Quá tải trường lớp - Nỗi lo cũ trước năm học mới

Sự kiện: Giáo dục

Quy mô dân số tăng nhanh trong những năm qua khiến nhiều trường học quá tải, tỷ lệ học sinh trên lớp cao, có nơi lên tới 60 em/lớp. Thực trạng này đang tạo áp lực khiến nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn, nơi có mật độ dân cư đông, tỷ lệ dân số cơ học tăng nhanh trong khi tốc độ bổ sung trường lớp không theo kịp như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang “đau đầu” tìm lời giải cho bài toán đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh trước thềm năm học mới 2022-2023.

Theo Thông tư 28 năm 2020 về Điều lệ trường tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định mỗi lớp học không quá 35 học sinh. Đối với cấp trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT), do đặc thù dạy theo từng môn và tiết học, một lớp không quá 45 học sinh. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn, sỹ số trên luôn là con số mơ ước.

Phụ huynh Hà Nội chờ bốc thăm để giành suất cho con vào Trường mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội).

Phụ huynh Hà Nội chờ bốc thăm để giành suất cho con vào Trường mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội).

Không nói đâu xa, ngay tại Thủ đô Hà Nội, hiện tượng sĩ số học sinh/lớp vẫn cao hơn quy định, chủ yếu ở bậc tiểu học. Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, sĩ số học sinh tiểu học/lớp trung bình khoảng 42 em. Tuy nhiên, tại một số quận nội thành có quy mô dân số đông, tốc độ đi thị hoá cao như Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy... luôn xảy ra tình trạng sĩ số gần 50 học sinh/lớp, thậm chí có nơi gần 60 em/lớp. Thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2022-2023, thành phố có 2.835 trường, trên 70.000 lớp học với trên 2,2 triệu học sinh các cấp mầm non, phổ thông. Trong năm 2022, Hà Nội đã xây dựng thêm 51 phòng học mới, với kinh phí trên 2.800 tỉ đồng; cải tạo, sửa chữa 605 trường học, với kinh phí trên 5.000 tỉ đồng. Mặc dù vậy, năm học 2022 - 2023, tình trạng quá tải trường lớp cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều địa bàn tại Hà Nội, trong đó, nổi bật nhất ở một số quận huyện đang có tốc độ đô thị hóa mạnh, tập trung nhiều chung cư cao tầng.

Đơn cử như tại quận Hoàng Mai, một trong những quận tại Hà Nội đang phải đối diện với áp lực lớn về trường, lớp khi có 227 nhà chung cư cao tầng mới được xây dựng và 202 khu nhà chung cư cũ. Dân số Hoàng Mai đông nhất trong các quận, huyện tại Hà Nội với gần 538.000 người, mật độ gần 13.000 người/km2. Hiện trên địa bàn quận có 89 trường (mầm non 48, tiểu học 23, THCS 18) với 2.048 lớp học. Tổng số học sinh là hơn 98.500, trong đó hơn 79.600 học sinh học công lập, tăng gần 3.800 so với năm ngoái. Với tổng số học sinh mầm non, tiểu học và THCS công lập năm học mới như trên, nếu chiếu theo quy định về sỹ số học sinh trong điều lệ của Bộ GD&ĐT thì quận Hoàng Mai còn thiếu khoảng 36 trường (mầm non 22, tiểu học 13 và THCS 1).

Tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, nơi luôn được xem là điểm nóng tuyển sinh đầu cấp từ nhiều năm nay, mặc dù khu vực này có 2 trường THCS, 2 trường tiểu học và 1 trường mầm non với 4 cơ sở nhưng vẫn luôn trong tình trạng quá tải. Chính vì số trường, lớp học không đáp ứng được nhu cầu của người dân nên vào cuối tháng 8/2022 đã xảy ra màn bốc thăm may rủi của hàng trăm phụ huynh để giành suất cho con vào học tại Trường mầm non Hoàng Liệt gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo bà Đàm Thục Hạnh, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai, do dân số tăng quá nhanh nên việc xây trường mới không đủ để đáp ứng. Hiện nhiều trường trong quận đang phải tổ chức cho học sinh học luân phiên cả vào ngày nghỉ cuối tuần. Một số trường phải tạm sử dụng các phòng chức năng làm phòng học. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý, chất lượng dạy và học mà còn gây bất tiện cho phụ huynh trong việc đưa đón con.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, hiện một số phường ở Hà Nội hết quỹ đất xây trường công lập, một số phường khác có trường nhưng dân số trên địa bàn gia tăng quá nhanh nên vẫn không đủ chỗ học.

Do vậy, để khắc phục tình trạng quá tải trường lớp, ông Cương đề xuất Bộ GD&ĐT cùng phối hợp các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu cho Hà Nội một cơ chế đặc thù, cho phép tính diện tích sàn sử dụng/học sinh thay vì diện tích đất sử dụng/học sinh về công nhận trường chuẩn quốc gia; cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng và được phép xây dựng và sử dụng các tầng hầm dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho trẻ, bố trí học sinh học ở các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao. Ngoài ra, cũng cần ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường công lập trong khu vực nội thành khi di dời trụ sở các bộ, ngành, trường đại học - cao đẳng, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy ra khỏi khu vực nội đô.

Thực tế thời gian qua cho thấy, sự phát triển “nóng” của các khu đô thị mới, khu công nghiệp với sự gia tăng đột biến dân số cơ học chính là nguyên dân gây quá tải trường lớp ở các thành phố lớn. Nhu cầu trẻ đi học ngày mỗi đông trong khi việc quy hoạch, xây dựng trường lớp mới không theo kịp đã dẫn đến tình trạng quá tải sỹ số trong lớp học, thậm chí thiếu cả chỗ học ở khu vực giáo dục công lập, nhất là cấp mầm non, tiểu học.

Theo PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT, để tháo gỡ, khắc phục tình trạng này, các địa phương cần nghiêm túc, quyết liệt trong xây dựng quy hoạch. Trong đó, đối với các khu đô thị mới, khu công nghiệp bắt buộc phải có quỹ đất để xây trường; tránh tình trạng như hiện nay là nhiều khu đô thị, khu công nghiệp “quên” xây trường học. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách ưu đãi đối với hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập trong việc tiếp cận với quỹ đất, mặt bằng để các cơ sở này có thể “chia lửa” với giáo dục công lập trong việc tiếp nhận học sinh, góp phần hạn chế tình trạng quá tải trường lớp, nhất là ở bậc mầm non và tiểu học.

Trong chỉ thị đầu năm học mới 2022-2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu UBND tỉnh, thành phố chủ động thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm phù hợp với thực tiễn, có các biện pháp, phương án cụ thể giải quyết vấn đề trường, lớp tại từng địa bàn, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, học sinh, không để tình trạng gây bức xúc trong nhân dân; bảo đảm trẻ em mầm non, học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Đồng thời, tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng phát triển trường, lớp; rà soát, kiểm tra các dự án khu đô thị mới, có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư dành quỹ đất và xây dựng các cơ sở giáo dục theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Tỷ lệ phòng học kiên cố hoá trên cả nước là 85,1%

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, hiện cả nước có 459.100 phòng học các cấp tiểu học, THCS, THPT công lập, trong đó, số phòng học kiên cố khoảng 390.834 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố là 85,1% (trong đó, tiểu học 79,2%, THCS là 92,1%, THPT là 96%). Tỷ lệ phòng học/lớp ở cấp tiểu học là 0,96; cấp THCS là 0,87 và cấp THPT là 0,93. Cấp tiểu học có khoảng 31.658 phòng học bộ môn, đạt 2,5 phòng/trường; cấp THCS có khoảng 336.313 phòng bộ môn, đạt 4,1 phòng/trường; cấp THPT có khoảng 11.077 phòng học bộ môn, đạt 5,26 phòng/trường.

Nguồn: [Link nguồn]

Nỗi lo sau lá phiếu ”rất tiếc bé không trúng tuyển”: Đau đáu câu hỏi gửi con vào đâu?

Hơn 1 tuần sau khi có kết quả cuộc bốc thăm để trẻ có được suất vào học tại trường mầm non Hoàng Liệt, nhiều phụ huynh, người thân có con em không trúng tuyển vẫn rất...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Thanh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN