Chọn sai ngành rồi “chết đuối”!
Điểm thi ĐH bình quân của học sinh TP.HCM luôn cao hơn mức điểm bình quân cả nước. Tuy nhiên, số lượng đậu vào ĐH, CĐ lại không nhiều. Vì sao?
“Khảo sát năm mùa thi tuyển sinh ĐH, CĐ gần đây cho thấy học sinh TP.HCM luôn có số điểm thi bình quân vượt mức điểm thi bình quân của cả nước. Thế thì tại sao hằng năm hàng chục ngàn học sinh thành phố vẫn phải dở khóc dở cười với kết quả thi? Đây có phải là hậu quả của việc chọn sai trường, sai ngành để rồi “chết đuối”, gây lãng phí không?”. Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, trong buổi khai mạc chuỗi chương trình Hướng nghiệp tuyển sinh 2014 với chủ đề “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” diễn ra vào cuối tuần qua tại Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Cao đẳng cũng chê...
Một thực tế đáng ngẫm là trong những năm gần đây, không chỉ hệ TCCN bị học sinh “ghẻ lạnh”, xem là chỗ “trú tạm lúc sa cơ”, mà ngay cả đến hệ CĐ chính quy hẳn hoi... cũng chịu chung cảnh ngộ!
Mùa thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013, cả nước có khoảng 1,4 triệu thí sinh dự thi, TP.HCM có hơn 110.000 thí sinh. Trong đó khoảng 20% thí sinh cả nước đăng ký thi CĐ. Con số này tại TP.HCM còn thấp hơn, với chưa tới 10% thí sinh.
Trao đổi với các chuyên gia tư vấn để tìm ra định hướng nghề nghiệp thích hợp. Ảnh: Anh Phú
Minh họa rõ nhất, năm 2013, tại Trường THPT Võ Thị Sáu có gần 1.400 thí sinh nộp hồ sơ dự thi nhưng chỉ có 160 học sinh làm hồ sơ đăng ký thi, xét tuyển CĐ. Tại một số trường thuộc các huyện Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi… con số này cũng chỉ lên tới khoảng 8%-10%.
ĐH không hẳn tốt hơn CĐ, TCCN
Theo ông Đỗ Hữu Tuyết, Phó Vụ trưởng, Phó Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM, hiện nhiều học sinh đang đánh giá chưa đúng về ngành nghề mình theo đuổi, từ đó dẫn đến việc định hướng sai, không thấy rõ khả năng bản thân, lao theo mục tiêu quá cao nên lận đận, khó khăn trong việc tìm chỗ học phù hợp, không thể kiểm soát được bước đi nghề nghiệp. Thấy rõ nhất, mỗi mùa thi ĐH, CĐ hàng trăm ngàn thí sinh lao vào các trường tốp trên, trường “đẹp” để rồi không kham nổi, gây lãng phí lớn cho gia đình, xã hội.
“CĐ, TCCN hay ĐH cũng đều là những bước đệm vào nghề tốt. Sự thành công của nghề nghiệp mấu chốt ở chỗ các em biết chọn nghề phù hợp, nỗ lực hết sức với nghề chứ không hẳn là tấm bằng loại nào để đánh giá thành công. Đâu hẳn một em học CĐ, TCCN ra trường sẽ kém thành công, kiếm ít tiền hơn em học ĐH. Vì thế tốt hơn cả là các em nên xác định rằng mình phù hợp với ngành nghề nào nhất rồi sau đó hãy tính đến chuyện chọn trường nào, hệ nào” - ông Tuyết nói.
Đồng tình, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thị trường lao động TP.HCM, cho rằng xu thế chung của nhà tuyển dụng hiện nay thiên về kỹ năng thực tế, không “thượng tôn” bằng cấp. “Ví dụ, hai sinh viên tốt nghiệp cùng ngành, cùng hệ, trong đó một sinh viên tốt nghiệp ở một trường nổi tiếng, chưa chắc sinh viên học ở trường nổi tiếng sẽ thuyết phục được nhà tuyển dụng bằng sinh viên tốt nghiệp ở trường kém nổi tiếng kia. Nhà tuyển dụng chỉ bị thuyết phục với những lao động có trình độ chuyên môn và cả kỹ năng thực tế tốt…Như vậy cái cốt vẫn là ở sự định hướng đúng đắn từ các em. Học gì thì học, làm được việc, thạo nghề thì ra trường chắc chắn sẽ có việc làm” - ông Tuấn nói.
Nhu cầu tuyển dụng CĐ, TCCN nhiều hơn ĐH Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thị trường lao động TP.HCM, cho biết cung - cầu lao động trên địa bàn TP.HCM thời gian qua chủ yếu tuyển dụng lao động tốt nghiệp CĐ, TCCN, trung cấp nghề hơn là ĐH. Đơn cử trong quý IV-2013 vừa qua, nhu cầu tuyển dụng trình độ trung cấp chiếm 26,07%, còn CĐ là 16,31%, trong khi ĐH chỉ chiếm 11,09%. Chính vì vậy đã có thước đo rất rõ, trong quý IV-2013, nguồn lao động tìm việc chủ yếu là ĐH chiếm 53,34%, trong khi CĐ tìm việc chỉ chiếm 25,17%. Phần lớn người học ĐH đều khó khăn trong khi đi tìm việc. Tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm ngay được việc làm phù hợp hoặc phải làm việc trái ngành nghề đào tạo vẫn tiếp tục phổ biến. Dự kiến quý I-2014 TP.HCM có khoảng 55.000 chỗ làm việc trống. Nhu cầu lao động có trình độ sơ cấp đến trung cấp, nhu cầu lao động có trình độ CĐ cần đến 35%, trong khi lao động có trình độ ĐH và trên ĐH chỉ cần 25%. Chọn nghề phải biết cân đối năng lực Nhiều học sinh đang nhầm lẫn việc chọn nghề, chọn trường phù hợp nghĩa là quy chiếu đúng theo kết quả học tập. Chẳng hạn, thấy điểm học tập các môn khối B của mình cao thì đăng ký thi y dược, công nghệ sinh học, thấy học vài môn khối A tốt thì thi vô bách khoa… Cái đó chưa thật sự đúng đắn! Sự lựa chọn phù hợp là biết cân đối giữa năng lực, sở thích, năng khiếu cá nhân với điều kiện gia đình và nhu cầu của xã hội. Không thể cứ mất vài năm cắm đầu thi đi thi lại vào trường y, trường dược vì nghĩ mình học các môn khối B điểm cao. Phải tự thấy được khả năng đích thực của mình để xác định cho đúng. Chọn nghề trước, chọn trường sau. Bỏ thời gian tìm thông tin, nghiên cứu về nghề mình theo đuổi, sau đó hãy tính sẽ đăng ký trường nào, hệ nào là tốt nhất, khả năng đậu đạt, việc làm cao nhất. PGS-TS HUỲNH VĂN SƠN, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM |