Mazda CX5 doanh số thấp hơn các đối thủ cạnh tranh trong phân khúc

Phân khúc CUV tầm giá 1 tỷ tại Việt Nam trước đây là cuộc đua của Mazda CX-5 và Honda CR-V. Tuy nhiên gần đây, Hyundai Tucson lại vươn lên mạnh mẽ, vượt mặt CX-5 và bám sát CR-V.

Phân khúc crossover 5 và 5+2 tầm giá 1 tỷ có thể nói là một trong những phân khúc sôi động và có nhiều biến động nhất tại thị trường Việt Nam. Những mẫu xe chủ chốt trong phân khúc này là CR-V, CX-5, Tucson, X-trail, Outlander hay cao hơn là CX-8 và SantaFe đều nhận được sự quan tâm lớn của các khách hàng Việt Nam. Chỉ một sự thay đổi nhẹ về giá bán, khuyến mãi cũng khiến cho doanh số của các mẫu xe trong phân khúc này biến động.

Mazda CX5 doanh số thấp hơn các đối thủ cạnh tranh trong phân khúc - 1

Cuộc đua quyết liệt từ cuối năm 2017

Trước đây, cuộc đua trong phân khúc này chủ yếu giữa hai mẫu xe Honda CR-V và Mazda CX-5. Gay cấn nhất là từ cuối năm 2017. Còn nhớ, Honda CR-V thế hệ mới và Mazda CX-5 mới ra mắt chỉ cách nhau đúng 1 tuần vào giữa tháng 11/2017. Tucson đã âm thầm ra mắt trước đó vào tháng 8.

Mazda CX5 doanh số thấp hơn các đối thủ cạnh tranh trong phân khúc - 2

Từ đó, CR-V rẽ sang hướng nhập khẩu từ Thái Lan, nhưng việc phụ thuộc vào nguồn cung, vướng nghị định 116 khiến mẫu xe này chấp nhận về nhì trong cuộc đua với CX-5 vẫn lắp ráp trong nước. Hết năm 2018, Mazda CX-5 bán chạy nhất với 12.243 xe, CR-V ngậm ngùi về nhì với 8.819 xe, Tucson xếp thứ 3 với 6.938 xe. Các mẫu xe còn lại như Outlander, X-Trail,... bị bỏ lại khá xa.

Năm 2019, khi gió đổi chiều

Mazda CX5 doanh số thấp hơn các đối thủ cạnh tranh trong phân khúc - 3

Sang năm 2019, mọi chuyện dần thay đổi khi CR-V chủ động nguồn cung, các lô xe lớn nhập về liên tục và việc bắt đầu khuyến mãi/giảm giá cho CR-V khiến mẫu xe "con cưng" của Honda liên tục nằm trong top xe bán chạy, vượt mặt khá xa Mazda CX-5.

CX-5 một phần sụt giảm doanh số khi CX-8 ra mắt vô tình vợt bớt chính khách hàng của CX-5 cần một chiếc CUV 7 chỗ. Riêng Hyundai Tucson, mẫu xe này đã ra mắt bản nâng cấp giữa năm 2019 và âm thầm bám đuổi doanh số ở vị trí thứ 3 với khoảng cách hợp lý.​ Hết năm 2019, CR-V chiếm đỉnh doanh số phân khúc với 13.337 xe, CX-5 về nhì với 10.231 xe. Tucson vẫn xếp thứ 3 với 8.128 xe. Outlander tăng doanh số nhẹ còn X-Trail giảm doanh số.

Mazda CX5 doanh số thấp hơn các đối thủ cạnh tranh trong phân khúc - 4

6 tháng đầu năm 2020, thị trường xe Việt có nhiều biến động bởi dịch Covid 19. Phân khúc CUV cũng vậy, các mẫu xe đều giảm doanh số nhưng bất ngờ lớn nhất trong phân khúc này khi Tucson đã vượt mặt CX-5 và bám sát CR-V. Khoảng cách doanh số giữa 3 mẫu xe này còn không quá 500 xe. Có lẽ phiên bản nâng cấp của Tucson với thiết kế hấp dẫn và giá bán hợp lý đã giúp mẫu xe này có doanh số tốt.

Theo VAMA, TC Motor, trong 6 tháng đầu năm 2020, Honda CR-V là mẫu xe dẫn đầu phân khúc, chiếm gần 32% thị phần. Nửa đầu năm 2020, Honda CR-V tạm đứng đầu với tổng doanh số 3.797 xe, Hyundai Tucson bất ngờ hạng nhì với 3.322 xe. Theo sau là Mazda CX-5 với 3.018 xe, Mitsubishi Outlander với 1.171 xe và Nissan X-Trail với 595 xe.

Mazda CX5 doanh số thấp hơn các đối thủ cạnh tranh trong phân khúc - 5

Cạnh tranh quyết liệt buộc các mẫu xe phải kéo khách hàng nhiều nhất có thể bằng cách thêm trang bị, đưa bản mới về hay giảm giá bán. Khi đó, người tiêu dùng sẽ là người hưởng lợi nhất khi "rung đùi" ngồi chọn xem mẫu xe nào "trân trọng" khách hàng nhất. 6 tháng cuối năm 2020 hay thậm chí là cả năm 2021 sẽ là cuộc đua hấp dẫn của CRV, CX-5 và Tucson.

CR-V 2020 chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam​

Mazda CX5 doanh số thấp hơn các đối thủ cạnh tranh trong phân khúc - 6

Thời gian tới, CR-V có lẽ chiếm ưu thế nhiều nhất khi ra mắt bản nâng cấp vào 30/7 với trang bị an toàn "tận răng" khi có gói Honda Sensing ở tất cả phiên bản, giá bán thay đổi nhẹ và còn lắp ráp trong nước để người mua được giảm 50% trước bạ. CR-V còn có thêm ưu thế vô hình từ nhóm khách hàng trung thành riêng, khá đông và thường ở tỉnh.

Tucson của Hyundai đang hội đủ các yếu tố về thiết kế, trang bị, nhiều phiên bản lựa chọn và giá bán dễ tiếp cận. Tucson thế hệ mới cuối năm 2020 mới ra mắt thế giới và nếu nhanh thì cuối năm 2021 mới ra mắt Việt Nam. Phiên bản hiện tại vẫn phù hợp số đông.

Theo quan sát thực tế, những nơi Tucson được ưa chuộng thường là khu vực như Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và các tỉnh phía Bắc nơi các khách hàng quan trọng yếu tố thiết kế phải tinh tế và thanh lịch, thích động cơ dầu mạnh mẽ, bền bỉ vốn có tiếng "thơm" từ những chiếc SantaFe đời 2007-2012.

Mazda CX5 doanh số thấp hơn các đối thủ cạnh tranh trong phân khúc - 7

Mazda CX-5 có lẽ sẽ yếu thế nhất nếu so với Tucson hay CR-V vì khó có bản nâng cấp hay thế hệ mới nào trong thời gian tới. Trong khi đó, ưu thế trang bị giờ đây CR-V đã sánh bằng. Thiết kế tiện nghi Tucson, CR-V không thua kém. Giá bán cũng không đủ hấp dẫn nếu so với Tucson.

Đó là chưa kể đến những khó khăn vô hình của CX-5 khi CX-8 có khoảng giá khá gần, vợt bớt chính khách hàng của CX-5 và nhiều người dần cảm thấy việc quen mắt, nếu không nói là nhàm chán khi Mazda áp dụng ngôn ngữ thiết kế "na ná nhau" cho tất cả mẫu xe.

Mazda CX5 doanh số thấp hơn các đối thủ cạnh tranh trong phân khúc - 8

Có lẽ, trong thời gian tới, CX-5 sẽ buộc phải giảm giá/tăng khuyến mãi khi Toyota Corolla Cross xuất hiện, Kia Seltos bán ra, Kia Sorento thế hệ mới cập bến (dù phân khúc có thể khác đôi chút) và sức ép lớn liên tục từ Tucson, CR-V.

Nguồn: [Link nguồn]

Maserati phát triển động cơ lai hybrid cho dòng xe Ghibli

Mẫu xe hybrid đầu tiên của Maserati được phát triển dựa trên nền tảng chiếc Ghibli với kiểu dáng được tinh chỉnh đôi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGỌC HOÀNG ([Tên nguồn])
Mazda CX-5 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN