Tuyển sinh 2021: Hết cơ hội xét tuyển bổ sung ngành yêu thích?

Sự kiện: Giáo dục

Theo kế hoạch, ngày 26/9 các trường đại học, cao đẳng sẽ kết thúc đợt 1 xét tuyển. Đến nay, nhiều trường đã có tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học đạt gần 100%.

Thí sinh vẫn còn cơ hội xét tuyển ĐH dù nhiều trường sẽ không tuyển bổ sung. Ảnh: Như Ý

Thí sinh vẫn còn cơ hội xét tuyển ĐH dù nhiều trường sẽ không tuyển bổ sung. Ảnh: Như Ý

Một khó khăn mà nhiều gia đình đang gặp phải là theo quy định, nam sinh từ năm 17 tuổi phải đăng ký nghĩa vụ quân sự ở nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Tuy nhiên, nhiều gia đình cư trú không cùng phường với nơi đăng ký hộ khẩu thường trú nên năm nay khi con trúng tuyển đại học, gia đình ra phường xin giấy tạm hoãn nghĩa vụ quân sự thì được thông báo năm trước do không đăng ký cho con, thời gian cấp giấy tạm hoãn năm nay đã qua nên phải đợi sang năm mới được cấp. Bên cạnh đó, nhiều thí sinh vùng sâu, vùng xa đối mặt tình trạng Internet chập chờn, ảnh hưởng tiến độ xác nhận nhập học.

Tuy thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến nhưng nhiều trường đều yêu cầu gửi hồ sơ gốc như lý lịch, chứng nhận tốt nghiệp tạm thời... qua bưu điện. Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương, cho hay, đối với thí sinh đang bị cách ly hoặc trong vùng phong tỏa không thể gửi hồ sơ qua bưu điện, các em cần điền đơn, cam kết và có thể nộp bản cứng sau khi hết phong tỏa.

Nhiều trường sẽ không tuyển bổ sung

PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay, với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, tính đến hôm qua, tỷ lệ xác nhận nhập học chung của toàn trường đã đạt 93%. Trong số 59 ngành đào tạo, chỉ có 10 ngành có tỷ lệ xác nhận nhập học/chỉ tiêu dưới 100% (từ 92-99%), 49 ngành còn lại đều trên 100%. Ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Thủy lợi, cho biết, tỷ lệ xác nhận nhập học các ngành của trường gần như đã đạt chỉ tiêu đề ra.

Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học và nhập học luôn. Đến nay, tỷ lệ xác nhận nhập học đã đạt 70%, tỷ lệ nhập học đạt 50%. PGS.TS Vũ Thị Hiền cho hay, hôm nay, Trường ĐH Ngoại thương mới khóa sổ xác nhận nhập học. Theo bà Hiền, kinh nghiệm từ các phương thức xét tuyển riêng cho thấy, tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học và nhập học vào trường đạt tỷ lệ 100%. Từ trước tới nay, tại hai cơ sở lớn ở Hà Nội và TPHCM, nhà trường đều không phải xét tuyển bổ sung.

Học viện Quản lý giáo dục thông báo sẽ xét tuyển bổ sung đợt 1 hệ ĐH chính quy dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 ở 9 ngành với 375 chỉ tiêu. Mức điểm nhận hồ sơ hầu hết các ngành đều từ 16. Học viện Hàng không Việt Nam bổ sung 50 chỉ tiêu ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá dựa trên kết quả học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trường ĐH Kinh tế TPHCM cũng xét tuyển bổ sung 60 chỉ tiêu vào các ngành Luật Kinh tế, Kinh doanh nông nghiệp, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại Phân hiệu Vĩnh Long. Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cũng nhận hồ sơ bổ sung theo phương thức xét kết quả học bạ lớp 12 đến ngày 30/9 đối với 16 ngành đào tạo chính quy.

Những ngành xét tuyển bổ sung không phải là những ngành có điểm chuẩn cao của các trường. Các trường tốp trên thường không có nhu cầu xét tuyển bổ sung. Vì vậy, dù các trường ĐH được phép tuyển sinh quanh năm, nhưng quan trọng nhất vẫn là đợt 1 xét kết quả thi tốt nghiệp và các phương thức xét tuyển riêng trước đó ở các trường tốp trên, các ngành học “nóng”.

Bộ GD&ĐT dự kiến đổi mới thi và tuyển sinh

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ sẽ khuyến khích để các trường ĐH hợp tác, liên kết để tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hoặc hình thành các trung tâm khảo thí. Theo ông Sơn, việc một số trường liên kết, hợp tác để tổ chức kỳ thi riêng là để khắc phục những điểm mà dư luận cho rằng nếu chỉ xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT thì chưa đánh giá được thí sinh theo yêu cầu của một số trường, như trường tốp trên, trường đòi hỏi thí sinh có năng lực riêng biệt. “Đối với những trường này, tốt nhất phải có phương án tổ chức thi ngay tại các địa phương để thí sinh không phải đi xa”, ông nói và cho biết đấy là phương án mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng từ nay đến 2025 sẽ được thực hiện từng bước, không gây xáo trộn việc dạy học ở trường phổ thông.

Về kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT sẽ tiến tới việc kỳ thi có thể diễn ra nhiều lần trong năm để các địa phương chủ động hơn trong việc tổ chức thi và linh hoạt với điều kiện từng nơi, như trong trường hợp có dịch bệnh. Trong tương lai vẫn còn tỷ lệ không nhỏ các trường căn cứ vào kỳ thi này để xét tuyển dù kỳ thi tốt nghiệp được tổ chức không phải là xét tuyển ĐH.

Nguồn: [Link nguồn]

Thêm 3 trường đại học ở phía Bắc công bố xét tuyển bổ sung

Ba trường đại học ở phía Bắc vừa thông báo nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung theo phương thức xét điểm thi tốt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN