Dự thảo quy định xử phạt dạy thêm gây tranh cãi

Sự kiện: Giáo dục

Tất cả lỗi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học, xâm phạm thân thể, ép học thêm… đều bị xem xét xử phạt với số tiền khá nặng.

Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa được Bộ GD&ĐT công bố có nhiều nội dung quan trọng. Ngoài những quy định mới về dạy thêm, lần đầu tiên nhiều hành vi vi phạm của các cá nhân làm việc trong ngành giáo dục được cụ thể hóa tương ứng với các mức xử phạt hành chính, ngoài việc thực hiện các quy định chế tài khác.

Quy định mang tính chất răn đe

Theo đó, dự thảo nghị định quy định phạt tiền từ 8 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi ép buộc học sinh học thêm. Và phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, thân thế của nhà giáo, người học.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, đánh giá thời gian gần đây những hành vi giáo viên xúc phạm học sinh, học sinh đánh giáo viên… đang làm dư luận hết sức lo lắng. Do đó, Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo quy định này mục đích chính là để răn đe, tránh vi phạm.

Ông Bằng phân tích nếu như trước đây xuất hiện những hành vi vi phạm trong nhà trường, giáo viên và học sinh chỉ đối diện với mức chế tài, việc xử lý trách nhiệm đôi khi không rõ ràng. Tới dự thảo này, sau khi lấy ý kiến đến tháng 11, lúc ban hành, thanh tra Bộ sẽ có kế hoạch tập huấn kỹ ở từng Sở GD&ĐT.

Dự thảo quy định xử phạt dạy thêm gây tranh cãi - 1

Nhiều ý kiến băn khoăn việc xúc phạm nhân phẩm, danh dự dựa vào cái gì để xác định. Ảnh: Internet

Giáo viên băn khoăn

Trao đổi về mức phạt nếu giáo viên, học sinh xúc phạm nhân phẩm bị phạt tiền, cô Lê Thị Ngọc Hà, giáo viên một trường THPT tại Hà Nội băn khoăn ông bà ta có câu “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Học trò là đối tượng được giáo viên dạy dỗ, sẽ có trẻ ngoan, trẻ hư. Nếu trẻ hư cô thầy phải la mắng, bảo ban học trò. “Nếu tôi mắng học trò, phạt đứng vào góc bảng thôi nhưng phụ huynh kiện lên trên, nói cô giáo này xúc phạm con tôi, làm nhục con tôi thì giáo viên làm sao còn đường mà dạy dỗ. Chưa kể học trò cấp 3 là thời điểm cá tính các em mạnh mẽ, không phải ai cũng ngoan ngoãn để nghe lời” - cô Ngọc Hà chia sẻ.

Cùng quan điểm, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, TP.HCM, khẳng định: “Tôi không đồng tình với việc phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học. Quy định này được đưa ra đang xúc phạm đến danh dự của giáo viên. Điều này cho thấy Bộ GD&ĐT không có niềm tin vào các nhà giáo”.

Theo cô Huyền, xúc phạm thân thể thì còn có khả năng để lại vết tích để xác định. Còn việc xúc phạm nhân phẩm, danh dự thì dựa vào cái gì để xác định? Dưới trí tưởng tượng của người khác, dưới sự suy luận của người khác, chính điều này vô tình làm cho khoảng cách giữa cô và trò trở nên xa cách hơn. “Tôi thường hay nói thẳng với học trò. Đối với học sinh nghịch ngợm, tôi thường la với mục đích mong em tốt hơn. Chẳng lẽ những lời nói đó của tôi sẽ bị phạt. Như vậy, giáo viên sẽ khách sáo với trò lắm, khen không dám khen, chê không dám chê” - cô Huyền nói.

Cũng theo cô Huyền, dạy học là một công việc vất vả, đối với học sinh tiểu học lại càng mệt hơn. Các em còn nhỏ, rất hiếu động. Vì thế, nhiều khi cô giáo cũng phải la mắng để các em hiểu việc làm của mình là sai để không tái phạm. Và chẳng lẽ điều đó cũng bị cho là xúc phạm danh dự. “Như thế, tất cả hành vi, lời nói của cô giáo đều bị kiểm soát thì làm sao họ có thể dạy tốt được. Thiết nghĩ Bộ GD&ĐT nên cân nhắc từng câu, từng chữ trong văn bản”.

Trong khi đó, thầy Phạm Bá Giang, giáo viên tại Hoài Đức, Hà Nội, cho rằng phạt có thể là hợp lý, phạt càng cao tính răng đe càng lớn, sẽ hạn chế được một phần các vụ bạo lực học đường như thời gian vừa qua. Tuy nhiên, việc để xác định hành vi nào là xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người học lại rất khó.

Việc xử phạt dạy thêm nên cần xem xét kỹ

Quy định xử phạt 10 triệu đồng nếu ép học sinh học thêm khó có cơ sở pháp lý để xác định. Nếu như thế, Bộ GD&ĐT cần nêu rõ ép như thế nào, chứ không thể nói chung chung như vậy.

Hơn nữa, hiện nay việc học thêm đa phần xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh. Nhiều phụ huynh chủ động liên hệ với giáo viên để tìm lớp học thêm cho con. Một giáo viên non tay nghề không bao giờ dám rầm rộ. Còn giáo viên có kinh nghiệm, phụ huynh tự tìm đến, không chỉ học sinh trong trường mà còn từ các trường khác. Như vậy, đâu phải giáo viên ép học sinh học thêm, lấy cơ sở đâu mà xử phạt.

 NGUYỄN THỊ THANH HUYỀNgiáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, TP.HCM

Làm thế nào để giáo viên có thể sống được bằng lương

Thứ nhất, chính sách tiền lương hiện khiến người thầy không thể sống nổi, vì thế nhiều khi họ phải dạy thêm mới có thể sống được với nghề.

Thứ hai, phải tìm hiểu cái gốc của vấn đề tại sao lại có dạy thêm. Cấu trúc chương trình quá hàn lâm khiến học sinh không thể không đi học thêm. Có cầu tất có cung. Hơn nữa, đề thi ra không cho trong sách giáo khoa, chủ yếu ra bên ngoài và rất khó, điển hình như năm 2018 nên chắc chắn con em phải đầu tư học thêm. Giáo viên phải dạy thêm để có nguồn thu nhập.

Vấn đề căn bản là Bộ GD&ĐT phải làm thế nào để giáo viên có đời sống thật tốt thì họ mới an tâm, toàn tâm, toàn lực lo cho sự nghiệp trồng người. Bộ GD&ĐT phải có trách nhiệm làm sao cho giáo viên sống được bằng lương, như thế sẽ giảm đi tình trạng dạy thêm.

Ông HUỲNH THANH PHÚHiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM

Chửi học sinh phạt 20 triệu, ép học thêm phạt 10 triệu

Theo dự thảo nghị định xử phạt, mức phạt cao nhất có thể lên đến 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Quyên - Hà Phượng ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN