Có cần thu “thuế đường” với cả xe đạp điện?

Theo dự thảo Thông tư về thu Quỹ Bảo trì đường bộ sẽ có hiệu lực từ 1/1/2013, ngoài ô tô, xe máy phải đóng phí “lăn bánh” thì xe đạp điện cũng mất từ 50-100.000 đồng khi lưu thông. Nhiều ý kiến cho rằng, có nên cố tận thu “thuế đường” với loại phương tiện này?.

Doanh nghiệp vận tải tính chuyện vay ngân hàng để nộp phí

Như chúng tôi đã đưa tin, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện Dự thảo Thông tư về thu phí sử dụng đường bộ, đối với phương tiện mô tô, xe máy. Theo đó, từ 1/1/2013, ngoài các phương tiện ô tô, xe máy phải đóng phí bảo trì đường bộ, thì một loại phương tiện khác là xe đạp điện cũng buộc phải đóng phí từ 50-100.000 đồng/năm.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp Hội ô tô Việt Nam cho rằng, xe đạp điện là phương tiện đang được khuyến khích sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời phù hợp đối với học sinh đến trường để hạn chế tình trạng đi xe máy. Do vậy, các Bộ, ngành cần cân nhắc có nên tận thu đối với loại phương tiện này không?.

Đề cập đến vấn đề thu phí Bảo trì đường bộ với các loại phương tiện khác: ô tô, xe máy, ông Chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam cho biết, sau khi tiếp xúc với nội dung của thông tư do Bộ Tài chính vừa soạn thảo, nhiều doanh nghiệp vận tải đã phản ứng với Hiệp Hội ô tô Việt Nam về phương pháp thu phí trên.

“Hầu hết các doanh nghiệp vận tải có ý kiến đều cho rằng, mức thu phí như vậy là quá lớn dù được chia ra làm 2 lần nộp trong 1 năm qua đăng kiểm 6 tháng/lần”, ông Hùng cho biết.

Theo người đứng đầu Hiệp Hội ô tô Việt Nam, ngoài việc “kêu” về mức thu quá lớn, các đơn vị vận tải còn phàn làn về việc phải trả tiền trước 6 tháng mới được sử dụng dịch vụ khi thu 6 tháng/lần theo chu kỳ kiểm định.

Có cần thu “thuế đường” với cả xe đạp điện? - 1

Theo Thông tư của Bộ Tài chính, từ 1/1/2013, xe đạp điện cũng phải đóng Quỹ Bảo trì đường bộ từ 50-100.000 đồng/năm.

Chứng minh cho luận điểm trên, ông Hùng đưa ra dẫn chứng cụ thể, một doanh nghiệp vận tải có khoảng 100 xe container, như vậy, một lần đóng phí sử dụng đường sẽ là một số tiền không nhỏ.

“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nếu phải đóng ngay một lúc số tiền lớn như vậy, chắc chắn doanh nghiệp sẽ phải vay mượn ngân hàng để nộp phí sử dụng đường, như vậy không hợp tình, hợp lý. Trong sáu tháng đó, có những xe không hoạt động vì hỏng hay thiếu hàng thì giải quyết thế nào?”, ông Hùng cho biết.

Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Việt Anh, Chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải Bắc Nam cho biết, đơn vị này đang sở hữu hơn 10 xe container, nếu sắp tới phải đóng phí sử dụng đường bộ 6 tháng/lần trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn thì sẽ thêm phần khó cho các doanh nghiệp vận tải nặng có nhiều đầu xe.

“Phương pháp thu phí sử dụng đường theo chu kỳ đăng kiểm thì chỉ thuận lợi, dễ dàng cho cơ quan thu phí nhưng lại đẩy phần khó về cho doanh nghiệp,” ông Việt Anh bức xúc.

Vì thế, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị vận tải, ông Chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải Bắc Nam kiến nghị nên rút ngắn thời gian đóng phí sử dụng đường bộ như đề xuất của Bộ Tài chính từ 6 tháng/lần xuống còn 1 hoặc 3 tháng/lần.

Chính quyền xã, phường sẽ gặp khó khăn trong việc thu phí?

Theo Dự thảo Thông tư do Bộ Tài chính vừa hoàn thành thì từ 1/1/2013, xe máy sẽ đóng phí đường bộ qua UBND xã, phường mà trực tiếp là tổ dân phố. Xung quanh vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, chính quyền phường xã sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác thu phí và việc thu cũng chả được bao nhiêu.

“Tô trưởng tổ dân phố hoặc trưởng thôn đến kê khai thu phí, chủ sử dụng phương tiện không đóng phí thì sẽ giải quyết như thế nào?” ông Liên đặt câu hỏi.

Theo ông Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, việc thu phí phương tiện xe máy sẽ chỉ trông chờ vào sự tự giác của người dân vì trong Thông tư, Nghị định hiên nay vẫn chưa có chế tài để hướng dẫn hay xử phạt chủ xe không chấp hành đóng phí sủ dụng đường.

Đề cập đến mức thu phí theo Dự thảo Thông tư Bộ Tài chính vừa soạn thảo, ông Liên cho rằng, mức phí sử dụng đường bộ tại Việt Nam có thấp hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới, tuy nhiên, chất lượng đường sá các nước rất tốt so với Việt Nam.

Theo ông Liên, việc thu phí trên đầu phương tiện cũng làm phát sinh sự thiếu công bằng với xe sử dụng đường bộ nhiều và xe sử dụng đường bộ ít.

Đưa ra dẫn chứng cụ thể, ông Liên chỉ rõ, xe ôtô được sử dụng trong trường lái, xe ôtô bị tai nạn mất thời gian sửa chữa hoặc tạm giữ 3, 4 tháng cũng phải gánh chịu phí sử dụng đường bộ tương tự như những xe chạy nhiều.

“Điều này, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm xem xét làm thế nào tạo sự công bằng giữa các phương tiện,” ông Liên kiến nghị.

Đề cập đến việc, Dự thảo Thông tư mới cũng quy định, các đơn vị thu phí sử dụng đường bộ được giữ lại chi phí tổ chức thu và hòa chung vào nguồn kinh phí của đơn vị để chi cho công tác tổ chức thu phí. Theo đó, đối với các phường được để lại tối đa không quá 15% số phí sử dụng đường bộ thu được, đối với các xã được để lại tối đa không quá 30% để trang trải chi phí tổ chức thu.

Phản biện lại việc thu phí sử dụng xe máy và trích số tiền % để trả lại cho tổ chức thu, ông Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, nếu có thêm đơn vị, tổ chức thu trong phường, xã sẽ làm cồng kềnh thêm bộ máy công quyền Nhà nước đồng thời số tiền thu được nếu trích ra chi trả lại cũng rất tốn kém và thất thoát nguồn thu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tùng Nguyễn (VnM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN