Trường đại học cấm mặc áo phông không cổ có quá khắt khe?

Sự kiện: Giáo dục

Quy định về trang phục, kiểu tóc của Trường ĐH Tài chính - Marketing (TPHCM) vừa ban hành đã gây nhiều tranh luận đối với sinh viên của trường. Theo các chuyên gia, cần có những quy định rõ ràng hơn để tránh hiện tượng sinh viên ăn mặc phản cảm khi tới trường.

Trường đại học cấm mặc áo phông không cổ có quá khắt khe? - 1

Đã có nhiều tranh luận về quy định trang phục trong đối với sinh viên khi lên lớp của một số trường đại học. Ảnh minh họa: Q.Anh

Cấm mặc áo thun, nhuộm tóc màu sáng

Trong những ngày qua, bản nội quy do Đại học Tài chính - Marketing (TPHCM) vừa ban hành đã gây nhiều tranh luận đối với sinh viên của trường. Cụ thể, nội quy mới quy định rõ: Sinh viên khi đến trường mặc áo sơ mi, áo thun (miền Bắc gọi là áo phông - PV) có cổ hoặc trang phục truyền thống của trường, mặc quần tây hoặc quần jeans lịch sự, váy dài đến gối, đi giày hoặc dép có quai hậu. Quy định này khiến đông đảo sinh viên của Trường ĐH Tài chính - Marketing tỏ ra khó hiểu trước một số nội dung được cho là khắt khe. Các sinh viên cho rằng, trường đã gián tiếp cấm "mặc áo thun không cổ".

“Quy định của một trường đại học còn khắt khe hơn cả trường phổ thông. Áo thun hiện nay được các bạn trẻ yêu thích vì tiện lợi, trẻ trung, đa dạng về chủng loại nên khá hợp túi tiền của sinh viên. Áo thun không cổ đâu có gì là hở hang, không phù hợp. Nếu quy định không mặc áo trễ vai, áo hai dây… đối với nữ còn phù hợp, chứ áo thun không cổ chủ yếu là loại cổ tròn, còn kín đáo hơn cả áo sơ mi và không bị hở khi cúi xuống”, một sinh viên chia sẻ trên diễn đàn của nhà trường.

Ngoài quy định sinh viên không mặc trang phục gây phản cảm, nội quy còn cấm sinh viên nhuộm tóc màu nổi, hoặc cắt theo kiểu không bình thường, không cạo trọc (trừ sinh viên là tu sĩ hoặc có bệnh về tóc). Quy định cấm nhuộm tóc màu nổi, không cắt tóc kiểu bình thường… cũng gây khó hiểu, vì chưa có tiêu chí cụ thể, giải thích rõ ràng, dễ dẫn đến vi phạm nội quy. Trong điều khoản tổ chức thực hiện nêu rõ "sinh viên vi phạm nội quy, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị trừ điểm rèn luyện".

Một số người đánh giá quy định này là phi thực tế, bởi trang phục thường ngày phổ biến nhất của giới trẻ đang là quần jean và áo thun. Cấm cạo trọc đầu còn có lý, chứ nhuộm tóc màu sáng cũng có phần hà khắc. Còn theo nhà trường, trường không cấm sinh viên mặc áo không cổ nhưng khuyến khích họ nên mặc áo thun có cổ, trang phục thể dục, truyền thống của trường hoặc áo sơ mi để lịch sự khi vào trường. Trước đó, có nhiều sinh viên ăn mặc phản cảm, hở hang đến trường nên quy định mới là cần thiết.

Cần có quy định cụ thể

Đây không phải lần đầu tiên, một trường đại học có quy định về trang phục, kiểu tóc đối với sinh viên khi vào trường. Trước đó, nhiều tranh luận đã từng xảy ra khi Trường ĐH Cửu Long và hàng loạt trường đại học khác cũng loại quần jeans, áo thun, đi dép lê khi tới trường. Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: “Quy định sinh viên ăn mặc không phản cảm là cần thiết, song quy định của một số trường đại học như cấm mặc quần jeans, áo thun không cổ, dép lê… là không phù hợp. Sinh viên đã ở độ tuổi tự ý thức, nên cần có sự thoải mái trong lựa chọn trang phục thể hiện sở thích, cá tính của mình”.

Còn TS Nguyễn Trung Thành (Giảng viên Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội) cho rằng, ăn mặc lịch sự, chỉnh tề khi đến trường là tôn trọng chính mình và thầy cô. Trường học chuyên nghiệp cũng tạo cho mình phong cách sau này ra trường đi làm, phong thái cũng theo đó chuẩn mực hơn. Tuy nhiên, quy định nên rõ ràng và cụ thể. Ngoài ra, quy định sinh viên không được nhuộm màu tóc quá sáng, điều này hơi khó hiểu thế nào là quá sáng, màu nào thì được nhuộm? Còn áo phông, có nhiều loại không cổ vẫn đứng áo và cũng lịch sự. Áo phông không cổ mặc vào giờ thể dục hay các câu lạc bộ tham gia hoạt động ngoại khoá cũng rất phù hợp.

TS Nguyễn Trung Thành chia sẻ thêm, sinh viên mặc quần jean tránh những quần rách quá. Bởi thực tế đã có nhiều sinh viên mặc quần soóc, váy quá ngắn đến trường. Trường học là nơi mang tính giáo dục, không phải công viên hay chỗ giải trí nên việc ăn mặc nghiêm túc sẽ tạo ra môi trường tốt. Nên có quy định về trang phục, song cần cụ thể, rõ ràng quần gì, áo gì, nhuộm tóc màu gì thì được phép.... Thời gian đầu, nhiều sinh sẽ thấy khó chịu vì mặc quy củ, nhưng xét cho toàn thể thì môi trường giáo dục cần sự tôn nghiêm và lịch sự. Giáo dục sinh viên ngoài kiến thức, còn có kỹ năng giao tiếp, ăn mặc phù hợp với công việc sau nay đi làm.

Là người từng du học, nghiên cứu sinh tại châu Âu, Mỹ, TS Nguyễn Trung Thành đưa ra nhận xét: “Đối với các trường đại học ở các nước tiên tiến, sinh viên rất thoải mái trong ăn mặc, họ lựa chọn trang phục tùy ý đến trường. Tuy nhiên, cách ăn mặc của họ đa phần jean và áo phông pollo hoặc sơ mi. Không hở hang hay phản cảm như một bộ phận sinh viên ở Việt Nam. Giảng viên các nước châu Âu lên lớp đa phần mặc vest hoặc trang phục rất lịch sự. Sinh viên nước ngoài hiểu một điều rằng, ra trường đi làm công sở trang phục sơ mi, quần âu và giày tây là tất yếu. Thực tế là không hề “thoáng” và hở hang như một số bạn trẻ đang nhầm lẫn khi xem trên phim ảnh rồi bắt chước”.

Dù thời gian qua có nhiều trường học ban hành quy định cho học sinh, sinh viên về trang phục, kiểu tóc gây nhiều tranh luận trái chiều. Song, thực tế các quy định hiện nay cũng chưa có những quy định cụ thể. Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT) có quy định: trang phục học sinh phải chỉnh tề, sạch sẽ, gọn gàng, thích hợp với độ tuổi, thuận tiện cho học tập và sinh hoạt ở nhà trường. Tuy nhiên, đối với cấp đại học hiện đang ban hành và dự thảo Điều lệ trường đại học mà Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến đều không nhắc đến quy định trang phục của sinh viên.

Dự thảo quy định xử phạt dạy thêm gây tranh cãi

Tất cả lỗi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học, xâm phạm thân thể, ép học thêm… đều bị xem xét xử phạt với...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN