Ma trận đề xuất áp thuế bủa vây người dân

Sự kiện: Kinh Doanh

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mỹ phẩm, điện thoại di động vì đó là hàng xa xỉ; thu thuế với xe ôm quán cóc để "tránh thất thu thuế"; đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm trên 500 triệu để "chuyển hướng đầu tư sang kinh doanh"... là những đề xuất đánh thuế vô lý, kỳ lạ, gây bức xúc dư luận.

Ma trận đề xuất áp thuế bủa vây người dân - 1

Dư luận đang xôn xao đề xuất mới đây của TP.HCM về việc đánh thuế với mặt hàng nước hoa, dịch vụ thẩm mỹ và điện thoại di động. Nếu đề xuất này được thông qua, liệu hàng triệu người băn khoăn về tính khả thi cũng như mục đích của đề xuất.

Lý do đánh thuế được UBND TP.HCM đưa ra là nhằm “giúp mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên”. Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật BASICO, cho rằng UBND TP.HCM không có căn cứ nào hợp lý khi đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho các mặt hàng như điện thoại, nước hoa.

“30 năm trước, điện thoại di động còn là một mặt hàng xa xỉ mà còn không bị đánh thuế. Nay nó đã trở thành một vật dụng thiết yếu, thông dụng, với số thuê bao ngang với dân số, mà đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thì có thể đánh thuế bất cứ hàng hoá, dịch vụ nào”, “ti vi, tủ lạnh, mô tô, xe máy… đều phải đánh hết?”, luật sư Đức nêu quan điểm.

“Tư duy tận thu này không có triết lý và chỉ có hại cho sự phát triển”, luật sư Đức nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhìn lại thời gian gần đây ở TP.HCM cũng thấy một số đề xuất thuế lạ đời khác gây nhiều tranh cãi ví như đề xuất đánh thuế thu nhập ở những khoản tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng của Hiệp hội BĐS TP.HCM.

Theo đó, đầu năm 2013, HoREA có văn bản gửi Thủ tướng và các bộ ngành, Hiệp hội đề xuất “đánh thuế thu nhập ở những khoản tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng” nhằm “chuyển hướng dòng tiền vào đầu tư sản xuất kinh doanh”.

Đề xuất ngay lập tức bị chuyên gia và người dân phản đối vì 80% nguồn vốn vay của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào các ngân hàng. Do vậy, nếu đánh thuế thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm, nguồn vốn huy động của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng; từ đó ảnh hưởng đến nguồn vốn vay của các doanh nghiệp.

Đó là chưa tính tới chuyện người dân có thể lách luật bằng cách chia nhỏ khoản tiền gửi hoặc rót vốn vào ngoại tệ, vàng khiến nguồn vốn của ngân hàng giảm. Hệ quả là doanh nghiệp khó vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.

Không cứ TP.HCM mà Tổng cục Thuế cũng từng có thời gian gây “bão” dư luận khi đề xuất đánh thuế xe ôm, quán cóc với lý do “tránh thất thu thuế”. Hay như chuyện Bộ tài chính đề xuất đánh thuế đối với nhà từ 700 triệu đồng với mục tiêu “hạn chế đầu cơ nhà đất” gây nhiều tranh cãi…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sơn Ca ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN