Vì sao ô tô nhập khẩu sốt sình sịch?

Chính sách phát triển công nghiệp ô tô không ổn định khiến các liên doanh sản xuất trong nước đang có xu hướng chuyển dịch từ mô hình lắp ráp sang nhập khẩu xe nguyên chiếc.

Liên tục tăng cả về số lượng, giá trị

Trong giai đoạn sức mua của thị trường ô tô trong nước “bùng nổ” hai năm trở lại đây, mức độ tăng trưởng đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc luôn vượt trội so với xe sản xuất, lắp ráp (SXLR) trong nước.

Không chỉ các loại xe tải mà cả xe con nhập khẩu nguyên chiếc trong năm 2014 và 9 tháng năm 2015, liên tục tăng cả về số lượng và giá trị so với các năm trước đó.

Số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam ghi nhận, lượng ô tô nhập khẩu kể từ đầu năm 2015 đã đạt 92.467 xe, gấp hơn 3 lần so với cả năm 2012 (29.472 xe) và bằng 1,2 lần so với năm 2014 (76.780 xe).

Vì sao ô tô nhập khẩu sốt sình sịch? - 1

Xe con nhập khẩu nguyên chiếc trong năm 2014 và 9 tháng năm 2015, liên tục tăng cả về số lượng và giá trị

Mức độ tăng mạnh đối với xe nhập khẩu còn được thể hiện trong báo cáo bán hàng hàng tháng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), khi chỉ số tăng trưởng luôn đạt mức hai con số, bỏ xa mức tăng chỉ vài phần trăm của xe SXLR trong một năm trở lại đây.

Đi tìm nguyên nhân

Lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tăng đột biến về xe nhập khẩu, ông Nguyễn Tô An - Trưởng phòng quản lý chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, kể từ khi Chính phủ và Bộ GTVT triển khai việc tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đã tác động đến nhu cầu gia tăng số đầu phương tiện của các doanh nghiệp vận tải.

Thêm vào đó, ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN bắt đầu được ưu đãi thuế theo lộ trình cam kết hội nhập AFTA. Bằng chứng cho thấy, xe nhập khẩu từ Thái Lan đã tăng từ 443 chiếc trong cả  năm 2011 lên con số 16.061 chiếc sau khi quý III/2015 kết thúc.

Ngoài ra, do nhu cầu thay thế các phương tiện sử dụng lâu năm hoặc hết niên hạn sử dụng (năm 2015 có 16.635 phương tiện hết niên hạn sử dụng, tập trung chủ yếu vào xe tải và xe khách), cộng với tình hình kinh tế đất nước có nhiều chuyển biến tích cực, thúc đẩy nhu cầu vận tải hàng hóa, góp phần làm gia tăng số lượng phương tiện vận tải đường bộ.

Ở phân khúc xe du lịch (xe con) và xe khách, mặc dù lượng xe SXLR trong nước vẫn chiếm ưu thế so với xe nhập khẩu trên thị trường nhưng tỷ trọng giữa hai chủng loại mặt hàng này đang có xu hướng dịch về điểm cân bằng. Nếu như năm 2014, tương quan số lượng giữa xe SXLR và nhập khẩu vẫn có khoảng cách rất lớn 82.553 so với 32.484, thì kết thúc 9 tháng năm 2015 khoảng cách đã được thu hẹp 70.793 xe SXLR so với 29.069 xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Số lượng xe con nhập khẩu tăng từ năm 2014 đến nay có sự đóng góp không nhỏ của các dòng xe Hyundai từ Ấn Độ, trong đó tập trung chủ yếu vào hai mẫu i10 và i20. Cụ thể, năm 2014 có 12.941 xe, còn 9 tháng đầu năm 2015 có 11.807 xe Hyundai đã được đưa từ Ấn Độ vào Việt Nam.

Chính sách ưu đãi thuế đối với xe bán tải (pickup) và tải VAN, những loại xe có tính chất sử dụng gần như xe con, cũng trở thành tác nhân làm cho lượng xe nhập khẩu tăng. Nếu như cả năm 2014, số lượng nhập hai dòng xe này đạt hơn 14 nghìn chiếc, thì từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp đã nhập hơn 15 nghìn xe.

Mặc dù mặt hàng ô tô tải cỡ nhỏ hầu như được SXLR trong nước và chỉ có một số ít xe đã qua sử dụng được nhập khẩu từ Hàn Quốc, nhưng ở phân khúc xe tải hạng trung/lớn và ô tô đầu kéo thì xe nhập khẩu lại chiếm ưu thế tuyệt đối, mà phần nhiều là xe nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong khi đó, ở phân khúc xe sang, ngoại trừ Mercedes-Benz lắp ráp một số dòng xe tại Việt Nam, các thương hiệu còn lại đều phân phối dưới hình thức nhập khẩu nguyên chiếc. Tuy nhiên, so với các phân khúc xe khác, số lượng xe hạng sang nhập khẩu cũng chỉ chiếm một phần nhỏ trên thị trường.

Tỷ trọng xe nhập khẩu gia tăng cũng bắt nguồn từ nguyên nhân do chính sách phát triển công nghiệp ô tô không ổn định, dẫn đến tình trạng các liên doanh trong nước đang có xu hướng ngừng sản xuất một số loại xe và chuyển sang nhập khẩu từ Thái Lan và châu Âu, thậm chí có hãng đã chuyển hẳn sang nhập khẩu như BMW.

Hầu hết các liên doanh sản xuất ô tô đã không thực hiện đúng lộ trình cam kết: Tăng tỷ lệ linh kiện, phụ tùng nội địa hóa. Mặc dù có ưu thế về nguồn nhân lực giá rẻ, nhưng các doanh nghiệp SXLR trong nước lại gặp không ít khó khăn về chất lượng nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và thiết bị từ nhà sản xuất nước ngoài.

Có một số doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ, trang thiết bị để SXLR loại xe tải cỡ lớn như MAZ, KAMAZ, HINO, THACO-FOTON, FUSO… nhưng hiện tại số lượng xe xuất xưởng vẫn rất khiêm tốn. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phúc Lâm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN