Ngành kỹ thuật không còn bị “chê”
Ở kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2013, các ngành kỹ thuật đã tạo được sức hút, thậm chí nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu dự kiến.
Khác với nhiều ngành được xem là “hot” nhưng sinh viên (SV) tốt nghiệp lại khó xin việc làm, hầu hết SV các ngành kỹ thuật ở Trường ĐH Công nghệ TP HCM khi nhận bằng tốt nghiệp đã tìm được việc làm đúng chuyên ngành đào tạo và nhận mức lương khởi điểm dao động từ 5 - 8 triệu đồng. Ở nhiều trường ĐH khác có đào tạo các ngành kỹ thuật, tình hình tuyển sinh và cơ hội việc làm cho SV cũng khá tốt.
Đầu vào khởi sắc
TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Khoa Cơ - Điện - Điện tử Trường ĐH Công nghệ TP HCM, cho biết năm 2013, việc tuyển sinh các ngành kỹ thuật đã khởi sắc. Ví dụ, năm 2012, ngành kỹ thuật điện tử và tự động hóa chỉ tuyển được 18 SV thì đến năm 2013 đã tuyển được 50 SV. Nếu như các năm trước, SV trúng tuyển vào các ngành kỹ thuật chỉ có kết quả thi bằng điểm sàn hoặc trên sàn 1-2 điểm thì năm vừa qua xuất hiện khá nhiều thí sinh có điểm 18-19. Kết quả tuyển sinh các ngành như kỹ thuật điện tử - viễn thông, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, kỹ thuật cơ điện tử, kỹ thuật cơ khí... cũng khá tốt. Theo ông Phương, năm 2013, Trường ĐH Công nghệ TP HCM kết thúc tuyển sinh rất sớm chứ không chật vật như các năm trước.
Sinh viên ngành cơ khí của Trường ĐH Công nghiệp TP HCM trong giờ thực hành Ảnh: Tấn Thạnh
ThS Hồ Viễn Phương, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết năm 2012, tình hình tuyển sinh các ngành kỹ thuật vẫn còn khó nhưng năm 2013 trường tuyển rất tốt. Kết quả tuyển sinh cho thấy ở tất cả ngành kỹ thuật, thí sinh có điểm thi trên 20 rất nhiều và chỉ tiêu đều đạt 100%.
Tại Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, khối ngành kỹ thuật cũng rất khả quan trong tuyển sinh. Theo GS-TS Đào Văn Lượng, hiệu trưởng nhà trường, năm 2013, mỗi ngành trường đều tuyển được 3-4 lớp. Nhờ vậy, kết quả tuyển sinh vượt 3% so với chỉ tiêu đăng ký.
“Nếu như ở nhóm ngành kinh tế, trường tuyển sinh bằng điểm sàn vẫn chưa đủ chỉ tiêu thì nguồn tuyển các ngành kỹ thuật năm 2013 rất dồi dào” - ông Hoàng Văn Phúc, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Giới thiệu việc làm Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, nói.
Đầu ra “đắt hàng”
Theo đại diện các trường, ngành kỹ thuật khó học hơn các ngành khác nhưng cơ hội việc làm rất cao. Thống kê của các trường cho thấy có khoảng 90% SV tìm được việc làm đúng chuyên ngành đào tạo ngay sau khi tốt nghiệp.
TS Nguyễn Thanh Phương cho rằng khủng hoảng kinh tế hầu như không ảnh hưởng nhiều đến việc làm của SV tốt nghiệp các ngành kỹ thuật. Thực tế cho thấy tỉ lệ SV ngành kỹ thuật có việc làm trong năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp đạt trên 90%, trong đó nhiều SV có việc làm ngay trong thời gian thực tập. “Mức lương khởi điểm thường dao động từ 6-8 triệu đồng/tháng” - ông Phương nói.
Tại Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, tỉ lệ SV có việc làm chỉ sau một tháng tốt nghiệp đạt 65%, trong khi nhóm kinh tế chỉ 35%.
Trường ĐH Lạc Hồng đóng ở địa bàn có nhiều khu công nghiệp nên tìm việc làm đối với sinh viên ngành kỹ thuật không khó. ThS Hồ Viễn Phương cho biết hằng năm, tỉ lệ SV ra trường có việc làm đạt trên 90%. Hiện trường đã tổ chức cho SV đi thực tập tại doanh nghiệp 6 tháng nên nhiều nơi ký hợp đồng giữ chân với SV từ tháng thứ 4 của thời gian thực tập.
Theo TS Nguyễn Thanh Phương, nếu thời gian thực tập là 1-2 tháng thì doanh nghiệp cũng không muốn tiếp nhận SV thực tập. Do đó, trường đã nâng thời lượng thực tập của SV lên 4 tháng. Trong khi đó, thời gian cho SV đi thực tập ở Trường ĐH Lạc Hồng là 6 tháng. “Hiện rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tìm đến trường đặt vấn đề về đào tạo và tuyển dụng. Do vậy, để SV có sự chuẩn bị tốt khi làm việc cho doanh nghiệp Nhật Bản, ngoài việc bảo đảm thời gian thực tập, trường đã quyết định đào tạo tiếng Nhật miễn phí trong một năm cho những SV muốn sau này làm việc ở doanh nghiệp Nhật Bản” - ThS Hồ Viễn Phương cho biết.
Dẫn đầu nhu cầu nhân lực Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM - cho biết kết quả dự báo xác định nhu cầu nhân lực có trình độ tại TP HCM trong giai đoạn 2014-2015, xu hướng đến năm 2020-2025 dự kiến nhu cầu nhân lực một năm khoảng 270.000 chỗ làm trống. Trong đó, 2 ngành trọng điểm của TP HCM là cơ khí có số chỗ việc làm là 8.100 người/năm; điện tử - công nghệ thông tin là 16.200 người/năm. Đặc biệt, nhóm ngành kỹ thuật công nghệ có nhu cầu nhân lực qua đào tạo cao nhất với 70.875 người/năm. Kế đến là nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng - pháp luật - hành chính có nhu cầu nhân lực qua đào tạo 66.825 người/năm. |