Khoản bồi thường hợp đồng bào mòn lợi nhuận của ông chủ Wonderfarm

Do sản phẩm gia công đạt chất lượng thấp, khoản bồi thường cho đối tác đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của Inter Food - chủ thương hiệu trà bí đao Wonderfarm.

Vừa xong, Công ty Cổ phần Thực phẩm Quốc tế (Inter Food, MCK: IFS) đã đưa ra báo cáo tài chính quý IV/2021. Theo đó, mặc dù ghi nhận lãi gần 24 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh chính nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ sau thuế tới 2,6 tỷ đồng.

Cụ thể, kết thúc quý 4/2021, doanh thu thuần của doanh nghiệp giảm 24% so cùng kỳ, còn gần 296 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu nước giải khát giảm hơn 93 tỷ đồng, tương đương giảm 27% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 256 tỷ đồng. Từ đó, dẫn đến lợi nhuận gộp giảm 44%, còn hơn 97 tỷ đồng. Biên lãi gộp rơi từ 45% xuống còn 33%.

Mặc dù IFS thu được gần 24 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh nhưng lỗ từ hoạt động khác do phát sinh chi phí hơn 27 tỷ đồng khiến Công ty lỗ ròng gần 3 tỷ đồng trong quý 4, trong khi cùng kỳ lãi ròng hơn 77 tỷ đồng.

Phía IFS giải trình, chi phí khác tăng mạnh do liên quan đến khoản bồi thường hợp đồng gia công sản phẩm cho đối tác do sản phẩm đạt chất lượng hàng thấp.

Quý IV/2021 là giai đoạn sản xuất và kinh doanh của công ty bắt đầu khôi phục sau những ảnh hưởng nặng nề của đợt bùng phát thứ tư của đại dịch Covid-19, kết quả kinh doanh đã có chuyển biến tích cực và công ty đã có lãi từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý IV/2021. 

Mặc dù vậy, tổng doanh thu bán hàng giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái do công ty chưa thể khôi phục hoàn toàn hoạt động sản xuất và bán hàng, doanh thu thuần về bán hàng luỹ kế đến cuối quý IV cũng giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. 

Chi phí giá vốn hàng bán quý IV/2021 tăng cao chiếm đến 67% tỷ trọng doanh thu thuần, do trong quý này sản lượng bán hàng sụt giảm, sản lượng sản xuất còn ở mức thấp, cộng thêm sự tăng giá của các nguyên vật liệu đầu vào khiến cho sản phẩm bán ra phải gánh chịu thêm các chi phí phát sinh liên quan làm cho giá thành bị đẩy lên cao.

Luỹ kế cả năm 2021, doanh thu thuần của chủ doanh nghiệp trà bí đao ghi nhận 1.229 tỷ đồng, cùng với khoản lỗ gần 39 tỷ đồng từ hoạt động khác, lợi nhuận ròng của Công ty giảm 19% chỉ còn gần 126 tỷ đồng.

Khoản bồi thường hợp đồng bào mòn lợi nhuận của ông chủ Wonderfarm - 1

IFS kỳ vọng doanh thu đạt 2.022 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế theo kế hoạch đạt 262 tỷ đồng trong năm 2021, lần lượt tăng 31% và 69% so với thực hiện năm 2020. Đây chính là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong lịch sử kinh doanh từ khi Công ty được thành lập đến nay. Tuy nhiên, so với kế hoạch đề ra, IFS chỉ thực hiện được 61% chỉ tiêu doanh thu và 48% mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm.

Tại thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản của IFS đạt gần 1.277 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Trong đó, IFS có lượng tiền ghi nhận gần 929 tỷ đồng, chiếm 73% tổng tài sản, tăng 29% so với đầu năm.

Đáng chú ý, Công ty có phát sinh mới 550 tỷ đồng khoản tiền gửi ngắn hạn. Ngược lại, khoản phải thu ngắn hạn (35 tỷ đồng) và hàng tồn kho (180 tỷ đồng) lần lượt giảm 17% và 13% so với đầu năm.

Nợ phải trả chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn, ở mức 17%, ghi nhận 213 tỷ đồng. Cơ cấu nợ chủ yếu là phải trả người bán ngắn hạn hơn 107 tỷ đồng, tăng 71% so với đầu năm.

Trên thị trường, chốt phiên ngày 19/1, cổ phiếu IFS dừng ở mức 25.000 đồng/cổ phiếu.

Interfood bắt đầu hoạt động từ năm 1991 với chủ đầu tư ban đầu là Trade Ocean Holdings của Malaysia. Ngành nghề ban đầu của doanh nghiệp là chế biến nông sản, thủy sản để xuất khẩu. Năm 2003, công ty bắt đầu đồ uống với thương hiệu nổi tiếng nhất là trà bí đao Wonderfarm.

Năm 2007, Interfood niêm yết trên sàn chứng khoán TP. HCM (HoSE) với vốn điều lệ 291 tỷ đồng. Thời điểm đó, lợi nhuận của công ty trên dưới 60 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, do đầu tư không hiệu quả, Interfood bắt đầu rơi vào khó khăn, thua lỗ, nợ phải trả tăng nhanh. Năm 2008, Interfood lỗ ròng hơn 200 tỷ và tiếp tục ngập trong thua lỗ nhiều năm sau đó.

Đến năm 2011, nhà đầu tư Malaysia quyết định tháo chạy khỏi Interfood. Thay vào đó, tập đoàn Kirin của Nhật Bản đã “giải cứu” thương hiệu trà bí đao của Việt Nam khi mua lại hơn 57% vốn công ty. Sau thương vụ trên, Kirin liên tục bơm thêm vốn vào Interfood thông qua các đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Đến năm 2015, vốn điều lệ của Interfood tăng lên 871 tỷ đồng và giữ nguyên đến nay. Trong cơ cấu cổ đông của Interfood, phía Nhật Bản giữ 96% cổ phần.

Sau thời gian dài tái cấu trúc hoạt động dưới sự điều hành của người Nhật, Interfood bắt đầu có lãi trở lại vào năm 2016, cổ phiếu Interfood trở lại sàn UPCoM sau khi bị hủy niêm yết trên sàn HoSE từ năm 2013. Danh mục sản phẩm hiện tại của Interfood bao gồm trà bí đao, nước yến, nước trái cây, nước cốt dừa, trà xanh, latte, cà phê và sữa mang thương hiệu Wonderfarm và Kirin.

Nguồn: [Link nguồn]

Doanh thu của Samsung Việt Nam năm 2021 là bao nhiêu?

Samsung Việt Nam hiện tại đang vận hành 6 nhà máy sản xuất tại các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thị Hồng Nhung ([Tên nguồn])
Tin tức doanh nghiệp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN