nước khác.

Bên cạnh yếu tố thuế phí, sự yếu kém của ngành công nghiệp phụ trợ cũng góp phần đẩy giá xe tăng cao. Điều này lại ảnh hưởng trực tiếp tới số lượng xe bán ra và làm cho quy mô thị trường sau 20 năm vẫn chỉ bằng 5-10% quy mô của thị trường một số nước láng giềng.

Và trong cái vòng luẩn quẩn đó, các doanh nghiệp xe trong nước lo ngại về nguy cơ phá sản khi thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN về 0%.

Dù còn nhiều quan điểm khác nhau về nguyên nhân cũng như giải pháp cho sự thất bại của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam nhưng phần lớn các doanh nghiệp xe đều đề cập tới mong muốn có một “môi trường” thuế phí ổn định và hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, DN và người tiêu dùng.

Các bên cũng nhận định thị trường Việt Nam còn tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp ôtô và đến năm 2020, thu nhập trung bình của người dân dự báo sẽ nâng lên mức 3.000 USD, với lượng xe tiêu thụ lên tới 400 nghìn xe.

Tuy nhiên, phát triển như thế nào để người tiêu dùng có điều kiện mua xe chất lượng tốt giá rẻ, doanh nghiệp trong nước không chết lại là bài toán còn tiếp tục phải tìm lời giải từ các nhà hoạch định chính sách cũng như chính các doanh nghiệp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phúc Lâm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN